Doanh nghiệp Việt lại kêu về quy định mới trong kinh doanh xăng dầu
Trước nguy cơ lãng phí hàng trăm tỷ đồng liên quan những quy định bổ sung về lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Công thương và Bộ Tài chính trong việc thêm quyền định giá dựa trên chi phí cho doanh nghiệp.
Được biết, trong kinh doanh xăng dầu, mỗi một hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ phải mua với giá từ 433 đồng - 520 đồng/hóa đơn. Mỗi lần bơm xăng dầu bán cho khách sẽ xuất một hóa đơn điện tử, tốn đến khoảng 400-500 đồng, trong khi hoa hồng áp dụng hiện nay chỉ ở mức 300-400 đồng/lít xăng dầu khiến doanh nghiệp bán lẻ không có lợi nhuận trong khi hầu hết người đổ xăng lẻ này đều không lấy hoá đơn.
Do đó, việc cơ quan quản lý điều hành xăng dầu yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng bán cho khách đã gây ra hao tổn cho doanh nghiệp, gây lãng phí xã hội rất lớn khi phải sử dụng một lượng hóa đơn cực kỳ lớn không cần thiết, không có tác dụng chống thất thu thuế.
Dù vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế.
Nhưng để làm được, doanh nghiệp cần phải bỏ chi phí đầu tư và các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng. Để thuận lợi triển khai, cơ quan quản lý cần có chính sách gắn với hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có năng lực tài chính còn hạn chế.
Hiện tại, một số doanh nghiệp đầu mối khẳng định, việc áp dụng xuất hoá đơn bán lẻ sau mỗi lần bán sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, góp phần tránh thất thoát thuế.
Mặc dù doanh nghiệp đầu mối không gặp vướng mắc khi triển khai, kể cả với các đại lý nhượng quyền do các chi phí này được tính vào giá chiết khấu cũng như chi phí đầu tư, nhượng quyền. Tuy nhiên, với doanh nghiệp bán lẻ, đây quả thực là sức ép khi phải gia tăng đầu tư trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn có nhiều biến động.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho biết, đơn vị này đã đề xuất nhiều giải pháp về phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, minh bạch trong tình hình mới trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung thế giới gặp khó khăn, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia thấp sẽ không phát huy được tác dụng trong những trường hợp cần thiết, không giải quyết được kịp thời tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường như vào quý IV/2022.
Vì vậy, nếu Nhà nước không tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng và gia tăng lượng dự trữ xăng dầu thì tình trạng trên sẽ còn có thể tiếp diễn trong thời gian tới.
Thời gian tới, để đảm bảo an ninh năng lượng và tạo lập thị trường xăng dầu minh bạch và phát triển ổn định trong bối cảnh mới, Nhà nước cần công bố giá cơ sở (giá xăng dầu thế giới, mức trích, chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu) còn lại nên trao quyền cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu căn cứ vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có lộ trình điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế để đảm bảo hài hòa ba lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.