Doanh nghiệp tư nhân cần niềm tin và sự bình đẳng

Anh Vĩnh| 10/03/2021 09:58

Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân (KTTN) nổi lên là một trong những động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng. Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, khu vực KTTN đã có bước phát triển cả về lượng và chất, đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng muốn KTTN phát triển mạnh hơn, cần lắm niềm tin và sự bình đẳng...

Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hành động, tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực KTTN phát triển thuận lợi, đặc biệt là được bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội kinh doanh.

Theo đó, KTTN bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn vốn. KTTN được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật; giảm sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

thumbnail-2178-1615344442.jpg

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2019, KTTN chiếm 42% GDP, đóng góp 30% thu ngân sách. Quan trọng hơn nữa là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Đến năm 2030 theo dự báo thì KTTN sẽ chiếm 60% GDP cả nước.

Tuy nhiên trong thực tiễn, mặc dù KTTN đang dần trở thành một trụ cột của nền kinh tế, nhưng môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, còn nhiều rào cản, đặc biệt là sự phân biệt đối xử đã khiến khu vực này chưa phát triển được như kỳ vọng.

Sự bất bình đẳng đó có thể thấy trong thực tế so với doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), khi hằng ngày DNTN vẫn còn đối diện với các cuộc thanh, kiểm tra, rồi chi phí không chính thức, khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn, thủ tục hành chính nhiêu khê...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, môi trường kinh doanh hiện còn nhiều rủi ro về mặt thể chế làm cản trở sự phát triển của khu vực KTTN. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đối mặt với rủi ro thông thường như rủi ro về thị trường mà còn phải đối mặt với những rủi ro pháp lý do nhiều bộ luật có những nội dung chồng chéo, do sự tắc trách hay vòi vĩnh của không ít công chức. Đó là chưa kể cách áp dụng tùy tiện chính sách của các cơ quan chức năng làm cho doanh nghiệp không thể tính toán được kế hoạch kinh doanh lâu dài. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp "không muốn lớn lên", thậm chí là hoạt động không chính thức, vì càng hoạt động chính thức thì rủi ro càng lớn.

Link bài viết

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với trí thức, doanh nghiệp tiêu biểu chiều ngày 6/3/2021 vừa qua với chủ đề "Đối thoại 2045" để lắng nghe, thảo luận với mục tiêu làm cho Việt Nam hùng cường vào năm 2045, nhiều ý kiến khẳng định, muốn Việt Nam trở nên hùng cường vào năm 2045, Chính phủ cần đặt niềm tin và tạo sự bình đẳng với KTTN bằng những hành động cụ thể.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc VietJet Air, một trong những nền tảng của mục tiêu hùng cường là Nhà nước hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, công ty khởi nghiệp. Để làm được điều ấy cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, các bộ, ngành đến lãnh đạo địa phương. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, cần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các loại hình doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần phát triển mạnh mẽ về khoa học - công nghệ, bứt phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực KTTN.

Để tạo ra sự tăng trưởng cao từ nay đến năm 2045, nhiều người nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của KTTN bởi đó là động lực của phát triển kinh tế. Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do Chính phủ thành lập, khẳng định, hơn lúc nào hết, từng người dân Việt Nam phải chung khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, có những phát minh, sáng chế cả thế giới cần và sử dụng...

Ông Trương Gia Bình cho rằng, để có khát vọng đó, cần niềm tin của người dân đối với Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Phải có niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khát vọng lớn, niềm tin càng lớn.

Niềm tin và bình đẳng đối xử với doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI vẫn luôn là điều mà doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân khao khát. Nhưng điều đó vẫn chưa thật sự đi vào đời sống kinh doanh của họ.

Có thể còn nhiều khó khăn trong nhận thức, trong quản lý, nhưng nếu Đảng và Nhà nước thúc đẩy các nỗ lực cải cách hành chính, cải cách thể chế liên tục, xuyên suốt, nhất quán thì việc hiện thực hóa khát vọng Việt Nam năm 2045 trở nên hùng cường sẽ sớm đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp tư nhân cần niềm tin và sự bình đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO