![]() |
Đặc biệt với các doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ tìm kiếm nhiều hơn các cơ hội ở Việt Nam vì sự thiếu hụt chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc. Hơn thế nữa, thị trường Việt Nam đang phát triển ổn định với nhiều lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, các chính sách chào đón đầu tư thuận lợi... Trong tình hình này, các doanh nghiệp thành viên AmCham sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để có thể đáp ứng tốt sự dịch chuyển đầu tư và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã nâng Việt Nam từ vị trí thứ 12 năm 2018 lên vị trí thứ 9 năm 2019 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. Hiện Việt Nam là thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Được biết, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều Việt - Mỹ từ mức 1,4 tỷ USD vào năm 2001 đã tăng lên gần 59 tỷ USD vào cuối năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt gần 35,5 tỷ USD.
Mỹ có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên hoặc lợi thế về nhân công trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thiết bị điện tử… Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông... Trong tương lai, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng của các công ty của Mỹ hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, viễn thông, hàng không, kinh tế số, năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng...