Doanh nghiệp gỗ và cơn khát nguyên liệu

ANH KHOA| 23/12/2016 08:29

Việc khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu một lần nữa đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp gỗ.

Doanh nghiệp gỗ và cơn khát nguyên liệu

Ngành công nghiệp chế biến gỗ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2015 giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 6,9 tỷ USD, 10 tháng của năm 2016 đạt 5,59 tỷ USD. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu một lần nữa đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp gỗ.

Đọc E-paper

Đã thiếu lại bị mua vét

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ mỗi năm khoảng 31 triệu m3. Rừng tự nhiên Việt Nam hiện tại còn khoảng 10 triệu ha nhưng chủ yếu là rừng nghèo kiệt, trữ lượng gỗ rất ít và chất lượng kém. Tổng diện tích rừng trồng 3,8 triệu ha, trong đó rừng sản xuất 2,7 triệu ha, nhưng đến hết năm 2015 chỉ có từ 10 - 12% trong 1,7 triệu ha có gỗ đạt chất lượng và kích cỡ để làm hàng nội thất. Rừng cao su bình quân có thể khai thác 3 triệu m3 gỗ/năm.

Tình trạng đó đặt ra vấn đề phải có thêm nguồn cung gỗ tăng từ 10 - 15%/năm. Hiện nay, gỗ rừng trồng đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến gỗ, chiếm 30% - 40% tổng lượng nguyên liệu, đặc biệt là gỗ cao su và keo tràm.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nêu ra một thực trạng đáng lo ngại: trong tình trạng “người đông của ít” đó, thương nhân Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp (DN) Việt Nam xây dựng nhiều nhà máy và cơ sở thu mua gỗ để xuất sang Trung Quốc, tạo ra sức ép rất lớn, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu của các DN chế biến gỗ Việt Nam.

Sự thay đổi về chính sách xuất khẩu gỗ của nhiều quốc gia láng giềng càng làm cho thương nhân Trung Quốc tăng cường cạnh tranh gỗ nguyên liệu trong khu vực. Năm 2014, Myanmar ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ kích thước lớn. Năm 2016, Lào ban hành lệnh tương tự. Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc cấm khai thác rừng tự nhiên ở vùng Đông Bắc và Nội Mông, tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc vào năm 2017.

Để đáp ứng cơn khát nguyên liệu, thương nhân Trung Quốc cạnh tranh mua gỗ tại các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu gỗ, và chính tại thị trường Việt Nam. Năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu 107 triệu m3 gỗ quy tròn, kim ngạch lên đến 19,5 tỷ USD.

>>Brexit tác động thế nào đến tình hình xuất khẩu gỗ Việt Nam?

Từ năm 2009, thương lái Trung Quốc bắt đầu thu gom ồ ạt gỗ cao su xẻ, đẩy giá thành từ 3,5 triệu đồng/m3 lên 5,6 triệu đồng/m3 hiện nay. Theo số liệu của Forest Trends, lượng gỗ cao su xẻ xuất sang Trung Quốc tăng đột biến: năm 2015 dưới 120.000m3 thì chỉ 9 tháng năm 2016 đã lên đến 170.000m3 và vẫn không ngừng gia tăng.

“Họ thu mua ồ ạt bất kể chủng loại, chất lượng xấu tốt khiến DN gỗ Việt Nam điêu đứng. Trong khi nguyên liệu không ổn định thì giá đồ gỗ không thể tăng. Tôi nghĩ chúng ta cần cấm hẳn xuất khẩu gỗ tròn, cấm ngay không cần lộ trình”, bà Trương Mộng Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Mộc Lục (Bình Dương) kiến nghị.

Đặt ra một loạt câu hỏi đầy bức xúc, bà Nguyễn Thị Kiều Nga (Công ty TNHH Phát triển ở Bình Dương) lo ngại: “DN Trung Quốc vẫn đang thu mua gỗ cao su ồ ạt nhưng họ mua để làm gì, mang về nước hay đi đâu, không ai biết. Họ đến tận xưởng cưa đặt tiền cọc rồi đưa xe đến chở gỗ đi đâu, không ai biết. Có mang ra cảng để xuất, đóng thuế hay không, cũng không ai biết. Hay là mang để ở đâu đó, chờ giá lên, bán ngược ra thị trường Việt Nam với giá cao, cũng không ai biết. Nạn nhân chính là DN Việt Nam sử dụng gỗ cao su phải mua với giá cao”.

Liên kết để ứng phó với sự cạnh tranh của DN Trung Quốc

Dự kiến đến năm 2020 xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 10 tỷ USD thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ thêm 4 - 5 triệu m3/năm. Đây là một thách thức không nhỏ mà ngành chế biến gỗ phải đối mặt.

Chất lượng gỗ rừng trồng có đường kính nhỏ là chủ yếu, năng suất lại thấp. Theo ông Bùi Như Việt (BIFA), gỗ tràm, keo, chu kỳ khai thác 7 - 10 năm mới đạt chất lượng nhưng hiện nay nông dân lại chuộng trồng các loại giống F4, F5 chỉ sau 4 - 5 năm là thu hoạch, chất lượng gỗ kém hẳn, không đủ kích cỡ để chế biến mà chủ yếu để băm dăm phục vụ ngành giấy”.

Bên cạnh đó, thách thức lớn chính là chứng chỉ cho gỗ. Đến nay mới chỉ có khoảng 200 ngàn ha gỗ rừng trồng ở Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 8% diện tích rừng sản xuất của cả nước. Yêu cầu trong các năm tới phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp là một thách thức lớn đối với DN gỗ Việt Nam, trong khi mối liên kết giữa nông dân với DN trồng rừng vẫn chưa có.

Theo ông Điền Quang Hiệp - Giám đốc Công ty MIFACO, ở Mỹ có hiệp hội gỗ cứng, còn ở Việt Nam các hiệp hội gỗ hầu hết là nơi quy tụ những DN chế biến gỗ (HAWA, BIFA...) chứ chưa có hiệp hội của những DN chuyên trồng rừng. Đây là một nguyên nhân khiến cho nguồn gỗ nguyên liệu chưa ổn định.

Để cứu vãn thị trường gỗ nguyên liệu, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định vừa kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ bằng cách tăng thuế gỗ tròn và gỗ xẻ lên 20%, hạn chế thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng. Vấn đề quan trọng nữa là cần sự liên kết giữa các DN để đối phó với việc DN Trung Quốc cạnh tranh nguyên liệu.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) góp ý: “Tôi từng sang Trung Quốc nhiều lần và nhận thấy độ liên kết giữa các DN gỗ với nhà cung ứng rất cao. Chỉ có liên kết DN mới tạo được niềm tin, giữ được chuỗi giá trị, hạ giá thành sản phẩm”.

>>Gỗ Việt và khát vọng của thế hệ F1

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp gỗ và cơn khát nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO