Với 1 huy chương vàng (HCV), 10 huy chương bạc và 25 huy chương đồng, đoàn thể thao Việt Nam đã đứng thứ 21/45 tại ASIAD 2014. Căn cứ vào mục tiêu đề ra, đó là một thất bại. Bốn năm trước, Việt Nam cũng chỉ giành được duy nhất 1 HCV trong tổng số 33 huy chương (Lê Bích Phương) và xếp hạng 24 tại ASIAD 16. Như vậy, thành tích của chúng ta coi như giậm chân tại chỗ, thậm chí là đi giật lùi...
Nhìn ASIAD, lo cho SEA Games
Tấm HCV duy nhất của đoàn Việt Nam tại Incheon 2014 thuộc về Dương Thúy Vi ở nội dung kiếm thuật và thương thuật nữ. Những nỗ lực của Thúy Vi là rất đáng trân trọng, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ở nội dung này, con đường đến với HCV cũng thuận lợi hơn rất nhiều khi không có vận động viên (VĐV) Trung Quốc nào tham dự. Nên nhớ, trong số 12 nội dung của môn Wushu mà đoàn Trung Quốc tham dự thì họ giành đến 10 HCV.
Trước đó, Thúy Vi không được kỳ vọng lắm về tấm HCV. Những VĐV được đánh giá có khả năng giành HCV là Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), và Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội). Chính vì những sự kỳ vọng này mà lãnh đạo đã đặt mục tiêu giành 2 - 3 HCV và nằm trong top 20 châu lục.
Thật ra, đó là mục tiêu khiêm tốn hơn hẳn những kỳ ASIAD trước (giành 4 - 6 HCV). Nhưng ngay cả điều đó cũng không giúp chúng ta đảm bảo chỉ tiêu. Rõ ràng, sân chơi châu lục vẫn còn quá rộng đối với các VĐV Việt Nam. Ngoài ra, còn những lý do khách quan về trình độ đối thủ, mức độ phức tạp và cam go của các cuộc đấu, trọng tài và những mối quan hệ. Giống như ở nhiều kỳ ASIAD khác, trọng tài vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Việc nữ võ sĩ Ấn Độ Sarita Devi (cùng giành huy chương đồng với Lừu Thị Duyên ở hạng cân 60kg) trả lại huy chương vì bức xúc là một minh chứng.
Nhưng từ thất bại ở Incheon, hẳn các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam sẽ cảm thấy âu lo khi sang năm đã là SEA Games. Tại ASIAD lần này, nếu chỉ tính riêng các nước Đông Nam Á thì Việt Nam thua xa Thái Lan (12 HCV), Malaysia, Singapore (cùng 5 HCV), và Indonesia (4 HCV). Chúng ta thậm chí còn kém cả Myanmar (2 HCV), và chỉ ngang với Philippines, Campuchia (cùng 1 HCV).
Những điểm sáng hiếm hoi
Ngoài tấm HCV của Thúy Vi, cần phải nhìn nhận một cách tích cực rằng đoàn thể thao Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt ở các môn thể thao Olympic. Đáng chú ý trong số này là hai tấm huy chương bạc (HCB) ở môn điền kinh của Quách Thị Lan (400m tự do nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), 2 huy chương đồng (HCĐ) bơi lội của Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn phá kỷ lục ASIAD ở môn cử tạ. 2 HCĐ Boxing của Lừu Thị Duyên (60kg) và Lê Thị Bằng (51kg).
Bóng đá cũng là một điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại ASIAD 17, dù không giành được huy chương nào. Đội tuyển nữ của chúng ta đã lần đầu tiên lọt vào đến bán kết ASIAD, đội tuyển nam tuy phải dừng bước ở vòng 1/8, nhưng đã gây ấn tượng rất mạnh với chiến thắng 4-1 trước ứng cử viên vô địch Olympic Iran. Trong thời điểm mà người hâm mộ dành quá nhiều sự chú ý cho lứa U19, các đàn anh đã lên tiếng để chứng tỏ rằng bóng đá Việt Nam không chỉ có mỗi lò đào tạo HAGL JMG là có tài năng.
Tại ASIAD lần này, đoàn Việt Nam tham dự với 21 môn thể thao thì 13 môn có huy chương. Trong đó có 8 môn có HCV (1), HCB, còn 5 môn có HCĐ. Đặc biệt, có 6 môn lần đầu tiên chúng ta giành huy chương ASIAD là xe đạp, boxing, đấu kiếm, bơi lội, cử tạ và thể dục dụng cụ. Đó là nền tảng tốt để chúng ta tin tưởng nếu quy hoạch lại và có sự đầu tư xứng đáng. Nên nhớ, các VĐV ở những môn này còn tương đối trẻ và còn có thể tiến bộ thêm nhiều về thành tích và bản lĩnh.
Thống kê huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 17 HCV: Dương Thúy Vi (wushu) HCB: Nguyễn Hoàng Ngân (karate), Bùi Trường Giang (wushu), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Đặng Hồng Hà - Nguyễn Thị Lệ Quyên (bắn súng), Nguyễn Hoàng Phương (bắn súng), Phạm Thị Huế - Phạm Thị Thảo - Phạm Thị Hài - Lê Thị An (đua thuyền), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh). HCĐ: Nguyễn Thanh Duy (karate), Lê Thị Bằng, Lừu Thị Duyên (boxing), Nguyễn Tiến Nhật (kiếm chém), Nguyễn Phước Đến - Phạm Hùng Dương - Nguyễn Tiến Nhật - Trương Trần Nhật Minh (đồng đội kiếm chém), Đinh Phương Thành, Đặng Nam, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Tạ Thanh Huyền, đồng đội thuyền bốn người (rowing), Dương Thị Xuyến - Lê Thị Tâm - Nguyễn Thị Quyên/cầu mây đội tuyển, 25m súng ngắn ổ quay đồng đội, 50m đồng đội súng ngắn hơi nam, 25m súng ngắn hơi nam, 10m súng trường hơi di động nam/nữ, Ánh Viên: 200m ngửa/ 400m hỗn hợp, Phạm Thu Hiền, Hà Thị Nguyên (taekwondo), Nguyễn Thanh Tùng/ Nguyễn Mạnh Quyền/ Ngô Văn Sỹ/ Tần Thị Ly (wushu). |