Ngay cả khi dịch bệnh qua đi và thế giới cố gắng quay trở lại kinh doanh, các nhà sản xuất sẽ buộc phải đánh giá lại hệ thống sản xuất của họ. Ảnh: Reuters |
Liều thuốc chữa trị nhanh chóng nhất khi đối mặt với việc kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch toàn cầu và giúp giảm bớt lo lắng chính trị là xây dựng các rào cản thương mại. Điều này có vẻ đúng với tình hình hiện tại, khi các quốc gia hàng đầu thế giới đồng ý về nguyên tắc một mặt trận thống nhất chống lại đại dịch toàn cầu, nhưng lại không thể đưa ra lộ trình hợp tác cụ thể.
Cả G7 và G20 đều không thể đạt được nhiều bước tiến ngoại trừ thực hiện các cam kết hợp tác bằng lời nói. Thay vào đó, các hành động được thực hiện trong vài tuần qua trái ngược hoàn toàn đối với sự hợp tác quốc tế và thực sự đã làm tăng mức độ nghi ngờ lẫn nhau.
Điều nổi bật nhất trong những hành động này là đóng cửa biên giới, ngay cả giữa các đồng minh trung thành và xây dựng các rào cản giao thương. Kết quả cuối cùng là một bước ngoặt mạnh mẽ từ sự hợp tác sang sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là bằng cách không khuyến khích xuất khẩu hàng hóa quan trọng và tăng cường sản xuất các nhu yếu phẩm rất cần thiết cho sử dụng trong nước.
Tất nhiên, virus corona trước hết là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng thừa nhận rằng mối đe dọa sức khỏe sẽ dần bị loại bỏ vào một lúc nào đó trong tương lai, mặc dù thời điểm chính xác vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Ngược lại kinh tế thế giới có thể không thể phục hồi hoàn toàn dễ dàng như vậy, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng và giá tài sản lao dốc chỉ trong vài tuần. Nó cũng đã thay đổi đáng kể bối cảnh thương mại quốc tế, phản ánh nỗi sợ hãi của các nhà hoạch định chính sách trong việc đáp ứng nhu cầu của công dân.
Phải công nhận là các cuộc đàm phán thương mại luôn được thúc đẩy bởi chính trị cũng như các cân nhắc về kinh tế, nhưng đại dịch đã tăng tốc không chỉ là tinh thần chung, mà cả hành động cụ thể của các chính phủ, trong việc phản ánh chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang phát triển, đặc biệt là thông qua các hạn chế xuất khẩu. Sự lan truyền virus càng kéo dài, các rào cản thương mại sẽ càng tăng cao.
Đại dịch chắc chắn đã thay đổi cán cân của quyền lực và tiền tệ. Đột nhiên, các quốc gia chứng minh được khả năng kiểm soát đại dịch và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết đang ngày càng được tôn trọng như các chính phủ hiệu quả. Ngược lại, các quốc gia được coi là không được trang bị đầy đủ để đối phó với sự lây nhiễm đang nhanh chóng mất uy tín và ảnh hưởng toàn cầu.
Hiện nay, sự thiếu hụt trầm trọng các vật tư và thiết bị y tế từ máy thở đến bộ dụng cụ thử nghiệm và mặt nạ trên toàn thế giới có nghĩa là các quốc gia có khả năng cung cấp đủ các mặt hàng cần thiết này đang mang trong mình sức mạnh chính trị lớn hơn. Nhưng thay vì cố gắng nỗ lực sử dụng ảnh hưởng tích cực đó để đẩy mạnh hợp tác quốc tế, các rào cản thương mại đang được các quốc gia này đưa ra để đảm bảo rằng hàng hóa vẫn nằm trong biên giới của mình.
Các quốc gia bao gồm các đồng minh quan trọng của Mỹ như Pháp, Đức và Hàn Quốc đã thực thi luật pháp để cấm hoàn toàn hoặc áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các thiết bị y tế bao gồm mặt nạ phòng độc, đồ bảo hộ và mặt nạ cần thiết để đáp ứng số lượng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Các quốc gia khác cũng có thể noi theo cách như vậy trong bối cảnh các lời kêu gọi ngày càng gia tăng trong nước về việc đặt nhu cầu quốc gia của chính họ lên trước tiên.
Các biện pháp bảo vệ ưu tiên để ngăn chặn các loại thuốc cần thiết ra nước ngoài cũng đang gia tăng. Chẳng hạn, Ấn Độ sẽ không còn cho phép một loại thuốc điều trị bệnh sốt rét được xuất khẩu, mặc dù không có bằng chứng nào về hydroxychloroquine thực sự có hiệu quả trong điều trị Covid-19.
Mỹ cũng đã tìm cách tự bảo vệ mình với cái giá phải trả của các quốc gia khác. Nhà Trắng đã cố gắng mua lại một công ty dược phẩm của Đức liên quan đến nghiên cứu vắc-xin chống virus corona để chuyển đến Mỹ và thành phẩm cuối cùng chỉ sử dụng trong thị trường Mỹ.
Nhưng ngày càng có mối lo ngại rằng phản xạ giữ nguồn cung cấp tại nội địa sẽ còn vượt ra ngoài thuốc men và thiết bị y tế. Nhiều hạn chế xuất khẩu và các rào cản thương mại khác đang được dựng lên để đối phó với đại dịch, đáng chú ý nhất là thực phẩm.
Khi các quốc gia tìm cách đóng cửa biên giới của chính họ và nuôi sống người dân của họ, nguy cơ thiếu lương thực ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sẽ trở nên lớn hơn nhiều do các chính sách thương mại bảo hộ.
Quyết định của nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới là Việt Nam về việc ngừng xuất khẩu gạo ra nước ngoài vì mục tiêu dự trữ 190.000 tấn gạo cho chính công dân của mình chắc chắn sẽ làm tăng giá trong thời gian tới. Hơn nữa, nó sẽ làm tăng nỗi lo về an ninh lương thực ở các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, Nga dự kiến sẽ thiết lập các hạn chế xuất khẩu đối với ngũ cốc lên tới bảy triệu tấn, trong khi Kazakhstan sẽ cấm xuất khẩu bột mì, đường và các sản phẩm nông nghiệp khác trong ba tuần tới. Thực thi các hạn chế xuất khẩu có khả năng trở thành một công cụ chính trị ngày càng phổ biến trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh ngày càng lan rộng và khả năng vượt qua cơn bão thảm họa của mỗi quốc gia.
Link bài viết
Bối cảnh thương mại chắc chắn đã phát triển nhanh chóng khi virus lây lan. Cho đến khi virus này lan rộng ra khỏi Trung Quốc và Đông Á, tác động thương mại của Covid-19 được nhìn thấy trước tiên và quan trọng nhất là sự phá vỡ chuỗi cung ứng hiện có.
Sự mong manh của chuỗi cung ứng và cụ thể là sự phụ thuộc nặng nề vào các dây chuyền sản xuất của Trung Quốc đã được ghi nhận trong bối cảnh bất đồng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang trong ba năm qua.
Coronavirus làm cho những mảnh vỡ đó ngày càng rõ ràng và cũng chỉ ra điểm yếu của hệ thống sản xuất hiện đại là chuyên môn hóa sản xuất quá mức, và thiếu hàng tồn kho để chạy theo mục tiêu hiệu quả tối đa.
Ngay cả khi sự bùng phát tồi tệ nhất của dịch bệnh qua đi và thế giới cố gắng quay trở lại kinh doanh, các nhà sản xuất sẽ buộc phải đánh giá lại hệ thống sản xuất của họ và xem xét lại họ sản xuất ở đâu và bao nhiêu vào bất kỳ thời điểm nào. Mục tiêu sẽ là cân bằng giữa hiệu quả và phòng ngừa rủi ro bất ngờ bao gồm thiên tai và thay đổi chính trị cũng như khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các sự cố khó lường khác. Những cân nhắc đó cuối cùng sẽ tăng cường thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, đại dịch càng kéo dài, các quốc gia càng khó thoát ra khỏi chu kỳ dựng lên các rào cản thương mại nhân danh an ninh kinh tế. Chắc chắn, những lời kêu gọi để đảm bảo hàng hoá thiết yếu bao gồm cả dược phẩm sản xuất trong nước sẽ ngành càng lớn hơn, và kỳ vọng cho nhiều nhà sản xuất di dời các nhà máy của họ từ nước ngoài trở về sẽ tăng lên.
Đồng thời, các quốc gia như Mỹ từ xưa tới nay vốn tránh theo đuổi các chính sách công nghiệp có thể được thúc đẩy thực thi một cách tiếp cận từ trên xuống trong việc xác định và đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng. Trên tất cả, một sự gia tăng trong chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang được dự báo, đặc biệt là với việc người tiêu dùng và doanh nghiệp không còn sẵn sàng đi xa và do dự đầu tư vào Trung Quốc nói riêng. Khi cuộc đấu tranh để đẩy lùi chống lại đại dịch vẫn tiếp diễn, bối cảnh thương mại đã thay đổi đáng kể và quan hệ toàn cầu khó có thể trở lại như trước khi bùng phát.
(Theo Người Đồng Hành - Tựa bài do DNSG đặt lại)