Tư tưởng phát triển kinh tế của Hồ Chí Minh trong Di chúc

02/09/2014 05:22

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm của Người về việc phục hồi, phát triển các ngành kinh tế, cũng như đầu tư xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Tư tưởng phát triển kinh tế của Hồ Chí Minh trong Di chúc

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm của Người về việc phục hồi, phát triển các ngành kinh tế, cũng như đầu tư xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta xem lại việc nhận thức và hiện thực hóa những tư tưởng, những căn dặn cuối cùng của Người trong bản Di chúc lịch sử, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Trong những lời căn dặn, động viên, còn chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về các công việc mà toàn Đảng, toàn dân ta phải làm cho được sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi. Trong đó, có những công việc như xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế.

Công việc trước tiên là hàn gắn các vết thương chiến tranh rất nghiêm trọng do Đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược. Theo Người: “Đó là công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.

Cùng với việc khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, Bác còn thể hiện quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để bảo đảm cho Việt Nam thực sự là một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế và đầu tư xây dựng nền kinh tế độc lập trong hội nhập là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cơ sở của việc lựa chọn mô hình, nội dung, cơ cấu, các bước tổ chức và xây dựng nền kinh tế ấy trong những điều kiện của công cuộc đấu tranh và xây dựng nền độc lập về chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, gắn liền với xu hướng chủ đạo của các quan hệ quốc tế đương thời.

Tư tưởng về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Hồ Chí Minh luôn gắn với những đặc điểm cụ thể của nền kinh tế Việt Nam, từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội qua các thời kỳ khác nhau.

Cơ sở xây dựng nền kinh tế độc lập ở Việt Nam

Ngay từ ngày đầu khi bước vào vũ trường chính trị quốc tế, ngay tại Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Hòa bình do các nước Đồng minh thắng trận tổ chức ở Véc-xây tháng 6/1919.

Chính từ hiện thực nền kinh tế bị bóp nghẹt trong chế độ thực dân cũ do chính sách khai thác thuộc địa một cách tàn bạo của Pháp, nên ở Việt Nam, muốn thực sự phát triển kinh tế, thì yêu cầu đầu tiên là phải giành được độc lập cho đất nước và Chính phủ phải có một đường lối kinh tế, trước hết phải phát huy được các yếu tố căn bản tạo thành tiềm năng giàu có về kinh tế cho một quốc gia.

Nhưng muốn có độc lập, tự do, muốn có một nền kinh tế độc lập, thì phải biết những yếu tố đó và lực lượng đủ sức làm hồi sinh chúng. Theo Nguyễn Ái Quốc, lực lượng đó chính là tầng lớp thanh niên - những người ý thức được sứ mệnh lịch sử của mình với đất nước và dân tộc.

Năm 1925, trong tác phẩm Bản án Chế độ Thực dân Pháp, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn, như hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng rú bao la; chúng ta có những người lao động khéo léo và cần cù. Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức. Bởi thế, công nghiệp và thương nghiệp của chúng ta là một con số không. Thế thì thanh niên ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện, thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác... Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”.

Như vậy, từ thực tiễn của thời kỳ đất nước đắm chìm trong cảnh nô lệ của chế độ thực dân, Nguyễn Ái Quốc vẫn nhìn rõ những điều kiện về tài nguyên, về nguồn lực rất giàu có ở Việt Nam để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Hơn thế, Người còn sớm có kế hoạch tổ chức, đào tạo một bộ phận trong tầng lớp thanh niên Việt Nam thành những hạt nhân ưu tú của đất nước có khả năng tiên phong để lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.

Khi quân Nhật bị buộc phải đầu hàng vào tháng 8/1945, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố thành lập vào ngày 2/9/1945. Toàn thể nhân dân bắt tay vào khôi phục đất nước.

Hội nhập và phát triển kinh tế trong kháng chiến - kiến quốc

Là người đứng đầu nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân cả nước thông qua các chính sách của Nhà nước, trong đó, các quan điểm về kinh tế của Người được tập trung thể hiện qua chính sách đối ngoại và đối nội của Chính phủ.

Vào những tháng cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời kêu gọi tới Liên hợp quốc: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng, nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.

Đồng thời, trong chính sách đối ngoại, Người chủ trương, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực; tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế…

Về chính sách đối nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải thu góp tất cả lực lượng của toàn quốc, người có sức giúp sức, người có tiền giúp tiền, người có của giúp của. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, động viên kinh tế nhằm cho nước giàu, dân mạnh và phải đặt kế hoạch cụ thể mới có thể cung cấp đủ quân nhu, lương thực cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Năm 1953, Hồ Chí Minh viết Thường thức chính trị, trong đó có phân định các thành phần kinh tế ở nước ta (vùng tự do) gồm: kinh tế địa chủ phong kiến; kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế cá nhân; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia. Chính sách phát triển kinh tế đa thành phần của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ này đề ra 4 mục tiêu:

Một là, công - tư đều lợi. Theo đó, kinh tế quốc doanh là nền tảng và sức lãnh đạo của dân chủ mới. Kinh tế tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân là lực lượng cần thiết cho kinh tế nước nhà, nên Chính phủ cần giúp họ phát triển.

Hai là, chủ - thợ đều lợi, khi chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên.

Ba là, công - nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ để cung cấp cho nông dân, còn nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất cung cấp lương thực và nguyên liệu cho công nhân.

Bốn là, lưu thông trong - ngoài. Ta ra sức khai thác lâm thổ sản để bán cho các nước lấy tiền mua những thứ ta cần.

Bốn chính sách trên được xác định là là mấu chốt để phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Từ khôi phục kinh tế sau chiến tranh đến đầu tư xây dựng một nền kinh tế độc lập trong hội nhập quốc tế

Đối với Hồ Chí Minh, độc lập, thống nhất của Tổ quốc phải gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Một quốc gia dân tộc muốn thực sự độc lập và tự do khi dân tộc đó phải biết xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên chính nền tảng tài nguyên môi trường tự nhiên của đất nước và lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân lao động, cùng với sự hợp tác quốc tế trong một thị trường tự do rộng mở.

Ngay từ những năm đầu giành độc lập, với cương vị người đứng đầu của nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ, Hồ Chí Minh đã phải đương đầu với cả ba thứ giặc, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ và tấm gương đạo đức cao cả của Hồ Chủ tịch đã quy tụ được sự đoàn kết của muôn triệu người Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược ở miền Nam, Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nâng cao đời sống nhân dân, thì trước hết phải giải quyết vấn đề lương thực và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp. Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế, hai chân khỏe đi đều, thì sẽ tiến nhanh tới mục đích.

Là lãnh tụ thân thiết của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn truyền cho đồng bào mình niềm tin chắc chắn về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Do tính chất ác liệt và lâu dài của cuộc chiến tranh ác liệt mà Đế quốc Mỹ gây ra với nhân dân Việt Nam, trong Di chúc, Người đã căn dặn rằng, cần có kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn sau chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế để từng bước vững chắc đầu tư và xây dựng một nền kinh tế hội nhập quốc tế và phát triển biền vững, thực sự đưa đất nước thành một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư tưởng phát triển kinh tế của Hồ Chí Minh trong Di chúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO