Thời sự

50 năm giải phóng miền Nam: Nhớ về Bác và số 5 Châu Văn Liêm

AV 13/04/2025 06:00

Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, chúng ta hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX để nhận diện rõ sứ mệnh lớn lao của doanh nhân Việt. Nhớ về phong trào Duy Tân, Đông Du và vai trò lịch sử của Công ty Liên Thành (Thương hội Liên Thành) trong việc nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của Bác và suy ngẫm về sứ mệnh của giới doanh nhân hiện nay.

Đặc biệt, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, nơi Người từng sống và làm việc, không chỉ là di tích lịch sử, mà còn phải là biểu tượng tinh thần mạnh mẽ cho thế hệ doanh nhân Việt Nam về sứ mệnh phụng sự Tổ quốc bằng tinh thần tự cường và trách nhiệm xã hội.

Bước ngoặt khuyến khích kinh thương

Đầu thế kỷ XX, Việt Nam đối mặt với ách đô hộ nặng nề của thực dân Pháp. Trong bối cảnh đó, phong trào yêu nước Duy Tân và Đông Du nổi lên mạnh mẽ, nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao dân trí và phát triển kinh tế dân tộc như một phương thức hiệu quả để cứu nước.

Phong trào Duy Tân, khởi xướng bởi nhà yêu nước Phan Châu Trinh, mang tinh thần "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh", chú trọng vào việc đổi mới giáo dục, cổ vũ người dân học chữ quốc ngữ, phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhà giáo dục Lương Văn Can đã đóng vai trò quan trọng khi tham gia thành lập và làm Thục trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 tại Hà Nội. Ngôi trường này đã trở thành biểu tượng của tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, không chỉ truyền bá chữ quốc ngữ mà còn dạy học sinh các kiến thức thực tế, từ kinh tế, thương mại đến sản xuất hàng hóa, tạo nền tảng cho tinh thần kinh doanh yêu nước.

Cùng thời gian này, phong trào Đông Du do nhà cách mạng Phan Bội Châu khởi xướng cũng nổi bật với mục tiêu gửi thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập, hấp thu kiến thức hiện đại, chuẩn bị lực lượng tri thức và kinh tế để về nước phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc. Dù gặp nhiều khó khăn và bị đàn áp, phong trào Đông Du đã để lại nhiều bài học quý giá về sự cần thiết của việc đào tạo thế hệ trẻ với kỹ năng kinh tế và quản trị tiên tiến.

Trong bối cảnh đó, năm 1906, tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Thương hội Liên Thành được các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang sáng lập. Liên Thành ra đời không chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh thương mại đơn thuần, mà còn là mô hình tiên phong trong việc gắn kết giữa hoạt động kinh tế với phong trào yêu nước. Mục đích của Liên Thành là tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các phong trào cách mạng, đồng thời nuôi dưỡng ý chí độc lập dân tộc trong lòng người dân Việt Nam.

qa.jpg
Trường Dục Thanh tại Phan Thiết

Cũng chính từ Thương hội Liên Thành, năm 1907, các sáng lập viên đã thành lập Trường Dục Thanh tại Phan Thiết với mục tiêu giáo dục con em người yêu nước và lao động nghèo. Đây cũng là nơi thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tham gia giảng dạy từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 2 năm 1911 trước khi lên đường vào Sài Gòn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước.

Liên Thành - "Cái nôi" nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của Bác

Thương hội Liên Thành không chỉ là một doanh nghiệp tiêu biểu trong lịch sử dân tộc mà còn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc khi gắn liền với quá trình hình thành tư tưởng và lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 6 năm 1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sống và làm việc tại phân cuộc Liên Thành Thương Quán đặt tại số 5 đường Châu Văn Liêm, quận 5. Trong thời gian này, sự hỗ trợ của Liên Thành đã giúp Người có điều kiện tìm hiểu đời sống của người dân lao động Nam Kỳ, thấu hiểu sâu sắc những bất công xã hội, sự bóc lột của thực dân, từ đó càng thêm củng cố quyết tâm tìm kiếm con đường cứu nước mới mẻ, khác với các bậc tiền bối trước đây.

Chính môi trường tại Liên Thành đã cung cấp cho Bác một góc nhìn mới về vai trò của kinh doanh, kinh tế trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Tại đây, Người đã quan sát và học hỏi được từ các doanh nhân yêu nước cách thức kết hợp hiệu quả giữa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, khơi gợi tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần tự cường, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách và tầm nhìn cách mạng của Người.

Bên trong căn nhà số 5 Châu Văn Liêm trưng bày một số hình ảnh liên quan đến Công ty Liên Thành, hình ảnh về Sài Gòn thời kỳ 1910 - 1911

Điểm tựa tinh thần cho doanh nhân

Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5, TP.HCM không chỉ là một di tích lịch sử cấp quốc gia, mà còn là không gian văn hóa - cách mạng quan trọng gắn với hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, địa danh này phải trở thành điểm đến đặc biệt ý nghĩa đối với giới doanh nhân Việt Nam, không chỉ vì giá trị lịch sử, mà còn bởi bài học sâu sắc về vai trò của doanh nghiệp trong sự nghiệp kiến quốc.

Chính tại nơi đây, đã góp phần hình thành nên nhân cách và tư tưởng cách mạng của Người, đặc biệt là nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế và doanh nhân trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đó là lý do ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, chỉ hơn 10 ngày sau, vào ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới giới công thương cả nước. Trong thư, Người khẳng định: "Chính phủ và nhân dân mong giới công thương mau mau gia nhập vào công cuộc kiến thiết quốc gia. Công thương cứu quốc đoàn cần tổ chức lại và mở rộng thành một đoàn thể rộng rãi hơn nữa, để đoàn kết mọi người làm việc trong giới kinh doanh công thương." Ngày 13/10 hằng năm được Nhà nước chọn là ngày của doanh nhân Việt Nam.

Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm phải là điểm tựa tinh thần cho lớp doanh nhân mới. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là biểu tượng truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp gắn với lòng yêu nước, nơi nhắc nhở doanh nhân hiện đại rằng kinh doanh phải đi đôi với đạo đức, trách nhiệm và sứ mệnh phục vụ quốc gia.

Thiết nghĩ, việc phát huy giá trị của di tích này không chỉ nằm ở việc bảo tồn không gian vật chất, mà còn cần tích hợp vào các hoạt động giáo dục, giao lưu văn hóa doanh nghiệp, tôn vinh doanh nhân, gắn với hành trình học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong kinh doanh. Đó là hướng đi thiết thực để kết nối giá trị lịch sử với thực tiễn phát triển bền vững, giúp doanh nhân Thành phố, doanh nhân Việt Nam hôm nay kế thừa và phát triển đúng con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng định hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
50 năm giải phóng miền Nam: Nhớ về Bác và số 5 Châu Văn Liêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO