Tổ ấm... lạnh!

KHẢI LY| 20/01/2013 02:57

Nhà ấy, khi con vào đại học, tổ ấm bỗng thay đổi.

Tổ ấm... lạnh!

Nhà ấy, khi con vào đại học, tổ ấm bỗng thay đổi. Bữa cơm dọn ra, bố buông một câu “Nhà mình hình như chỉ còn có hai người”. Mẹ lặng lẽ xới cơm cũng buông một câu: “Thôi đừng nghĩ ngợi gì hết, trời ban phúc đến đâu hưởng đến đó”. Đứa con chẳng đi đâu xa, nhưng nó đi về thất thường, cơm nước đôi khi diễn ra trong một quán thức ăn nhanh nào đó với bạn bè.

Đọc E-paper

Đôi khi bữa cơm trưa đã kết thúc, nó vẫn quấn mền ngủ kỹ trong phòng. Đừng mơ một ngày nó ăn uống xong, lại vừa hát nho nhỏ như một chú chim vừa dọn dẹp bát chén. Khi những thay đổi ấy bắt đầu, trong nhà cũng đã có “vài cuộc chiến tranh” giữa hai thế hệ. Nhưng riết rồi các vị phụ huynh ngán vì mọi việc đâu vẫn hoàn đó, ngày càng biến tướng trầm trọng hơn.

Ông bà nhà ấy chẳng dám mơ tương lai nó sẽ đem gửi cho mình đứa cháu xinh xắn. Ngồi nhìn những bức ảnh gia đình ngày hai đứa con còn nhỏ xíu, nhớ chúng ngoan ngoãn bò vào dưới gốc cây thông Noel để bố mẹ chụp ảnh, rồi nhớ đến cả cái vết sẹo trên đầu khi nó chạy trượt chân trong mưa.

Ngày ngày lướt web, chuẩn bị một tâm thế tinh thần không phụ thuộc vào mô hình gia đình “tứ đại đồng đường” Á châu, nhà ấy vẫn hoang mang không biết mình đã sai lầm ở chỗ nào, hay xã hội phát triển nhưng đã để lại những khiếm khuyết gì mà các gia đình vẫn chưa thích nghi được với cảnh tổ ấm bỗng dưng... rỗng!

Nhà thiết kế thời trang Đặng Thiên Chương, một người đi từ ao làng đến các kinh đô thời trang thế giới và đã quay về để thành công trên đất mẹ. Anh nói về lớp trẻ với sự thông cảm: “Người trẻ, đặc biệt ở Sài Gòn, không có không gian riêng, nhiều người hơn 18 tuổi vẫn sống với cha mẹ. Cha mẹ luôn nghĩ đó là tổ ấm, nhưng tổ ấm nào cũng tiềm tàng những áp lực. Cha mẹ có thể vào phòng riêng của con cái bất cứ lúc nào, đời sống của đứa trẻ không còn riêng tư nữa, bị làm phiền rất nhiều thứ. Vậy người trẻ xây dựng cá tính ở đâu? Trên quần áo, điện thoại xịn, xe xịn. Khi có một mối tình, nơi hẹn hò của họ chỉ là những quán cà phê xô bồ. Nếu quan hệ ấy đi xa hơn, lại là một khách sạn rẻ tiền... Vậy đời sống tinh thần của họ được xây dựng từ cái gì? Kỷ niệm của họ được lưu giữ bởi cái gì? Tất cả không tạo cho họ đời sống tinh thần lành mạnh, nên khi đổ vỡ, họ không thể quay về cái giường êm ấm của mình, vì không muốn tạo gánh nặng cho cha mẹ. Không có không gian sống riêng, họ bị trôi đi bất cứ không gian nào đưa đẩy. Sống phụ thuộc cha mẹ, rất nhiều người trẻ không thích nấu ăn, không thấu hiểu, tận hưởng cuộc sống một mình. Không biết cái thú nghe nhạc một mình... Không gian sống của người trẻ thành phố vô cùng nghèo nàn, chỉ chạy theo đám đông”.

Không chỉ có nhà thiết kế trẻ này bày tỏ như thế. Tiến sĩ Alan Phan, một doanh nhân, đồng thời cũng là một người từng đúc kết kinh nghiệm sống và kinh doanh trong gần chục đầu sách được giới trẻ Việt mến mộ cũng từng yêu cầu các bậc cha mẹ “đừng đặt lên vai con cái một gánh nặng”.

Ông nói: “Trên cả sự thành công là một tình yêu đúng nghĩa giữa con người: một tình yêu cho đi mà không đòi hoàn trả. Tình yêu giữa cha con phải vượt qua những đòi hỏi về tài sản, về quyền lực, về sĩ diện, ngay cả về trí tuệ. Nó phải thăng hoa thành một tình bạn cao quý, chân thật, cởi mở và tương kính. Khi con còn nhỏ, thì cha bảo vệ và giáo dục con. Khi cha già, thì con giúp đỡ và săn sóc cha. Khi con ra tranh đấu với đời, cha ngồi xuống kể cho con nghe những trải nghiệm, sai lầm, tư duy... để con làm hành lý và cùng con thảo luận những lựa chọn cho hành trình. Giữa hai người bạn, không có phán đoán, chỉ trích, chê bai... mà chỉ có khuyến khích, nâng đỡ và chia sẻ.

Đường đời thường nhiều gian truân, cha con không cần phải tạo thêm những gánh nặng, từ vật chất đến tinh thần, cho nhau; mà phải cố gắng làm một người bạn đời tốt nhất của nhau”.

Cả hai vị trên đều là những người sớm ra khỏi gia đình, đi năm châu bốn bể, thẩm thấu nhiều nền văn hóa để những biến đổi của xã hội, gia đình khó bị “sát thương” tinh thần. Nhưng những người làm cha mẹ trong thế kỷ XXI này đang phải đối diện với một tương lai họ thấy khó tương thích khi không có lý do chính đáng nào, những đứa trẻ mới đây còn trong vòng tay nay đã mất hút vào thế giới ảo, theo những bầy đàn ảo, thể xác đó mà tâm hồn đã rời xa quá nhiều! Lại có những gia đình đưa con du học để “tị nạn giáo dục”, giờ đón những đứa con máu thịt trở về, họ cố lấy niềm vui con cái thành đạt trong các công ty nước ngoài để nuốt sâu vào lòng dư vị cay đắng khi con ở khách sạn lúc về thăm cha mẹ, khi những giá trị kinh điển như tình nghĩa xóm làng, bà con gia tộc, trinh tiết đều bị đám trẻ thờ ơ!

Chấp nhận “cuộc chiến gia phong” suốt ngày có tiếng cãi cọ, hay chuẩn bị một tâm thức sống mới khi con cái đã lớn? Nhiều người đã khôn ngoan làm tuổi già nhẹ nhõm, học cách dỡ bỏ cho con cái những gánh nặng tinh thần không cần thiết, và đưa tặng con những kinh nghiệm sống, cho con một niềm tin về sự từng trải của một người bạn lớn tuổi chứ không phải cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Người chưa già thì thi đua học hỏi với con cái để khỏi mất quyền kiểm soát chúng. Nếu nghĩ như vậy, làm cha mẹ sẽ không thấy cái tổ ấm của mình bỗng... lạnh bất ngờ khi đứa con thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổ ấm... lạnh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO