Tỉ giá tăng 1%, nợ nước ngoài tăng 10.000 tỷ đồng

14/04/2015 09:48

Việc định giá đồng nội tệ quá cao sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu và du lịch.

Tỉ giá tăng 1%, nợ nước ngoài tăng 10.000 tỷ đồng

Đồng USD tăng mạnh trở lại và đạt mức kỷ lục trong vòng 40 năm qua đang là một trong những chủ đề “nóng” nhất trên thị trường tài chính quốc tế. Trong khi hầu hết đồng tiền của các nước trên thế giới đều giảm giá mạnh so với USD thì Việt Nam điều chỉnh tỉ giá không đáng kể.

Cụ thể, từ cuối năm 2012 đến nay đồng yen Nhật giảm giá đến 40%, Rupiah của Indonesia giảm 35%, euro mất giá 20% hay đô la Singapore giảm giá 12% so với USD, còn VND chỉ mất khoảng 3%.

Mức điều chỉnh trên có lẽ còn quá “chật chội” nên gần đây khi USD vẫn tiếp tục “leo dốc” thì thị trường ngoại hối trong nước cũng có những biến động đáng chú ý.

Chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tự do xuất hiện trở lại, có lúc lên 1,5 điểm phần trăm. Một số tổ chức quốc tế cũng đánh giá VND sẽ bị mất giá trong năm nay.

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC thì tỉ giá USD/VND là 21.750, còn ANZ dự báo tỉ giá này sẽ ở mức 22.050 vào tháng 12.2015, trong khi tỉ giá bình quân liên gân hàng hiện tại là 21.458 (9.4.2015).

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đợt tăng giá USD trong nước vừa qua chỉ là do tâm lý chứ các yếu tố vĩ mô của Việt Nam đang tốt hơn và mọi việc vẫn nằm trong sự kiểm soát của cơ quan này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt trong biên độ 2% như đã công bố, đồng nghĩa với việc chỉ còn dư địa 1% để điều chỉnh trong 9 tháng còn lại của năm nay.

Khi tiền đồng chưa giảm giá

Về lý thuyết, tiền đồng lên giá sẽ gây khó cho lĩnh vực xuất khẩu vì giá cả hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các nước khác.

Thực tế kim ngạch xuất khẩu cũng đã có dấu hiệu suy giảm mạnh. Cụ thể, trong quý I/2015 kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng trưởng 6,9% (ngoài tỉ giá còn do giá dầu thô giảm mạnh), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (17,6%) và 2014 (14,1%).

Đáng chú ý, mức tăng trưởng trên chỉ do các doanh nghiệp FDI tạo nên, vì các doanh nghiệp nội địa có kim ngạch xuất khẩu giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giải thích cho việc kim ngạch xuất khẩu quý I giảm chủ yếu là vì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như nông sản, thủy sản và khoáng sản giảm mạnh.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã xác nhận với báo giới rằng tiền đồng được neo giá theo USD là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I giảm (ngoại trừ trường hợp xuất khẩu sang Mỹ giảm là do thuế chống bán phá giá).

Không những vậy, khi tiền tệ của các nước khác đều giảm, giá hàng hóa của họ sẽ trở nên rẻ hơn, thúc đẩy việc xuất khẩu vào Việt Nam và sẽ chèn ép sản xuất nội địa.

Còn đối với ngành du lịch, vốn cũng là ngành mang lại ngoại tệ cho nền kinh tế, thì kết quả thống kê cho thấy lượng khách du lịch giảm mạnh trong nhiều tháng qua. Trong quý I/2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập và sức mua của khách du lịch từ những nước có nội tệ mất giá mạnh sẽ giảm sút khi đổi sang USD hoặc tiền đồng. Đây có thể là một trong những lý do lượng khách quốc tế đến Việt Nam đều giảm mạnh, trừ Mỹ.

Như vậy, rõ ràng đồng nội tệ được định giá cao đã tác động trực tiếp lên du lịch cũng như kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong quý vừa rồi.

>>Điều hành tỷ giá: Lắm thầy, nhiều ma!
>>
5 giải pháp tức thời ổn định tỷ giá USD/VND

Sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, Việt Nam đã trở lại con đường nhập siêu hơn 1,8 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm nay khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI giảm. Thậm chí, Bộ Công Thương còn nhận định năm 2015 Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 6-8 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về ngoại tệ còn tiếp tục tăng thêm trong những tháng tới.

Sự mạnh lên của đồng USD trên toàn thế giới, cộng với nhu cầu ngoại tệ (ít nhất là cho nhập khẩu) dự kiến tăng so với năm trước trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ điều chỉnh tỉ giá 1% (tháng 1.2015) khiến cho giới đầu tư kỳ vọng về khả năng giảm giá tiền đồng trong năm nay là rất lớn.

Do vậy, "bán tiền đồng để lấy vốn đầu tư vào USD (dự báo FED sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới) cũng như muốn tạo áp lực lên Chính phủ Việt Nam trong vấn đề nới room và IPO là lý do mà trong tháng 3 vừa rồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu rút lui mạnh mẽ”, ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia chứng khoán nhận định.

Theo số liệu từ ETF.com, đợt rút vốn vừa qua là lần rút mạnh đầu tiên khỏi Quỹ ETF trong 6 năm nay. Hiện tổng lượng tiền mà Market Vectors Vietnam ETF thu hút được từ đầu năm đến nay chỉ còn hơn 6,5 triệu USD, bằng 1/12 so với cùng kỳ năm ngoái (từ 1.1 đến 27.3.2014).

Sự rút lui của dòng vốn có lẽ không dừng lại ở đây nếu lãi suất của đồng bạc xanh tăng lên trong thời gian tới.

“Nếu lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên 3% (hiện nay là 2,57%) thì sẽ là thảm họa đối với các thị trường tài sản châu Á, vì sẽ dẫn đến sự tháo chạy của dòng vốn và thị trường chứng khoán các nước mới nổi sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm”, ông Kelvin Tay, Giám đốc Đầu tư Khu vực Nam Á - Thái Bình Dương của UBS bình luận trên kênh CNBC.

Có nên điều chỉnh tỉ giá?

Việc định giá đồng nội tệ quá cao thường gây những tác động bất lợi cho nền kinh tế. Ở Việt Nam chắc chắn cũng không phải là một ngoại lệ nên nhiều người cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh tỉ giá sớm.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan này vẫn giữ quan điểm nhất quán trong việc điều hành trong biên độ 2% như công bố vì “chưa nhìn thấy những căng thẳng về cung cầu ngoại tệ thời gian qua”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời báo giới.

Ông Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cũng ủng hộ động thái ổn định tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước khi cho rằng tỉ lệ nội địa hóa của hàng xuất khẩu còn thấp nên tác động tích cực của điều chỉnh tăng tỉ giá lên xuất khẩu là không nhiều.

Trong khi đó, tỉ giá tăng sẽ tăng áp lực lên nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp. Cụ thể, khi điều chỉnh tỉ giá tăng 1%, nợ nước ngoài sẽ tăng lên khoảng 10.000 tỉ đồng, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Liên quan đến vấn đề tỉ lệ nội địa hóa, theo ý kiến của ông Thanh Long, tỉ trọng nội địa hóa chỉ thấp ở các lĩnh vực như điện - điện tử, may mặc, da giày còn lĩnh vực nông sản và thủy sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam, sẽ bớt khó khăn hơn nếu điều chỉnh tỉ giá trong biên độ hợp lý, dù rằng thâm hụt thương mại còn do những yếu tố khác gây nên chứ không chỉ riêng tỉ giá.

Đối với vấn đề neo giữ tỉ giá để giảm áp lực trả nợ cho Chính phủ và các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ thì sẽ dẫn đến Ngân hàng Nhà nước chuyển “gánh nặng” về tương lai. Thực tế hiện nay lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với tiền đồng, nên nếu giữ tỉ giá cố định người đi vay ngoại tệ được hưởng lợi.

Trong khi đó theo quy luật thị trường thì đáng lẽ phần chênh lệch lãi suất này chính là phần bù rủi ro cho việc điều chỉnh tỉ giá và rủi ro nắm giữ đồng tiền yếu hơn mà người đi vay phải gánh chịu. Do đó, người đi vay ngoại tệ phải có những tính toán phù hợp để dự phòng cho rủi ro này chứ Ngân hàng Nhà nước không nên “trợ cấp” cho người đi vay ngoại tệ bằng cam kết giữ tỉ giá cố định.

Nếu xét về mặt kinh tế đơn thuần thì nên giảm giá tiền đồng để tỉ giá về đúng với quy luật cung cầu. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà làm chính sách còn phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác như nợ công, dư địa giảm giá tiền đồng chỉ còn 1% từ nay đến cuối năm như khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước...

Như vậy, trong thời gian tới, tỉ giá có lẽ vẫn tiếp tục ổn định trong giới hạn kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước có thể bán một phần dự trữ bắt buộc để dập tắt cơn sốt đồng USD. Tuy nhiên, về trung hạn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giảm giá tiền đồng khi mà đồng USD tiếp tục mạnh hơn nữa.

>>Căng thẳng tỷ giá USD/VND ở… hậu trường
>>
HSBC, ANZ đánh giá tích cực việc điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỉ giá tăng 1%, nợ nước ngoài tăng 10.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO