Thu 300 tỷ và chi 350 tỷ cho xử lý môi trường
Cả một khu vực làng nghề bám sát dòng sông thơ mộng, nhưng hệ thống chằng chịt những mương nước xả ra từ các xưởng nghề với đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng của hóa chất đổ hết ra sông. Thế là sông chết. Ai cũng đứng nhìn rồi bảo sông chết.
Một vị có trách nhiệm ở địa phương chia sẻ thật lòng. Thống kê số thu ngân sách từ các hộ sản xuất, kinh doanh ở các khu vực làng nghề nói trên trong cả chục năm thì được con số 300 tỷ. Tức là mỗi năm khoảng 30 tỷ gì đấy. Con số nghe cũng kha khá để quan tâm.
Nhưng mới đây địa phương này phải đầu tư một nhà máy xử lý môi trường 350 tỷ, mà cũng chẳng bõ bèn gì để xử lý cả núi vấn đề về nước thải và chất thải đang gây hại nghiêm trọng đến môi trường. Phải cả chục hạng mục đầu tư như thế nữa may ra mới giải quyết nổi vấn đề. Đó là còn chưa kể chi phí vận hành. Đâu phải cứ đầu tư nhà máy là xong đâu. Nhiều khi đi vào vận hành, nhà máy còn phải gánh lỗ và ngân sách phải chịu đựng một khoản chi phí không hề nhỏ cho xử lý môi trường.
Ở một địa phương khác nổi tiếng về du lịch, đợt dịch Covid-19 vừa rồi tạo ra một khoảng thời gian “cửa sổ” đủ để quan sát và ghi nhận những khác biệt về mức độ xả rác ra môi trường khi địa phương này có và không có hoạt động du lịch. Con số mà tôi nghe từ một cán bộ ngành môi trường: khi không có du lịch, lượng rác thải giảm đến 40%. Đó có thể xem là con số cho thấy mức độ xả rác liên quan đến du lịch của địa phương này. Và với mức độ tăng trưởng du lịch hiện nay thì con số dự báo càng ngày càng tăng.
Vậy thì liệu số ngân sách thu được từ hoạt động du lịch có tính toán được để cân đối đủ cho chi phí xử lý môi trường liên quan đến du khách hay không? Hay là, trời mưa đất chịu. Du lịch cứ du lịch, xả rác cứ xả rác, xử lý môi trường cứ xử lý và tất tần tật sẽ đổ vào ngân sách, tức là đổ lên nguồn thu thuế từ đóng góp của dân.
Hành trình nào cho rác?
Tôi có quen một anh bạn người Mỹ, sang Việt Nam lấy vợ và làm luận án tiến sĩ về môi trường ở Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Anh này nghiên cứu vai trò của những người làm nghề đồng nát, trong Nam gọi là nghề ve chai, trong việc thu hồi các tài nguyên giá trị trong rác. Thật ra là họ chỉ thu hồi những thứ phế liệu bán được như giấy, nhựa, sắt, nhôm... Thứ gì không bán được họ ném trả lại ngay. Anh bạn người Mỹ của tôi biến sân nhà mình ở Hà Nội thành một điểm dừng chân nghỉ ngơi của các chị buôn đồng nát. Anh ta còn để sẵn bình nước tinh khiết, ly uống nước, quạt điện để các chị có thể ghé ngang nghỉ chân khi cần. Mà anh chàng này sành sỏi về nghề đồng nát tới mức đố tôi là tại sao các chị đồng nát khi mua sách vở cũ thì hay ngồi lật giũ các trang giấy để tìm gì đó. Thú thật tôi không biết, nhưng anh bạn Mỹ của tôi thì biết là để họ tìm những tờ tiền hú họa mà chủ nhà có thể bỏ quên trong trang sách.
Tôi thấy thú vị nhất là ở chỗ, anh bạn người Mỹ của tôi dành một nghiên cứu nghiêm túc trong luận án tiến sĩ để tìm hiểu về nghề đồng nát. Đó là dòng dịch chuyển của tài nguyên rác và trong trường hợp của Việt Nam, thì chính những người này đã giúp thu hồi một lượng đáng kể các tài nguyên có thể bị vứt bỏ trong rác. Tối sau đó phải tìm cách mời bằng được anh bạn Mỹ này về trường tôi công tác để nói chuyện với sinh viên về điều này.
Mở rộng quan sát này ra một chút, bạn sẽ thấy rác thải sinh hoạt mỗi ngày còn được chọn lựa để thu hồi phế liệu thêm một lần nữa khi chúng được đưa lên xe rác. Những người làm nghề thu gom rác không quản ngại việc nhặt ra các món phế liệu còn sót lại trong rác để bỏ vào một cái bao riêng treo lủng lẳng trên thành xe rác. Nghĩa là khi rác về đến bãi tập kết rác thì gần như các loại phế liệu đã được thu hồi gần hết.
Và một thực tế khác, là tại sao nhiều nơi chính quyền yêu cầu người dân phân loại rác, nhưng rồi xe chở rác đến thu gom thì lại trút tất cả vào cùng một xe?
Hoạt động đốt rác thải tại các bãi rác ngoài trời làm phát sinh các chất ô nhiễm - Ảnh: MH |
Cưa đứt đục suốt...
Có một nghịch lý xuất hiện ở đây là khi những tài nguyên có giá nhất trong rác được thu hồi bởi những người làm nghề đồng nát rồi tập trung về các điểm thu mua phế liệu để tái chế kiếm lời, thì đồng thời việc làm đó cũng tước đi cơ hội kiếm lời cho khâu xử lý rác. Rác về đến nhà máy xử lý rác gần như không còn nhiều giá trị. Có chăng là một ít nilon, chai nhựa bị bể vụn, một ít kim loại kích thước nhỏ. Và thứ có vẻ hấp dẫn nhất với các nhà xử lý môi trường là lượng chất thải hữu cơ trong rác, vì nó có thể tái chế thành mùn hữu cơ làm phân bón, hoặc phục vụ cho việc ủ sinh khí biogas.
Nhưng khó là ở chỗ, để tìm được sự cân đối trong hạch toán xử lý rác là không hề dễ dàng nữa khi mà những thứ có giá trị nhất đã được thu hồi trước đó. Thế là nhiều nơi đơn vị xử lý rác đành chơi cuộc chơi chôn lấp, phó mặc cho trời xử lý. Nước rỉ rác có ngấm vào đất thì dân quanh đấy chịu. Mùi hôi có phát tán thì riết cũng phải quen.
Các nhà máy đốt rác ra đời như một thứ “ánh sáng cuối đường hầm”. Nhưng không hề đơn giản. Cái hỗn hợp rác ướt chèm nhẹp, lẫn lộn đủ thứ không hề dễ để đốt. Nếu cứ đốt cho bằng được thì phải nhận hậu quả về khí độc furan và dioxin - những thứ có nguy cơ gây ung thư rất cao nếu con người hít phải.
Chưa kể, đâu phải cứ đốt là xong. Cái đống tro tồn lại sau khi đốt chiếm khoảng 20% sẽ dùng để làm gì? Chưa kể, việc đốt đi một lượng tài nguyên hữu cơ trong rác có thể xem là một sự lãng phí rất có lỗi với môi trường.
Không có cách tiếp cận giải quyết các vấn đề môi trường theo hướng quản lý tổng thể và đưa quan điểm kinh tế tuần hoàn vào cuộc, và cứ tiếp tục tính toán kiểu “cưa đứt đục suốt”, bên nào biết lợi của bên đó, công đoạn nào tính toán riêng cho công đoạn đó thì chắc chắn bài toán môi trường ở Việt Nam sẽ mãi là một nan đề không có lời giải.
Một anh làm doanh nghiệp xử lý môi trường chia sẻ với tôi: “Định mức giá xử lý rác hiện nay thấp quá. Nếu đốt rác thì cũng chẳng đủ để đốt cho trọn vẹn”. Thế là đốt xong tồn lại cả đống tro, không biết làm gì với nó. Nhà chuyên môn thì bảo, đem tro đi dập khuôn làm gạch không nung, công nghệ có sẵn đấy. Nhưng dập ra gạch thì bán cho ai là cả vấn đề. Không có thị trường tiêu thụ gạch không nung thì có tái chế ra gạch cũng chỉ tốn thêm tiền mà rác vẫn hoàn rác.