Làng có thầy dạy vua

HÀN THƯ| 13/08/2010 03:43

Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) nức tiếng là làng văn hóa, làng dạy học, làng say hát. Làng còn có một bậc dạy đế vương lưu tiếng sử xanh.

Làng có thầy dạy vua

Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) nức tiếng là làng văn hóa, làng dạy học, làng say hát. Làng còn có một bậc dạy đế vương lưu tiếng sử xanh. Làng cũng còn lưu giữ nhiều cổ vật mấy trăm năm chữ nghĩa răn dạy cháu con...

Thầy dạy vua

Hậu thế Quảng Xá mấy trăm năm sau vẫn nhắc đến thầy đồ Nguyễn Nhuận nổi tiếng uyên thâm. Thời nhỏ, Nguyễn Nhuận nhà nghèo, không được đến lớp học chữ, con quan trong làng mời thầy đồ đến dạy, Nguyễn Nhuận rón rén nép bên liếp cửa nghe thầy giảng một lần đã thuộc làu bài học, nhưng mặt chữ không rành rẽ vì không có giấy mực tập viết.

Làng Quảng Xá ai cũng mê hát

Một hôm, thầy dạy học kiểm tra con quan, học trò quên, Nguyễn Nhuận đứng ngoài nhắc bài, thầy đồ ngạc nhiên, một đứa trẻ chưa một ngày đến lớp đã biết làu kinh sử. Phục tài đĩnh ngộ của đứa bé, thầy đồ thuyết phục cha mẹ Nguyễn Nhuận cho đến nhà quan ăn học, cấp cho giấy bút, nhằm không phí mất một nhân tài của quốc gia.

Học giỏi, Nguyễn Nhuận đi thi, cố làm bài sao cho không đỗ cao để còn về nhà làm ruộng phụng dưỡng mẹ cha. Nhưng tài văn chương khoát luận của ông đã làm quan chủ khảo triều Nguyễn đưa ông vào ngôi vị cử nhân khoa thi Bính Tý (1876).

Vua Tự Đức đã mời ông vào vị trí quốc sư, dạy dỗ hoàng tử và con cháu vương tôn. Đó là việc xưa nay hiếm, bởi dạy con cháu của vua phải là tiến sĩ, bảng nhãn, hoặc thám hoa, trong khi ông mới là cử nhân.

Làm quốc sư, quyền cao, bổng lớn nhưng ông vẫn mực thước đạm bạc, đám học trò là con cháu nhà quyền quý, vốn được nuông chiều nhưng gặp thầy Nhuận là khúm núm theo lời bởi sự cương trực của ông.

Khi thái tử Hàm Nghi lên ngôi vua, ông muốn thầy dạy có chức tước cao hơn, Nguyễn Nhuận khước từ, chỉ muốn về huyện Tuyên Hóa làm quan tri phủ để vực dậy dân trí, làm cho người dân có được cái ăn, cái mặc.

Phục tấm lòng của thầy, bậc quân vương tặng ông hai câu đối sơn son thiếp vàng, vẫn còn lưu truyền đến ngày nay: “Thiên địa hữu sinh thiên địa ngẫu/ Đế vương chi hậu đế vương sư”. Có nghĩa "Sinh ra đời đất là quy luật tự nhiên/ Sinh ra vua phải có thầy dạy vua".

Ông về Tuyên Hóa, làm quan nhân từ, xét xử công minh, khai quang dân trí. Và nhân dân Tuyên Hóa đã tụng ca ông thời ông làm tri phủ: “Không có cường hào, ác bá, không kẻ ăn mày/ Chẳng sinh tham quan lại nhũng, chẳng trộm cắp”.

Di cảo của ông đời đời lưu lại với làng quê. Vái lạy mộ ông ở nghĩa địa làng, không khỏi xót xa một bậc quốc sư giờ chỉ là nấm mộ nhỏ bé giữa nhân gian.

Nhưng theo gương ông, hậu thế của làng hiện có hơn 500 giáo viên (cứ hơn một gia đình có một giáo viên), hàng chục giáo sư, tiến sĩ và năm nhạc sĩ.

Vàng son cổ vật làng

Làng vẫn còn lưu giữ một số sắc phong của tiền nhân để lại. Đấy là ba sắc phong của vua Minh Mạng ban cho Án sát Dương Văn Trinh, được bảo quản kỹ lưỡng. Quý nhất vẫn là ấn triện bằng ngà voi của quan án sát được lưu giữ hơn 180 năm.

Vàng son bức hoành phi "Quang Dũ" 200 năm tuổi

Tương truyền, khi truyền lại ấn ngà, Án sát Dương Văn Trinh dạy con cháu rằng, ấn triện chữ nghĩa rõ ràng, khí tiết con người cũng bày tỏ từ đó. Cháu con phúc phận, cần phải giữ lấy nền nếp cho nên người.

Người làng vẫn còn lưu giữ bức hoành phi gần 200 năm, làm từ thời vua Đồng Khánh, đang treo trước cửa nhà thờ họ Dương. Bức hoành phi hai chữ, khắc kiểu đại tự, theo lối thảo: “Quang Dũ”, răn dạy con cháu của làng phải biết làm rạng danh hương đất, hương làng, phải biết hiếu đễ với tổ tông để không thẹn với công lao dưỡng dục của mẹ cha.

Biết dòng họ Dương Quảng Xá hay chữ, tôn sư trọng đạo, chu lễ với bậc trên kẻ dưới, những người dựng nhà thờ họ Dương vào thời Bảo Đại đã tặng bức hoành phi “Từ Hiếu”, ngầm chỉ con cháu họ Dương sống đúng hiếu thuận, suy nghĩ sâu xa về hiếu lễ.

Cổ vật làng vàng son một thuở, người làng nay vẫn giữ, không còn lại nhiều nhưng cũng đủ để cháu con biết tới cha ông. Chữ nghĩa tiền nhân mấy trăm năm trước còn lóng lánh, con cháu sau này mãi mãi theo.

Và trứ danh từ mấy trăm năm trước là đôi câu đối của những bậc cư sĩ ở làng để lại, khiến danh sĩ khắp vùng vái chào, ấy là đôi câu đối còn khắc trên từ đường họ Dương: “Kiều mộc thiên chi nguyên nhất bổn/ Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên”. Hai câu ấy có cái nghĩa như chân lý: “Cây cao nghìn cành chung một gốc/ Sông dài vạn nhánh vẫn chung dòng”. Quả đúng con chữ mấy trăm năm vẫn uy nghi răn dạy con cháu.

Làng mê hát

Quảng Xá thời phong kiến là ngôi làng duy nhất trong hệ thống làng xã Việt Nam được “phổ cập” lời ca tiếng hát từ kẻ giàu đến người nghèo. Vào cuối thế kỷ XVIII, quan Thừa phủ Nguyễn Văn Thừa người của làng vào kinh đô Huế làm quan, thấy người làng quá say mê hát ca, muốn tìm một làn điệu nào đó ở đất Thừa Thiên đưa về cho dân làng.

Lúc đó ca Huế được ông chú ý đặc biệt và cố công học hỏi rồi về quê truyền khẩu lại cho con cháu trong nhà, sau đó phổ biến ra khắp làng, từ xóm trên cho đến ngõ dưới đâu đâu cũng hát ca Huế. Ca Huế không những cuốn hút dân làng khác đến nghe, mà người nhiều nơi ở Quảng Bình cũng đến thưởng thức.

Cư dân Quảng Xá rất thích diễn văn nghệ vào mỗi dịp làng có lễ hoặc Quốc khánh và ngày Tết cổ truyền. Những dịp ấy, ngõ nào, xóm nào cũng í a ca Huế, hò khoan, hò mái nhì, hò mái đẩy, thậm chí cả hát ca trù, hát ả đào, hát quan họ, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ.

Những ngày sắp Tết, nam thanh nữ tú của làng đã ngơi việc đồng áng, ai cũng phơi phới đi tập văn nghệ, nhóm tập nhảy sạp, nhóm tập kịch câm, nhóm lại làm hề, những bậc trưởng lão cùng ngồi lại để luyến láy âm giọng nhằm hát cho được ca Huế.

Theo ông Dương Viết Thủ, một thầy giáo hưu trí, Quảng Xá là làng nông nghiệp nên cần có người ở nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình, trong khi đó, gia đình nào cũng có tình trạng cha có đội văn nghệ của cha, mẹ có đội văn nghệ của mẹ, anh có đội văn nghệ của anh, chị có đội văn nghệ của chị..., ông bà cũng có đội văn nghệ phụ lão, không ai chịu nhường ai.

Chỉ theo kiểu may rủi mới giải quyết được “mâu thuẫn” này, là rút thăm từ cọng rơm, ai rút nhằm cọng rơm ngắn nhất buộc phải ở nhà!

Chính vì làng say hát nên họ Dương của làng sinh ra đến năm vị nhạc sĩ là hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, đó là giáo sư - nhạc sĩ - nhà giáo ưu tú Dương Viết Á, nhạc sĩ Dương Viết Chiến, nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt, nhạc sĩ Dương Viết Hòa, nữ nhạc sĩ Dương Bích Hà.

Một điều lạ nữa là ngôi làng này lại chiêu nạp hai vị rể quý, cũng là nhạc sĩ: nhạc sĩ Vĩnh Phúc người Quảng Trị và nhạc sĩ danh tiếng Phạm Tuyên.

Người ta nói rằng, Quảng Xá nằm giữa hai con sông Kiến Giang và Long Đại, dáng uốn như hình một khóa son trong bản nhạc ôm lấy Quảng Xá. Phải chăng do yếu tố phong thủy này mà họ Dương có đến năm nhạc sĩ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làng có thầy dạy vua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO