Hai mà một, một mà hai

LÊ VĂN TỨ| 14/01/2010 06:13

Trên quan điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc trước bạ và đăng bộ về nhà đất (rộng hơn có thể bàn cả về những tài sản khác như xe cộ, tàu thuyền) hoàn toàn có thể hợp nhất làm một.

Hai mà một, một mà hai

Thuế trước bạ và đăng bộ nhà đất có thể nhập làm một? Ảnh Quý Hòa

Trên quan điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc trước bạ và đăng bộ về nhà đất (rộng hơn có thể bàn cả về những tài sản khác như xe cộ, tàu thuyền) hoàn toàn có thể hợp nhất làm một.

Theo thủ tục hành chính hiện hành, mỗi khi có việc mua, bán nhà đất, ngoài lập hợp đồng mua bán và công chứng hợp đồng tại phòng công chứng, người dân còn phải kê khai và nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan thuế và làm thủ tục đăng bộ tại cơ quan đăng ký bất động sản. Vậy là trước bạ và đăng bộ là hai việc khác nhau, thực hiện ở hai cơ quan nhà nước khác nhau. Tuy nhiên, xét theo nội dung công việc thì trước bạ hay đăng bộ chỉ là việc cơ quan công quyền ghi nhận chủ quyền về nhà đất của cá nhân hay tổ chức vào một quyển sổ đặc biệt của Nhà nước.

Chủ quyền về nhà đất, theo từ ngữ pháp lý hiện hành, được gọi là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Việc trước bạ như thế xuất hiện ở nước ta từ thời thuộc địa Pháp. Thời đó, việc này được thực hiện tại các văn phòng trước bạ (tạm dịch từ tiếng Pháp Bureau d’enregistrement), coi như một dịch vụ công và do đó người dân phải nộp một khoản gọi là lệ phí trước bạ (Droit d’enregistrement). Bằng việc ghi vào sổ trước bạ này, cơ quan công quyền chính thức xác nhận chủ quyền của người chủ nhà, đất.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các giấy tờ trước bạ là chứng cứ pháp lý xác định chủ quyền của người đứng tên trên giấy tờ đó. Vì vậy, đó là căn cứ pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu và sử dụng nhà, đất của dân. Trong trường hợp giấy tờ chứng nhận chủ quyền nhà, đất bị thất lạc, cơ quan công quyền có thể căn cứ vào yêu cầu của người chủ nhà, đất mà cấp cho họ bản “trích lục” để sử dụng thay cho giấy tờ bị mất. Đó là tóm tắt ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của trước bạ không chỉ đối với dân, mà cả đối với công việc quản lý của chính quyền.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, việc trước bạ vẫn tiếp tục được thực hiện bởi cơ quan trước bạ thuộc ngành tài chính và tất nhiên lệ phí trước bạ vẫn là một nguồn thu ngân sách. Chỉ từ sau khi giải phóng miền Bắc (1955) và miền Nam (1975), để đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà, đất, Nhà nước đã lập ra hệ thống cơ quan chuyên môn quản lý lĩnh vực này. Vấn đề quan trọng đối với người dân liên quan đến việc thiết lập các cơ quan chuyên quản lý nhà, đất là chức năng “ghi sổ chủ quyền” được chuyển sang cơ quan quản lý nhà, đất và được gọi là “đăng bộ”. Vậy là xuất hiện thủ tục đăng bộ và tất nhiên kèm theo nó là phải nộp lệ phí đăng bộ.

Tuy nhiên, do cơ quan trước bạ và việc thu lệ phí trước bạ vẫn còn tiếp tục tồn tại, nên người dân mỗi khi có việc mua, bán nhà, đất thì trước hết phải làm thủ tục trước bạ, thực chất chỉ là để nộp lệ phí trước bạ như là điều kiện cuối cùng để có thể đăng bộ chủ quyền của mình tại cơ quan quản lý nhà, đất. Theo bộ máy hành chính hiện hành, việc nộp lệ phí trước bạ thực hiện tại cơ quan thuế, còn việc đăng bộ thực hiện tại Văn phòng đăng ký bất động sản. Ở TP.HCM, Văn phòng này được tổ chức tại các quận, huyện để đăng bộ nhà, đất của dân, còn việc đăng bộ nhà, đất của tổ chức thực hiện tại Văn phòng đăng ký bất động sản thành phố.

Trên quan điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc trước bạ và đăng bộ về nhà, đất (rộng hơn có thể bàn cả về những tài sản khác như xe cộ, tàu thuyền) hoàn toàn có thể hợp nhất làm một. Về từ ngữ, có thể gọi là trước bạ như đã sử dụng hàng trăm năm nay, cũng có thể gọi là đăng bộ như đã sử dụng vài chục năm nay, bởi vì từ ngữ nào cũng đều có nghĩa gốc là “ghi vào sổ của cơ quan công quyền” cả. Song về mặt thủ tục hành chính, sẽ đơn giản hóa hoàn toàn được một thủ tục, nếu không xóa thủ tục trước bạ làm ở cơ quan thuế, thì xóa thủ tục đăng bộ ở cơ quan đăng ký bất động sản.

Ngược lại thì cũng vậy. Xóa đi một thủ tục có nghĩa là xóa bỏ cả một bộ hồ sơ, trong đó có nhiều văn bản hoàn toàn như nhau. Vậy là người dân bớt đi một thủ tục không hề đơn giản, nhưng phải làm, không làm thì việc không xong. Và một điều quan trọng nữa là cơ quan nhà nước cũng bớt đi được một bộ hồ sơ phải xử lý. Có nghĩa là công việc liên quan tới trước bạ và đăng bộ sẽ giảm một nửa. Bởi vì, nếu giao chức năng đăng bộ cho cơ quan trước bạ (đang thuộc ngành thuế) thì những công việc thuộc chức năng này họ hầu như cũng đã đang thực hiện gần hết.

Nếu giao chức năng này cho cơ quan đăng bộ, thì thực ra họ chỉ làm thêm bài toán tính lệ phí trước bạ. Còn việc thu, có thể chuyển cho kho bạc nhà nước, không cần tổ chức bộ máy thu riêng. Về số thu lệ phí trước bạ và lệ phí đăng bộ, chắc chắn người dân không quan tâm nếu Nhà nước bãi bỏ lệ phí đăng bộ, hoặc cộng nó vào lệ phí trước bạ hiện hành.

Theo ý kiến nêu trên, công việc quản lý của Nhà nước liên quan tới việc này sẽ giảm đi. Điều này liên quan tới vấn đề cải cách bộ máy Nhà nước. Song, chuyện đơn giản hóa thủ tục hành chính đang bàn ở đây cho thấy mối liên quan giữa thủ tục hành chính với bộ máy nhà nước. Chừng nào trước bạ và đăng bộ còn là việc của hai cơ quan thuộc hai hệ thống quản lý khác nhau, chừng đó khó bàn về đơn giản thủ tục hiện hữu trong từng cơ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai mà một, một mà hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO