Cần tinh thần phản biện để startup không bị ảo tưởng

15/02/2017 06:48

Tinh thần phản biện trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cơ bản là chưa hình thành. Tung hô các startup quá nhiều tạo ra ảo tưởng với nhiều bạn trẻ.

Cần tinh thần phản biện để startup không bị ảo tưởng

“Cần có một tinh thần phản biện trong hệ sinh thái khởi nghiệp để những con người trong hệ sinh thái đó không bị ảo tưởng. Không có sự phản biện, mọi người đều nói tốt về nhau là hỏng hết”, chuyên gia khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh - trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng của Tập đoàn Hoa Sen nhận định.

“Zombie startup” ngốn nguồn lực cộng đồng

* Ông đánh giá thế nào về tinh thần phản biện trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay?

- Tinh thần phản biện trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cơ bản là chưa hình thành. Tung hô các startup quá nhiều tạo ra ảo tưởng với nhiều bạn trẻ. Nhất là các bạn đi thi giành một số giải thưởng về khởi nghiệp tưởng như thế là thành công rồi. Sứ mệnh của startup không phải là đi thi.

Cần phải có tinh thần phản biện trong hệ sinh thái khởi nghiệp để mọi người góp ý, chỉ ra những điểm yếu, giúp nhau hoàn thiện sản phẩm. Có phản biện để nhà nước tham khảo, ra những quyết sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp một cách phù hợp.

Và có phản biện cũng nhằm tối đa hóa nguồn lực xã hội, startup nào ngay từ đầu người ta thấy khó có thị trường thì đừng có mở ra, startup nào đang sống ngắc ngoải thì đóng cửa nhanh để mọi người đi làm việc khác. Người ta gọi đó là những “zombie startup” (xác sống khởi nghiệp), sống vật vờ cũng như chết.

Định nghĩa bên phương Tây, “zombie startup” là những công ty cho thấy không có sự phát triển nào trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng vẫn tuyên bố là đang hoạt động…

Theo tôi, sự phát triển của một startup được đo qua 4 tiêu chí: sản phẩm, thị trường, nhân sự, công nghệ. Startup rơi vào tình trạng zombie nếu trong 12 tháng, cả 4 tiêu chí đều không có sự tiến triển rõ rệt thì nên đóng cửa, vì bản chất của startup là phải phát triển thật nhanh.

* Lý do để một startup biến thành zombie?

- Có 3 lý do. Thứ nhất, chọn mô hình kinh doanh sai. Không phải cứ bê mô hình kinh doanh đã thành công ở nước khác về nước mình là thành công vì văn hóa, thói quen tiêu dùng khác nhau. Thứ hai, sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Thứ ba, sản phẩm tốt nhưng không đúng thị trường.

Lý do thứ nhất không sửa được, nên đóng cửa ngay. Người ta vẫn khuyên nhau “fail fast, fail cheap” (thất bại nhanh, thất bại rẻ). Đừng vì tự ái cá nhân mà giữ lại. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư không nhìn vào sản phẩm hay thị trường của một startup để ra quyết định đầu tư, mà họ nhìn vào người sáng lập. Họ thích những người đã từng thất bại hơn là những người chưa bao giờ làm. Họ có thể đầu tư vào một startup chỉ vì con người ở startup đó xuất sắc, trong khi họ biết chắc sản phẩm của startup đó sẽ thua trên thị trường. Vì nếu startup đó thua thì họ cũng đã nắm chắc trong tay con người xuất sắc để tạo dựng một startup khác thành công.

Với lý do thứ hai và thứ ba thì có thể xoay trục, sửa chữa, lúc này dùng chiến thuật “stand slow”, sống chậm, khắc phục từ từ.

* Ông có thể nêu một ví dụ về việc chọn sai mô hình kinh doanh?

- Startup muốn thành công phải tạo ra một thói quen tiêu dùng mới, sản phẩm của họ mang lại giá trị sử dụng từ gấp rưỡi trở lên so với sản phẩm truyền thống. Gấp 1,2 hay 1,3 lần thì không đáng kể, người ta vẫn sẽ sử dụng sản phẩm truyền thống.

Nói về mô hình kinh doanh, tôi nhớ đến một startup đặt vé xe đường dài ở Việt Nam đã giành giải ở nhiều cuộc thi khởi nghiệp, đã gọi được vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài. Để đặt xe trên nền tảng này, bạn phải mất ít nhất 3 phút mà trong đầu còn chưa biết chắc chắn có chỗ chưa, rồi phải thanh toán khá phức tạp. Startup này cũng chỉ là trung gian giữa hành khách với các nhà xe.

Trong khi đó, bạn chỉ mất 1 phút gọi điện đến nhà xe bất kỳ, kêu họ giữ chỗ, có xe trung chuyển, lên xe mới trả tiền, hủy chỗ không sao. Với những người quê ở tỉnh, chuyên đi cố định một tuyến, nhà xe còn thân thiết đến mức biết luôn người đó xuống hay đón xe ở đâu.

Tóm lại, theo tôi, sản phẩm của startup này chưa tạo ra được giá trị sử dụng tốt hơn so với sản phẩm của các nhà xe, chứ chưa nói là gấp rưỡi trở lên. Và đây là mô hình kinh doanh có vấn đề.

Thi khởi nghiệp nhiều, nhưng thiếu hiệu quả

* Một startup giành giải ở nhiều cuộc thi khởi nghiệp mà theo ông lại có vấn đề trầm trọng đến vậy?

- Tôi nói ngay là chính các cuộc thi cũng có vấn đề. Có quá nhiều cuộc thi nhỏ lẻ, manh mún, chỗ nào cũng tổ chức để gọi ngân sách, gọi tài trợ. Quảng bá cho người tổ chức nhiều hơn là nói về những người khởi nghiệp.

Chất lượng ban giám khảo cũng có vấn đề, vì nhiều người không đủ năng lực phản biện, chấm thi. Ban giám khảo phải là những người đã tự đốt tiền của mình vào những startup thất bại, là lực lượng có cơ sở lý thuyết vững chắc về khởi nghiệp, là những doanh nhân có chuyên môn về công nghệ, tiếp thị...

Về chuyện một startup thắng nhiều giải là vì họ có kinh nghiệm đi thi, được tư vấn nhiều lần từ các hội đồng thi. Khi một startup thắng giải ở cuộc thi A, các giám khảo ở cuộc thi B rất khó đánh trượt, vì đánh trượt chẳng hóa là giám khảo cuộc thi B nói giám khảo cuộc thi A kém, nó dở thế mà cũng trao giải, trong khi các giám khảo đều quen biết và chơi với nhau hết.

* Vậy nên phải tổ chức thi thế nào cho hiệu quả?

- Không ai cấm tổ chức thi thố cả. Tôi chỉ nghĩ rằng các cuộc thi nên ra quy định: startup nào đã có giải ở cuộc thi trước không được tham dự các cuộc thi khác nữa.

Thứ nhất, startup suốt ngày lo đi thi, thời gian đâu chăm lo phát triển sản phẩm và thị trường. Được nhiều giải sẽ khiến startup tự mãn, ngộ nhận rằng mình hay lắm. Thứ hai, để cho các startup đàn em nhận giải như là sự khích lệ, và cuộc thi tìm ra được những nhân tố tiềm năng mới.

Các startup đi thi cũng không nên đặt nặng yếu tố tranh giải, mà hãy coi cuộc thi là cơ hội kết nối, chia sẻ, phản biện, truyền cảm hứng cho nhau. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố phản biện. Để tạo ra được không khí đó, vai trò chính thuộc về ban tổ chức các cuộc thi.

>Cựu giám đốc Google: 3 điều nhà sáng lập startup cần tự làm

>Điều gì gây nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi startup Việt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tinh thần phản biện để startup không bị ảo tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO