Buồn vui chuyện buôn bán của má

Nguyễn Thị Tú Oanh| 20/01/2023 01:00

Má hỏi tôi, những ngày gần Tết con hay nhớ gì? Trong ký ức tôi không có hình ảnh của bánh chưng, bánh tét. Tôi chỉ nhớ ngày má còn tất bật với chợ đò, cuối năm ba má con phải dậy từ ba giờ sáng để chuẩn bị hàng hóa bán chợ Tết.

Giờ má không còn theo nghiệp bán buôn nhưng những ngày lao động vừa cực vừa vui đó vẫn mãi sống động trong tâm trí tôi. 

Người ta nói, làm kinh doanh dễ có tiền. Kể ra cũng đúng, bán buôn dễ có "đồng ra đồng vô”, nhưng tôi thấy "cái giá” phải trả, tùy theo người, tùy theo lĩnh vực, không hề rẻ.

Như má tôi, đời người đâu chừng 60 năm mà gắn bó với cái chợ nhỏ thâm niên đã hơn 30 năm. Đúng là đồng tiền dễ vào nhưng công sức bỏ ra cũng đâu có ít. Nhớ mọi năm còn bán buôn, dễ gì chiều 30 Tết có má ở nhà. Mấy đứa hay đùa, má ở chợ để chợ đông, người ta có cái mà mua. Trong khi nhà mình lại thiếu má.

-3804-1674013742.jpg

Sáng nào hai anh em tôi cũng dậy xếp hàng hóa thứ nào ra thứ đó để má kêu xe thồ chở lên chợ. Cực chút vậy mà vui. Trong khi nhà người ta mua sắm, bàn chuyện Tết, riêng nhà buôn bán phải làm việc hơn thường ngày.

Năm nào cũng vậy, đến khi chợ vãn, chiều muộn, 30 Tết má mới về. Má nói, đắt rẻ gì chiều 30 cũng bán, bán cho hết hàng của năm nay chứ không lại ôm qua năm sau thì cực lắm.

Đồ cúng ngày Tết cũng được má mua ở phiên chợ chiều sau khi hàng bán hết. Năm nào giỏ hàng của má xum xuê đủ món, năm đó mấy đứa biết má bán buôn nhiều may mắn. Năm nào má chỉ mua đủ đồ ăn trong nhà mấy ngày Tết, không sắm sửa gì thêm thì chúng tôi nhìn nhau im lặng, chẳng đứa nào dám hỏi vì sợ má buồn.

Có năm, má ở nhà được ba ngày Tết. Năm đó hai anh em vui, xúm xụm nhau bày thứ này thứ khác ra nấu rồi dụ má chơi mấy trò cá cược của con nít. Nhưng cũng có năm má thấy mùng một "được ngày", lại tất tả lên chợ bày hàng.

Bọn tôi thường khuyên má, má già rồi, ở nhà nghỉ ngơi bớt, ham chi buổi chợ. Má lắc đầu nói, đi riết thành quen, ở nhà buồn. Ra giêng bán sớm chút, khách quen có đồ ăn sớm, tươi ngon, họ cũng vui mà mình được gặp khách cũng vui.

Tôi không được như má, buôn bán gì cũng được một hồi rồi nghỉ, không đủ kiên trì. Người buôn bán bảo phải có duyên, cũng đúng. Tôi nghĩ cái "duyên" đó chính là sự khéo léo khi giao tiếp với khách hàng.

Má nói, đã buôn bán thì phải tinh ý. Khách hỏi, mình phải biết ý mà giải thích. Người nóng nảy, thích nhanh gọn lẹ thì phải nhanh theo, nói ngắn gọn, đủ hiểu. Người thích rầy rà thì mình thong thả, nói kỹ hơn chút, rồi nói thêm cái này cái kia để họ hiểu cái thứ mình bán.

Kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng xem như làm dâu trăm họ, chín người mười ý. Má bán hàng riết mấy chục năm, đã quen chuyện khen chê. Khách nói sao cũng được, mua thì tốt mà không mua cũng chẳng sao. Có lần má kể, có một cô ngày nào cũng đến hỏi mua đồ, cần một món mà đi qua đi lại mấy hàng để dọ giá, nhưng lưỡng lự mãi không mua. Bà bán bên cạnh thấy khó chịu nên mắng xa gần, còn má thì không, lần nào khách hỏi cũng từ tốn trả lời. Vậy mà cuối năm, chính cô đó lại thành "mối bự" của má.

Tuy má không giỏi chuyện học hành để chỉ dạy cho anh em tôi nhưng với nửa đời buôn bán, má có dư kinh nghiệm để hai đứa tôi học tập. Má hay dặn, buôn bán phải chịu khó, ngày nào cũng phải đi, thấy ế mà nghỉ dài ngày là mất khách. Cũng như tụi con muốn làm chuyện gì cũng phải từng ngày từng ngày một, không nghỉ, cũng đừng thấy việc không thành mà bỏ sớm. Khởi đầu bao giờ cũng khó nhưng khi đã qua được bước đầu rồi mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng, có đà cho mình.

Má không nói giỏi cũng không miệng mồm bằng người ta. Ai cũng nói: "Má mày thiệt quá”. Tôi cũng thấy vậy, nhưng không hiểu sao má bền được với nghề mấy chục năm. Má nói: "Tại người ta thấy má thiệt tình nên mới thương. Có gì má nói đó, vậy mà họ cứ tới mua hoài".

Buôn bán gì cũng phải có tâm. Mình lấy lời thì phải đảm bảo hàng hóa chất lượng cho khách. Giá bán cao thì chất lượng thứ đó phải cao. Ngày nào hàng không đẹp thì phải hạ giá, không thể đánh đồng.

Rồi má nói: "Nghề nào cũng cần cái tâm. Bọn con học hành cho giỏi sau này đi làm cũng đừng ỷ mình có tri thức mà hời hợt. Cái gì mình cũng phải đụng tay đụng chân vô thử mới hiểu được cái thứ đó tốt xấu ra sao".

Giờ má không còn buôn bán, tự cho mình "về hưu" vì cái lưng đau nhưng những chuyện xung quanh quầy hàng nhỏ của má thì vẫn còn nhiều lắm. Năm nào bọn tôi đi làm xa về, má kêu lại ngồi bên, thăm hỏi chuyện làm ăn, lấy thực tế ngày má còn buôn bán để dặn dò con cái. Má sợ bọn tôi có lớn mà chưa có khôn, sống với nghề mà quên bỏ cái "tâm" của mình vào đó. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Buồn vui chuyện buôn bán của má
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO