Bay qua di sản

HÀN THƯ| 16/05/2014 07:19

Những nhà báo đã có cơ hội đầu tiên nhìn từ trực thăng hình thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng...

Bay qua di sản

Những nhà báo đã có cơ hội đầu tiên nhìn từ trực thăng hình thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Những ngọn núi cao thấp, những rặng núi đá vôi kỳ vỹ, các tháp kast cổ đại vươn vai trong ánh bình minh. Trong các tài liệu khoa học, khối núi đá vôi Kẻ Bàng là khối núi lớn nhất Đông Dương và được nhấn mạnh là "sa mạc" đá vôi. Ấy vậy mà trên vô số đỉnh núi ấy, cây rừng vẫn xanh tươi, sự sinh tồn của cơ thể sống thực vật dường như đẩy tới giới hạn thích nghi tuyệt vời để mang lại vẻ đẹp màu xanh cho địa danh này.

Đọc E-paper

Trọng lực hút nước, bào mòn các khe nứt và tạo ra các kiệt tác hang động lạ kỳ

Cơ hội ngắm các loài

Máy bay cất cánh từ sân vận động Đồng Hới. Nắng buổi sớm lan tỏa rực vàng. Từ đồng bằng lên vùng lõi di sản chỉ mười mấy phút. Từng rặng núi của Phong Nha hiện ra. Và từ đây có thể nhìn được hàng chục ngàn héc ta đất đai hương hỏa của diện tích hơn 123.000ha khu vực rừng ở đây.

Ngồi trên trực thăng, bạn có cơ hội thấy được hàng ngàn loài thực vật trong số 2.651 loài thuộc 193 họ, 906 chi của 6 ngành thực vật khác nhau ở đây. Bạn cũng có cơ hội ngắm 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật. Hơn nữa, ở đây tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m với diện tích 22.500ha là kiểu rừng độc đáo nhất ở Việt Nam và trên thế giới.

Ngoài ra còn có cơ hội thấy cận cảnh diện tích trên 1.000ha quần thể Bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) đặc hữu hẹp có giá trị ở tầm mức toàn cầu. Và bay vào đây là bay vào một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Đấy là một nguồn gen hoang dại khổng lồ, rất đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam.

Và bạn cũng có cơ hội kiểm chứng số liệu các nhà khoa học từng đưa ra từ những năm nghiên cứu trước đây. Khu vực này có 93,8% diện tích rừng che phủ, trong đó rừng nguyên sinh chưa bị tác động, hoặc ít bị tác động là 88,3%.

Nguyên sinh nghĩa là ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa khám phá. Trong hồ sơ của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên như IUCN, WWF..., Phong Nha - Kẻ Bàng được định danh là "mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại trên núi đá vôi lớn nhất Đông Dương có giá trị toàn cầu".

Tất cả những gì lộng lẫy ở động Thiên Đường hay toàn bộ Kẻ Bàng đều từ vận động của vỏ trái đất từ hàng trăm triệu năm trước khi vùng đất này còn là biển

Những quả đồi hình bát úp từ biển

Một số nhà khoa học nói rằng, núi non ở Phong Nha - Kẻ Bàng có hình bát úp, đó là sự lược giản trong cách diễn đạt, nhưng quả thật, nhiều ngọn núi như hình bát úp đã hiện ra khi quan sát từ trên cao.

Công ước về di sản thiên nhiên thế giới đối với Phong Nha - Kẻ Bàng được nhấn mạnh tại Paris vào tháng 7/2003 rằng: "Là một ví dụ điển hình thể hiện những giai đoạn trọng yếu trong lịch sử hình thành trái đất và các tiến trình kiến tạo cũng như tính đặc thù về địa chất, địa mạo".

Quả thật, khi bay trên những rặng núi hùng vĩ này, càng thấy rõ hình hài của khối núi đá vôi cổ đại hơn 400 triệu năm tuổi. Các đường kiến tạo từ xa xưa vẽ nét với những vực sâu, hố sụt, hoặc tháp kast... Ít ai biết được rằng, di sản này từ xa xưa có nguồn gốc từ biển.

Tài liệu của tác giả Andrew P. Spate đến từ Đức trong chương trình hợp tác quốc tế với di sản này thông qua Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức cùng GIZ đã viết: "Những quả đồi bát úp vốn nằm sâu dưới đáy biển cách đây trên 460 triệu năm đã tạo nên sinh cảnh đặc thù cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hai khoáng chất hòa tan là can xi, các bon có nhiều trong lớp vỏ bảo vệ các loài sinh vật biển, kết hợp một cách tự nhiên cùng nước biển để tạo thành một khoáng chất mới là can xi các bô nát (CaCo3) có đặc tính hòa tan thấp hơn hai nguyên tố ban đầu.

Các tinh thể CaCo3 chìm xuống đáy biển, hợp cùng nhiều vỏ sò, xương các loài sinh vật biển tạo thành lớp bùn đen. Dần dần, lớp bùn này hóa thạch và lưu trữ tàn tích các loài sinh vật biển bên trong.

Sự biến đổi trong thành phần hóa học của nước biển qua hàng triệu năm đã làm thay đổi tính chất của lớp bùn ban đầu đến khi biến thành đá trầm tích. Những kiến tạo địa chất mãnh liệt hình thành vỏ trái đất đã đẩy lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những ngọn núi ở Phong Nha - Kẻ Bàng, đá nơi đây có đặc điểm bị nghiêng góc và đứt gãy".

Sự nghiêng góc và đứt gãy này khiến khi quan sát từ trực thăng thấy có vô số đỉnh núi nằm nghiêng theo chiều nhất định đầy hình ảnh phản ánh sự vận động vỏ trái đất của một thời rất xưa.

Và dấu hiệu của hóa thạch cá, các loài sò bên trong vách tường một số hang động như Sơn Đoòng, hang Tối, Thiên Đường... đã củng cố luận điểm chắc chắn Phong Nha - Kẻ Bàng có nguồn gốc từ biển.

Rừng phủ xanh từ đỉnh núi đá vôi đến trong lòng hang động

Trọng lực làm nước tạo ra hang động

Khi bay trên trực thăng, thấy các rặng núi khổng lồ trải tít tắp từ trước mắt đến tận chân trời. Người ta không hiểu vì sao ở đây có các hang động khổng lồ và lớn nhất thế giới. Nhưng khoa học gia Andrew P. Spate phát hiện rằng: "Đá vôi chính là loại đá được hình thành do những phản ứng hóa học trong nước biển lại bị hòa tan trong nước mưa.

Khi nước mưa thấm vào những kẽ nứt của đá vôi, do tác động của trọng lực, nước chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích. Tại đây, nước mưa tiếp tục chảy dọc theo các khe nứt cho đến khi gặp một tầng phân lớp khác và tiếp tục chảy xuống dưới tác động của trọng lực.

Quá trình này cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi dòng nước xuyên qua các lớp đá vôi và mỗi lần hòa tan một chút đá để mang theo. Dần dần những khe nứt này trở nên rộng hơn vì đá vôi bị hòa tan, tạo nên những kỳ quan tiềm ẩn của Phong Nha - Kẻ Bàng trong những dãy núi đá”.

Lý giải này rất dễ hiểu khi trọng lực của trái đất làm nước bào mòn và tạo ra các hang động lộng lẫy. Nhưng thời gian tạo tác nên những cấu trúc khổng lồ ấy phải mất hàng chục triệu đến hàng trăm triệu năm. Và bây giờ cung đường bay cho thấy cảnh quan rừng nguyên sinh trên các đỉnh núi và những thung lũng phía dưới.

Tán rừng xanh rì, rậm rịt với đủ kiểu thân gỗ, tầm gửi, rêu tảo..., chúng đã hiện diện ở đó hàng trăm năm và tiếp tục khoe mình trong hình hài đại mộc trên những rặng núi hùng vĩ. Một lần bay như thế rất đáng để biết về một di sản của quê hương được bảo lưu các giá trị đặc hữu mang tính toàn cầu. Mãi mãi điều đó đã được định danh trong nhiều tài liệu khoa học của những học giả tiên phong và cả từ UNESCO.

Thêm 39 hang động mới với chiều dài 17km được khám phá

Chuyến khảo sát từ ngày 16/3 - 25/4 do Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thực hiện đã khám phá thêm 39 hang động mới tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Trong đó đặc biệt nhất là hang Vực Thê có chín cấp, sâu đến 207m, là một phát hiện mới về kiểu hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài việc ghi nhận thêm hang mới, đợt khảo sát này cũng đo vẽ và ghi nhận bằng hình ảnh, tọa độ, độ cao các hang động...

>Động Phong Nha là điểm du lịch xuất sắc thế giới
>Những "người tình" theo dấu Phong Nha - Kẻ Bàng
>Kỳ diệu - thạch nhũ đổi màu trong động Phong Nha
>Phát hiện 7 hang động mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng
>
Cải tạo động Phong Nha?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bay qua di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO