“Báu vật” của làng

VĂN CÔNG NGHĨA| 04/12/2009 09:20

Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện tài năng sáng tạo mang tầm kiệt tác của cộng đồng dân tộc ít người ở Tây Nguyên cũng như VN.

“Báu vật” của làng

Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện tài năng sáng tạo mang tầm kiệt tác của cộng đồng dân tộc ít người ở Tây Nguyên cũng như VN. Cái hồn của âm nhạc như mạch máu nuôi dưỡng khí chất, nối liền hơi thở của những buôn làng qua nhiều thế hệ. Vì vậy những nghệ nhân chế tác nhạc khí trở thành những “báu vật” của buôn làng vì họ là những người có quyền năng nối dài bất tận những thanh âm, sức sống của cha ông...

Đôi tai của núi rừng

Hơn 72 tuổi đời nhưng ông đã có gần 60 năm tuổi nghề, cái nghề không mấy người biết, cũng không mấy người theo nổi: nghề thẩm âm cho nhạc cụ truyền thống bằng đồng. Ông không chỉ là “báu vật” của làng, mà còn là “người nổi danh” trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Đó là nghệ nhân Dương Ngọc Sang ở làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trong một lần ghé thăm làng đúc đồng truyền thống này, tôi có cơ may được những người thợ làng đúc giới thiệu và gặp gỡ với nghệ nhân Dương Ngọc Sang - một trong số những người hiếm hoi còn lại có thể thẩm âm cho các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Trong căn nhà nhỏ ẩn sau hàng tre của con đường làng quanh co, nghệ nhân Dương Ngọc Sang đang cần mẫn, cẩn thận kiểm tra thanh âm của từng chiếc chiêng, chiếc cồng mới vừa được đúc xong. Chỉ tay vào mấy bộ cồng chiêng treo bên tường nhà, ông Sang chậm rãi: “Mấy bộ kia tôi đã thẩm âm rồi, khi nào có người nào đặt mua thì tôi sẽ chỉnh âm theo yêu cầu của chủ nhân mới”.

Phương pháp chỉnh sửa cộng với tai âm nhạc nhạy cảm của nghệ nhân sửa chiêng đã thể hiện trình độ thẩm âm tinh tế và hiểu biết cặn kẽ về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng và trong không gian. Có hai phương pháp chỉnh sửa mà các nghệ nhân ở Tây Nguyên sử dụng: Gõ, gò theo hình vảy tê tê và theo hình lượn sóng. Do vậy, kỹ thuật gõ, gò theo đường tròn trên những điểm khác nhau quanh tâm điểm của từng chiếc chiêng là một phát hiện vật lý đúng đắn, khoa học. Đây là sáng tạo lớn của cư dân các dân tộc ít người Tây Nguyên. Các bài chiêng cũng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái tình cảm của con người trong mỗi nghi lễ: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã. Để đáp ứng các yêu cầu thể hiện bằng âm nhạc khác nhau, các tộc người Tây Nguyên đã lựa chọn nhiều biên chế dàn cồng chiêng khác nhau.

Không như những gia đình khác, trong nhà ông Sang chỉ treo một vài bộ nhạc cụ, chủ yếu là thanh la (chiêng). Hầu hết những người ghé thăm nhà ông đều mong muốn được trực tiếp xem ông trình diễn các công đoạn của nghề đúc nhạc cụ bằng đồng, đặc biệt là thực hiện các thao tác thẩm âm sau khi nhạc cụ đã được đúc thành hình.

Ông bảo: “Mấy năm nay, nhiều việc lắm, không chỉ đúc đồng ở nhà, mà tôi còn phải thường xuyên đi xa dài ngày đến tận nhiều làng, nhiều thôn đồng bào dân tộc xa xôi vùng Trường Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam bộ để thẩm âm cho các bộ cồng chiêng của họ, tôi còn phải trực tiếp thẩm âm tại nhà cho du khách thưởng thức”.

Với hàng chục năm lăn lộn khắp các vùng miền, đến nay, ông Sang có thể thẩm âm cho tất cả các loại nhạc cụ truyền thống bằng đồng của các dân tộc thiểu số từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Phước. Ông Sang phân tích: “Mỗi dân tộc đều có cách trình diễn, cảm thụ âm nhạc khác nhau mang đặc trưng riêng biệt nên dù là một loại nhạc cụ nhưng không có bộ nào giống bộ nào cả. Người thẩm âm phải hiểu được âm nhạc của các dân tộc và làm mọi cách để biến âm thanh khác lạ trở nên quen thuộc và phù hợp với đặc thù âm nhạc của từng dân tộc, từng cộng đồng...”.

Chẳng hạn như vùng cao Quảng Nam dùng bộ thanh la hai chiếc, Gia Lai - Kontum dùng bộ sáu chiếc; Lộc Nam, Lộc Bắc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước) thường sử dụng bộ tám chiếc. Mỗi âm điệu gắn với điệu nhảy và phong tục của từng nơi. Chính khả năng độc nhất vô nhị này đã làm cho ông ngày càng trở nên nổi danh không chỉ trong nước, mà nhiều cá nhân, tổ chức ở nước ngoài cũng đến nhà ông để tìm hiểu, học hỏi và chiêm ngưỡng nghệ nhân già Dương Ngọc Sang thẩm âm.

Ông Sang sở hữu những “báu vật” độc nhất vô nhị như bộ thanh la đối âm hai chiếc được đặt cách nhau 4 tấc, dùng dùi đánh vào chiếc này, vài giây sau chiếc kia cũng ngân vang. Độc đáo hơn là bộ thanh la sáu chiếc từ lớn đến nhỏ đặt sát nhau, chỉ dùng một ống lồ ô gõ xuống nền, một chuỗi âm kéo dài rền vang như bất tận...

Lật từng trang cảm tưởng của du khách, ông Sang chia sẻ: “Du khách khó tính lắm chú ạ. Họ đến đây không chỉ để mua đồ của làng mình đâu. Họ còn muốn được tìm hiểu thật kỹ, thật rõ ràng về những cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn trong nghệ thuật đúc đồng, nghệ thuật thẩm âm cho nhạc cụ...”.

Điều đáng nói là cho đến nay, nghệ nhân Dương Ngọc Sang đã tiếp hàng nghìn lượt du khách, trả lời hàng vạn câu hỏi, nhưng chưa bao giờ ông giấu nghề trước bất kỳ một ai. Ông tâm niệm: “Tôi mong muốn cái nghề của làng mình, cái tên của làng mình được nhiều người biết, có thế mới mong giữ được nghề, bảo tồn được nghề. Tuy thế, nghề đúc cũng như nghề thẩm âm không phải cứ nói quy trình là làm được đâu. Muốn trở thành người thợ đúc đồng, người thợ thẩm âm thì cần phải kiên trì, mất nhiều thời gian, công sức và trên hết là phải có niềm đam mê cộng tài năng thiên bẩm nữa..”

Cứ thế, ngày càng có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước tìm đến làng đúc đồng Phước Kiều, để được tìm hiểu, học hỏi và trực tiếp chứng kiến nghệ nhân thẩm âm Dương Ngọc Sang nhún nhảy theo điệu cồng, tiếng chiêng. Nhiều công ty du lịch, hãng lữ hành từ lâu đã chọn nhà nghệ nhân Dương Ngọc Sang là một trong những điểm đến trên hành trình tham quan Di sản Thế giới Hội An, Mỹ Sơn ở Quảng Nam.

Lo lụi nghề, suy hồn nhạc

Ông Dương Ngọc Truyền, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đúc đồng Phước Kiều lo lắng: “Trong làng chúng tôi hiện có gần 10 người có thể thực hiện thẩm âm cho nhạc cụ truyền thống bằng đồng nhưng không ai có thể sánh bằng với nghệ nhân Dương Ngọc Sang. Ông là một trong những người thẩm âm hiếm hoi của làng đúc Phước Kiều. Tuy nhiên, đây là nghề cha truyền con nối, lại thêm nhiều người không muốn theo cái nghề đòi hỏi đức tính kiên trì khổ luyện này nên nguy cơ mai một là rất lớn”.

Ngay người con trai cả của ông Sang - anh Dương Ngọc Cường, dù được cha chỉ bảo từ nhỏ, nhưng đến nay cũng chỉ nắm bắt được một phần kiến thức mà thôi. Trong số gần 10 người của làng có thể thẩm âm thì phần lớn đều làm theo kiểu thời vụ, lấy việc đúc đồng, thẩm âm làm nghề phụ, lấy nghề khác làm nghiệp mưu sinh.

Bản thân nghệ nhân Dương Ngọc Sang thì suy tư: “Tôi lo là chỉ vài thập niên nữa thôi, không biết có còn ai ở cái làng này biết thẩm âm và sống được bằng nghề đúc đồng, thẩm âm”. Nhiều người ở làng đúc Phước Kiều hiện nay đã chuyển sang nghề khác, hơn 10 năm trước, cả làng đúc có trên 40 hộ chuyên sống và sống được bằng nghề đúc đồng, nay con số đó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Riêng người sống được và sống tốt bằng nghề thẩm âm đến nay chỉ còn nghệ nhân Dương Ngọc Sang. Tôi hiểu, nỗi lo mất nghề của ông âu cũng là nỗi niềm chung của cả người dân làng đúc Phước Kiều.

Câu ca dao “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều” vẫn được truyền tụng cho đến ngày nay. Nằm sát quốc lộ 1A, làng đúc đồng Phước Kiều có lịch sử hình thành hơn 400 năm với nghề đúc đồng nổi tiếng. Nét độc đáo của nghệ nhân và thợ thủ công làng Phước Kiều chính là khả năng đúc và chỉnh âm các bộ nhạc cụ truyền thống bằng đồng như chiêng, cồng… cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước, kể cả Campuchia và nước bạn Lào. Theo tư liệu gia phả của các tộc họ hiện còn lưu giữ, làng được thành lập từ buổi đầu thời các chúa Nguyễn dựng nghiệp ở hai xứ Thuận - Quảng. Đây vốn là vùng đất truyền thống đúc đồng nổi tiếng, các ông tiền hiền của tộc Dương Ngọc và Nguyễn Bá đã truyền dạy nghề đúc cho bà con đồng tộc, lập ra làng đúc Phước Kiều cho tới nay. Khi các chúa Nguyễn ra sức mở mang, ổn định ở hai xứ Thuận - Quảng, nghề thủ công trong đó có nghề đúc đồng, sản xuất đồ gia dụng phát triển. Trọng lượng chuẩn, tiếng bi - hỉ giàu cảm xúc và không bị lạc âm dù để lâu ngày... là những nét độc đáo rất riêng của chiêng Phước Kiều qua mấy thập kỷ trong khu vực Đông Dương.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Báu vật” của làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO