Ai cần được giáo dục?

CÁC NGỌC| 17/09/2009 08:52

Không riêng người VN, những người thông minh nhất trên thế giới chắc cũng không dám nói mình là "người tiêu dùng thông thái" trước một rừng sản phẩm nội ngoại.

Ai cần được giáo dục?

Cách đây không lâu, trước nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khuyến cáo: "Mỗi chúng ta phải trở thành người tiêu dùng thông thái".

Thế nhưng, không riêng người VN, những người thông minh nhất trên thế giới chắc cũng không dám nói mình là "người tiêu dùng thông thái" trước một rừng sản phẩm nội ngoại. Họ chỉ có thể “khôn ra” sau những lần bị lừa gạt hoặc cẩn thận hơn để không bị nhầm lẫn.

Những người thông minh nhất trên thế giới chắc cũng không dám nói mình là "người tiêu dùng thông thái" trước một rừng sản phẩm nội ngoại - Ảnh minh họa

Tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của người dùng và cam kết đưa ra những sản phẩm tốt nhất phải được xem là bổn phận của DN. Chính DN phải có trách nhiệm khi sản phẩm của mình gây tổn hại tiền bạc, sức khỏe cho khách hàng.

Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia tư vấn chiến lược quản trị DN đã từng chia sẻ: “Khi làm một sản phẩm nào đó mà nghĩ là làm cho mẹ mình dùng thì lúc đó sản phẩm của mình chắc chắn sẽ được xã hội chấp nhận. Đó là văn hóa, nhân cách thương hiệu mà DN VN cần quan tâm”.

Tư duy xem trọng người tiêu dùng sẽ làm cho hàng VN đủ tạo được sự tín nhiệm, mà không cần phải có Nhà nước làm cuộc vận động tiếp sức nào cả. DN hãy học cách tôn trọng người tiêu dùng trong nước mình như người Nhật, người Hàn Quốc đã và vẫn làm.

Những ai đã từng đến tham quan hay đang sinh sống ở khu đô thị Nam Sài Gòn hẳn đã thấy một cộng đồng người Hàn Quốc ở đây. Thử hỏi bất kỳ một người Hàn Quốc nào xem họ hay mua hàng của ai, chắc chắn câu trả lời là “đồ Hàn Quốc hoặc mang thương hiệu Hàn Quốc”. Không phải không mua được những sản phẩm cùng loại của nhãn hiệu nước khác ở VN, nhưng với những người Hàn Quốc, dùng hàng của DN nước mình sản xuất là niềm tự hào vì người tiêu dùng khắp thế giới cũng đang dùng hàng Hàn Quốc.

Những người Hàn Quốc cho biết, trẻ em mới đến trường đã có ý thức dùng “hàng của mình”. Trong nhà trường, khi thấy học sinh dùng những vật dụng nhãn hiệu nước ngoài, thầy cô giáo thường bảo: “Thứ này cũng có đồ Hàn Quốc mà, con dùng thử xem, thích lắm!”. Người Hàn Quốc không gọi đó là giáo dục mà là xây dựng niềm tin từ những khách hàng nhỏ nhất.

DN VN và cả các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD đã tạo niềm tin cho hàng VN tới đâu? NTD làm sao đủ thông thái để biết những DN sản xuất nước tương có chất 3-MCPD quá mức cho phép; sữa thiếu độ đạm; thịt heo đông lạnh kém chất lượng dán mác DN lớn...

Trong cuộc họp của Bộ Công Thương sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2009, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, khi kiểm tra chống buôn lậu đã phát hiện săm lốp, giày dép, quần áo của nhiều thương hiệu dẫn đầu VN được sản xuất ở Trung Quốc rồi nhập vào VN. Hải quan đã thông tin cho DN sản xuất các mặt hàng này cùng phối hợp để bảo hộ sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả, nhưng đến nay đã qua bao hội chợ Hàng VN chất lượng cao, vẫn không thấy các DN này cung cấp cho người tiêu dùng thông tin khẳng định có tình trạng hàng thật, hàng giả hay không?

Cơ quan chức năng luôn chậm chạp từ việc cùng DN làm rõ những tiêu chuẩn chất lượng trong sản phẩm sản xuất trong nước, đến xử lý những sai phạm. DN được quyền tự công bố chất lượng đôi khi lẳng lặng bớt khối lượng, thay đổi thành phần sản phẩm... Những điều đó đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và việc từ chối những sản phẩm, thương hiệu không minh bạch cũng là cách người tiêu dùng “giáo dục” lại nhà sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai cần được giáo dục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO