Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông Vận tải tờ trình đề xuất kinh phí mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ước tính gần 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA khoảng 446 triệu USD, còn lại vốn đối ứng từ Chính phủ.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là cơ quan được giao nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án này. Với hơn 446 triệu USD (hơn 10.200 tỷ đồng) vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), dự kiến chiếm 79% tổng mức đầu tư dự án. Nguồn này được đề xuất cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị (100% trước thuế); tư vấn thiết kế kỹ thuật, giám sát; chi phí dự phòng...
Phần vốn đối ứng của Chính phủ dự kiến hơn 120 triệu USD (khoảng 2.700 tỷ đồng), được nghiên cứu sử dụng cho các hạng mục thuế VAT (của chi phí xây lắp và chi phí dự phòng), giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng và lãi vay...
Đoạn mở rộng được đề xuất làm trên chiều dài gần 24km trong tổng 55km toàn tuyến. Điểm đầu dự án nằm sau nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Trong đó, đoạn đi qua TP.HCM dài hơn 11,7km, còn lại gần 12km thuộc địa phận Đồng Nai.
Dự án mở rộng đường từ 4 lên 8 làn xe, tốc độ 100-120km/h. Riêng hai cầu lớn trên tuyến gồm cầu Sông Tắc và Long Thành, lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, JICA hiện rất quan tâm tài trợ cho dự án mở rộng tuyến cao tốc. Trước đó, cơ quan này đã làm việc và thị sát hiện trường tuyến đường. Hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính về đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA của JICA để báo cáo Thủ tướng.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua TP.HCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn 1 từ năm 2015 quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Do là một trong tuyến huyết mạch kết nối giao thông, kinh tế giữa TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, nên những năm gần đây thường quá tải vào các dịp lễ Tết do lượng xe tăng cao.
Dự án mở rộng cao tốc khi hoàn thành ngoài nâng năng lực khai thác sẽ góp phần tăng khả năng kết nối khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông khi sân bay Long Thành dự kiến khai thác năm 2025.