Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear đã ký Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào ngày 6/5 vừa qua tại Hà Nội.
Toàn cảnh lễ ký kết. Ảnh: Bích Liên/ Hà Nội Mới |
Phạm vi hợp tác của hiệp định bao gồm: phát triển việc sử dụng năng lượng hạt nhân; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân dân sự, quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng; đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và môi trường; bảo vệ bức xạ, quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng; an toàn, an ninh, thanh sát và không phổ biến hạt nhân.
Hiệp định cũng quy định chỉ chuyển giao nhiên liệu urani có độ giàu thấp và các vật liệu, thiết bị được chuyển giao để thực hiện các ứng dụng theo khuôn khổ của hiệp định.
Hiệp định có hiệu lực 30 năm, sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn là 5 năm và có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên thông qua đường ngoại giao.
Đây là cơ sở để Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ hạt nhân tiên tiến, hiện đại trực tiếp hoặc có nguồn gốc từ Mỹ cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam.
Đặc biệt, việc ký hiệp định đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời mở ra những triển vọng to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về ứng dụng bức xạ cũng như phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt |
Phó chủ tịch phòng Thương Mại Hoa Kỳ khu vực Châu Á - ông Tami Overby khẳng định: “Hiệp định này góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và khung pháp lý để mở đường cho việc phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hiệp định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ phát triển giữa hai nước. Hiệp định này được xây dựng dựa trên “Thỏa thuận đối tác toàn diện” do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang ký kết tại Washington vào mùa hè năm ngoái.
Hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng tăng cường vai trò dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân thông qua việc cung cấp biện pháp bảo vệ cần thiết để giúp Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn hạt nhân”.
Theo Viện Năng lượng hạt nhân Hoa Kỳ, thỏa thuận này giúp tạo ra hàng ngàn việc làm và đóng góp 10-20 tỷ đô la vào giá trị xuất khẩu cho quốc gia này.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có lò phản ứng hạt nhân. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân để có thể sản xuất đến 14.800 megawatt điện và đáp ứng từ 20% đến 30% nhu cầu tiêu thụ điện của quốc gia đến năm 2050.
Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác hạt nhân Việt Nam với Nga, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada.