Tiếp tục nắn dòng chảy tín dụng

Anh Khoa| 27/04/2021 06:20

Tăng trưởng tín dụng đã đạt kết quả khá tích cực trong quý I/2021, cùng với đà hồi phục lạc quan của nền kinh tế. Dù vậy, ngoài nguy cơ tín dụng có thể rót vào các  kênh đầu tư rủi ro, cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng (NH) vẫn đang có sự phân hóa lớn giữa các nhóm doanh nghiệp (DN).

Kinh tế phục hồi: Tín dụng "đi theo"

Sau khi tăng 0,76% trong tháng 1, bất ngờ giảm 0,66% trong tháng 2 do dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3 đã trở lại, lên 2,93% so với đầu năm, cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm 2020, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra trong năm nay.

Dù nhu cầu vay vốn trong quý I thường khá thấp, do khách hàng có xu hướng trả nợ trước Tết Nguyên đán cũng như tâm lý ngại vay đầu năm, nhưng trước bối cảnh nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực, đã phần nào kéo nhu cầu tín dụng khả quan hơn so với cách đây một năm.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%. Đáng lưu ý, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 3 đã tăng 53,6 điểm, cho thấy "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất được cải thiện cùng với niềm tin kinh doanh lên mức cao nhất trong 20 tháng qua. Ở phía cầu nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bai-1-1-5866-1619509638.jpg

Nhìn vào những số liệu kinh tế với đà hồi phục ổn định, không khó hiểu khi nhu cầu vay vốn tăng trở lại. Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng trong ba tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào sản xuất - lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thủy sản đạt 2,42%, công nghiệp tăng 3,04%.

Tuy nhiên, dòng vốn cũng đang đồng thời chảy vào những lĩnh vực rủi ro, như tín dụng vào bất động sản vẫn nằm ở mức cao, 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 20% trong tổng dư nợ toàn ngành kinh tế. Có thể thấy cùng với sốt đất diễn ra ồ ạt tại nhiều địa phương, giá nhà tại một số khu vực tăng vọt từ đầu năm đến nay thì dòng vốn vay NH cũng đang chảy khá mạnh vào kênh đầu tư này.

Trong khi đó, theo NHNN, tín dụng lĩnh vực chứng khoán tháng 11, 12/2020 tăng khá nóng, sang tháng 1/2021 giảm 10%, tuy nhiên từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại. Với tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE đang dần được tháo gỡ, giúp dòng tiền ngày càng chảy vào mạnh, khả năng dòng vốn vay sẽ tiếp tục rót vào kênh đầu tư rủi ro này trong giai đoạn tới.

Nắn dòng chảy tín dụng

Dù đã có cảnh báo về bong bóng tài sản, nhưng không thể phủ nhận chính sách nới lỏng tiền tệ cùng với lãi suất thấp hiện nay không chỉ thúc đẩy nhu cầu vay vốn phục hồi trở lại ở khu vực sản xuất, kinh doanh, mà còn hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư tài sản có tính rủi ro cao. 

Dù đã có cảnh báo về bong bóng tài sản, nhưng không thể phủ nhận chính sách nới lỏng tiền tệ cùng với lãi suất thấp hiện nay không chỉ thúc đẩy nhu cầu vay vốn phục hồi trở lại ở khu vực sản xuất, kinh doanh, mà còn hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư tài sản có tính rủi ro cao.

Chính vì vậy mà người đứng đầu NHNN mới đây nhắc nhở việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro vì rủi ro của tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là rủi ro với cả hệ thống NH. Theo đó, các TCTD cũng phải tự điều hành dư nợ tín dụng sao cho lành mạnh, tăng đi đôi với chất lượng, phù hợp với nguồn vốn, phòng ngừa rủi ro chênh lệch tỷ giá, ngoại tệ để TCTD đủ khả năng chi trả.

Cũng cần lưu ý, không phải ai cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay và hưởng lợi từ tiền rẻ hiện nay. Tiền nhiều, lãi suất thấp nhưng các điều kiện, tiêu chuẩn cho vay không hề dễ. Trong khi những DN lớn không chỉ có nhiều lợi thế để tiếp cận các khoản tín dụng từ NH, mà còn có thể được hưởng lãi suất ưu đãi, thì DN nhỏ vẫn trong tình trạng khát vốn bởi "cánh cửa" NH vẫn quá hẹp đối với họ.

Chẳng những vậy, DN lớn nếu không vay vốn NH vẫn còn con đường phát hành trái phiếu, hoặc nếu đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì có thể phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.Ngược lại, DN nhỏ ít có lợi thế do không sở hữu nhiều tài sản để bảo đảm khoản vay, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra từ phía NH, cũng như hiệu quả kinh doanh phần nào sa sút bởi đại dịch, khiến khả năng tìm nguồn vốn tài trợ càng bị thu hẹp.

Chính vì vậy, ngoài chính sách hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, những lĩnh vực ưu tiên; hạn chế, kiểm soát vốn vào các kênh đầu tư tài sản có tính rủi ro, NHNN có lẽ cũng cần có chính sách hóa giải tình trạng thiếu vốn của DN nhỏ và vừa, khi nhóm này chiếm đến 98% lực lượng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp tục nắn dòng chảy tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO