Bản tin chiều 4/7: TP.HCM tháo gỡ vướng mắc việc cấp sổ hồng cho 17 dự án chung cư
Tin tức nổi bật chiều 4/7: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy mới; Hải quan phát hiện gần 8.600 vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm; TP.HCM tháo gỡ vướng mắc việc cấp sổ hồng cho 17 dự án chung cư; Thanh Hóa xây 39 khu tái định cư phục vụ dự án đường sắt Bắc - Nam; Rà soát từng trường hợp có hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường trong tháng 6... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Hải quan phát hiện gần 8.600 vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm, ngành hải quan triển khai quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan đang tích cực gia tăng hiệu quả trong công tác kiểm soát hải quan. Đáng chú ý, từ ngày 15/12/2024 đến 14/6/2025, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.561 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 13.614 tỷ đồng. Qua đó, nộp ngân sách Nhà nước gần 461,36 tỷ đồng; khởi tố 8 vụ án và chuyển cơ quan chức năng kiến nghị khởi tố 54 vụ việc.

Riêng về ma tuý, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy bắt giữ: 103 vụ, 110 đối tượng (trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 43 vụ; Công an 42 vụ; Bộ đội Biên phòng 18 vụ). Tổng số lượng tang vật thu giữ được khoảng 2 tấn ma tuý các loại (nhiều hơn 94,7 % so với tổng số ma túy thu giữ cùng kỳ năm 2024), gồm: 1.471kg ketamine; 401,7gram thuốc phiện; 122,39kg cần sa; 32,6kg heroin; 1,86kg cocain; 273,53kg và 1.899 viên ma túy tổng hợp; 106kg và 60.000 viên ma tuý khác.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến đường biển chiếm tới 53,2% tổng số vụ vi phạm, tập trung tại các cảng biển lớn với các hành vi khai sai tên hàng, mã số, chủng loại, trị giá hải quan và gian lận xuất xứ.
TP.HCM tháo gỡ vướng mắc việc cấp sổ hồng cho 17 dự án chung cư
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đang khẩn trương rà soát 17 dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng), do chưa xác định rõ nghĩa vụ tài chính phát sinh từ phần quỹ nhà tái định cư mà thành phố không còn nhu cầu mua lại.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 17 dự án nhà ở thương mại với hơn 2.300 căn nhà và đất bị ảnh hưởng bởi vướng mắc này. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn như Ehome 3 (200 căn), RivaPark (300 căn), Hà Đô Centrosa (200 căn), An Hội 3 (288 căn)… đều chưa thể cấp sổ hồng cho cư dân dù nhà đã bàn giao từ lâu.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo các văn bản pháp lý được phê duyệt qua nhiều thời kỳ, chủ đầu tư có trách nhiệm bán lại một phần sản phẩm dự án cho TP.HCM để phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, khi thành phố không thực hiện mua phần quỹ nhà này và chủ đầu tư chuyển sang kinh doanh thương mại, đã phát sinh vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính
Thanh Hóa xây 39 khu tái định cư phục vụ dự án đường sắt Bắc - Nam
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng và cần thu hồi tại Thanh Hóa là hơn 572ha (trong đó có 91,5ha đất ở, 481 ha đất nông nghiệp và đất khác). Dự kiến có khoảng 2.107 hộ dân phải di dời và bố trí tái định cư. Ngoài ra, khoảng 41 công trình gồm cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng sẽ phải di dời.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về triển khai dự án, tỉnh Thanh Hóa đang đầu tư xây dựng hạ tầng cho 39 khu tái định cư tại 16 phường, xã với tổng diện tích khoảng 300ha, tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 3.873 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại thôn Mỹ Phong, xã Công Chính; hoàn tất các thủ tục, phê duyệt thiết kế và đang giải phóng mặt bằng tại 8 khu. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết và đang triển khai lập dự án tại 1 khu; đang lập quy hoạch chi tiết cho 28 khu; xin ý kiến nhân dân về vị trí xây dựng 1 khu tại xã Trung Chính...
Các xã, phường trên cơ sở hồ sơ đã lập đang tập trung rà soát chuẩn xác diện tích các loại đất bị ảnh hưởng, số hộ bị ảnh hưởng, đặc biệt là diện tích đất ở, số hộ phải bố trí tái định cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh và công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng để làm cơ sở xác định quy mô khu tái định cư. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang giao cho các ngành chức năng, nghiên cứu ưu tiên bố trí quỹ đất xung quanh khu vực ga hành khách để phát triển các khu đô thị, khu chức năng theo định hướng phát triển triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn làm hạt nhân trung tâm kết nối đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi vận hành bộ máy mới
Ngày 4/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính; dự thảo báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII từ tháng 11/2024 đến tháng 7/2025.

Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) phải được thực hiện thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị đoàn thể Trung ương tập trung rà soát sắp xếp tổ chức lại các đầu mối đảm bảo hoạt động thông suốt, hoạt động hiệu lực hiệu quả, gần dân, sát dân và bám cơ sở, kịp thời sắp xếp lại các hội quần chúng thật tinh gọn và theo dõi nắm chắc tình hình, triển khai hoạt động các mô hình của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, các hội quần chúng theo mô hình đơn vị hành chính 2 cấp, chủ động đề xuất phương án căn cơ để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế đảm bảo hoạt động thông suốt đạt yêu cầu đề ra.
Rà soát từng trường hợp có hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường trong tháng 6
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã có văn bản yêu cầu các tổng công ty điện lực chỉ đạo các công ty điện lực nghiêm túc rà soát các trường hợp khách hàng có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong kỳ hóa đơn tháng 6/2025. Phải kịp thời cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng cho khách hàng. Đồng thời, tuyên truyền rõ cách tính toán hóa đơn tháng 6/2025; các thay đổi trong việc phát hành hóa đơn, quản lý hợp đồng và thu tiền điện của các công ty điện lực trước và sau sáp nhập.

Cung cấp thông tin về các giải pháp giám sát chỉ số điện năng hàng ngày/hàng tháng qua App/Web CSKH và hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả... Trách nhiệm xử lý thông tin, EVN giao lãnh đạo tổng công ty điện lực, giám đốc công ty điện lực trực tiếp chỉ đạo, trao đổi với khách hàng hoặc cử cán bộ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng giải đáp các kiến nghị của khách hàng khi tiếp nhận phản ánh về hóa đơn tăng bất thường.
Giám đốc các công ty điện lực chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết kiến nghị của khách hàng. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng còn kéo dài, EVN cũng mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân, các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 - 15h00), tối (từ 19h00- 23h00).
Đề xuất doanh nghiệp mỹ phẩm phải kiểm nghiệm ít nhất 6 tháng/lần
Góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm đang được Bộ Y tế xin ý kiến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định tại Điều 63.9 yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm nghiệm sản phẩm tối thiểu 6 tháng/lần tại hệ thống kiểm nghiệm Nhà nước là không cần thiết, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy.

Theo VCCI, mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được thực thi hiệu quả thông qua Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN). Tất cả sản phẩm mỹ phẩm phải được sản xuất theo tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, đồng thời thực hiện đánh giá độ ổn định để đảm bảo chất lượng, an toàn trong suốt thời gian sử dụng. Dự thảo cũng đã quy định rõ tại Điều 52.11: nếu sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn CGMP-ASEAN, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Phiếu công bố. Do vậy, việc bổ sung thêm yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông là dư thừa, không cần thiết.
Về tính hiệu quả, việc kiểm nghiệm được thực hiện trên mẫu do chính doanh nghiệp gửi đi, dẫn đến nguy cơ không phản ánh đúng chất lượng sản phẩm thực tế trên thị trường. Cách tiếp cận này được cho là đi ngược với xu hướng quản lý hiện đại, khi nhiều quốc gia thuộc EU và ASEAN đã chuyển sang hậu kiểm khách quan, thông qua lấy mẫu trực tiếp từ thị trường và áp dụng hệ thống phân loại rủi ro. Đây là phương pháp giúp nâng cao hiệu quả giám sát thực chất, thay vì kiểm nghiệm hình thức.
Tập đoàn PepsiCo sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Sáng 4/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Eugene Willemsen, Tổng Giám đốc điều hành khối đồ uống quốc tế và Phó Chủ tịch điều hành PepsiCo toàn cầu. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đề nghị PepsiCo mở rộng hợp tác đầu tư, đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp Hoa Kỳ và đối tác của Tập đoàn tăng cường đầu tư vào Việt Nam; có tiếng nói và thúc đẩy Chính quyền Hoa Kỳ có chính sách thuế thuận lợi hơn đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam; hỗ trợ chuyển giao tri thức, các giải pháp công nghệ, mô hình quản trị để giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động kinh doanh bền vững, hiệu quả tại Việt Nam, Phó Thủ tướng khuyến khích PepsiCo tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa - xã hội, bảo đảm các chính sách cho người lao động Việt Nam làm việc tại Tập đoàn.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của Phó Thủ tướng, ông Eugene Willemsen đánh giá cao nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam và cảm nhận được rõ rệt những thành tựu đó trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Khẳng định tham vọng tăng trưởng của Việt Nam tương đồng với động lực, chiến lược, định hướng phát triển của PepsiCo, ông Eugene Willemsen cho biết, Tập đoàn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Bên cạnh đó, PepsiCo cũng đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, chuyển đổi số.
Cả nước sẽ có 1.636 km đường ven biển vào cuối năm 2025
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ ven biển. Theo đó, tuyến đường bộ ven biển đã được định hướng trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, có tổng chiều dài 2.838 km, quy mô tối thiểu đường cấp III, IV. Hướng tuyến của tuyến đường bộ ven biển được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa các tuyến quốc lộ (khoảng 623 km thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ) và các tuyến đường địa phương (khoảng 2.215 km thuộc quy hoạch tỉnh).

Tuyến đường bộ ven biển không thuộc hệ thống quốc lộ (trừ các đoạn tận dụng đi trùng quốc lộ, cao tốc) nên theo các quy định pháp luật về đường bộ, ngân sách nhà nước, các địa phương có thẩm quyền quy hoạch, quản lý, đầu tư, bảo trì tuyến đường bộ ven biển.
Tính đến tháng 6/2025, trên toàn quốc đã đưa vào khai thác khoảng 1.397 km (bao gồm 595 km đoạn trùng quốc lộ; 802 km đoạn trùng với đường địa phương). Hiện, các địa phương đang thi công xây dựng khoảng 633 km, dự kiến trong năm 2025 hoàn thành khoảng 239 km và hoàn thành sau năm 2025 khoảng 394 km.