Tiền mặt "lên ngôi" thời khủng hoảng

Gia Lê| 23/03/2020 06:05

Trong tình hình rủi ro tràn ngập như hiện nay, không ít nhà đầu tư quay lại với phương châm "Cash is king" - tiền mặt là vua...

Tiền mặt

Trong kinh doanh, tiền mặt luôn phản ánh tình trạng và cấu trúc tài sản trong bảng cân đối kế toán, với ý nghĩa là loại tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao nhất.

Trước tình trạng nền kinh tế rơi vào trì trệ, nợ xấu có khả năng gia tăng, công nợ, khoản phải thu có nguy cơ trở nên khó đòi, thì việc ưu tiên nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp vào lúc này được xem là một chính sách phù hợp. Thực tế cho thấy, thế giới kinh doanh đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp khi tính toán trên sổ sách thì có lãi, nhưng vì không đủ tiền mặt để thanh toán các khoản công nợ tới hạn nên bị phá sản.

Còn trong đầu tư, diễn biến bán tháo của hầu hết các loại tài sản trong những ngày qua càng khẳng định nguyên lý "tiền mặt là vua" đang chiếm ưu thế. Việc tài sản rủi ro như chứng khoán bị bán tháo liên tiếp còn có thể hiểu được, nhưng ngay cả những tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu cũng không thoát khỏi số phận chung đã gây khó hiểu cho nhiều người.

Link bài viết

Cụ thể, trong những ngày chứng khoán Mỹ giảm hàng nghìn điểm, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm mạnh lãi suất và bơm tiền ồ ạt, thì thị trường vàng - tài sản vốn được xem hưởng lợi nhiều nhất khi khủng hoảng và nới lỏng tiền tệ, bỗng nhiên giảm mạnh sau một thời gian dài tăng giá. 

Đơn cử như trong tuần 2-6/3/2020, giá vàng thế giới sau khi chạm mức trên 1.700 USD/ounce, sau đó đã liên tiếp rớt về vùng gần 1.500 USD/ounce, tức mất tương đương gần 12% chỉ trong 5 phiên giao dịch.

Các nhà phân tích cho rằng, giới đầu tư buộc phải bán vàng để trả các khoản vay ký quỹ khi giá trị danh mục cổ phiếu bị tổn thương nghiêm trọng, đồng thời họ xem nắm giữ tiền mặt là ưu tiên cao nhất vào lúc này.

Diễn biến tương tự cũng xảy đến với thị trường trái phiếu, dù việc bán tháo cổ phiếu vẫn tiếp tục, nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bất ngờ tăng trở lại, tức giá trái phiếu giảm do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tài sản này. Điều này cho thấy thanh khoản trên thị trường trái phiếu đang cạn kiệt dù được xem là thị trường có tính thanh khoản dồi dào, khiến nhiều người tìm cách thoát các thị trường bằng mọi giá.

Trong khi đó, thị trường tiền mật mã thậm chí còn lao dốc mạnh hơn, dù trước đây có một số ý kiến cho rằng đây có thể là kênh đầu tư an toàn khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. Giá Bitcoin có mức giảm mạnh nhất trong 7 năm vào ngày 12/3/2020, hiện chỉ còn quanh 5.000 USD/BTC và giảm gần 50% trong vòng 30 ngày qua. Các đồng tiền mật mã nổi tiếng khác như Ethereum hay Ripple cũng không tránh khỏi số phận tương tự.

Giới phân tích tin rằng, giới đầu tư đang bán những gì có thể trong một thị trường rối loạn, khi mà vào thời điểm này, không có khoản đầu tư nào thật sự an toàn và chỉ có tiền mặt là chắc chắn nhất.

Thực tế cho thấy, khi tâm lý hoảng loạn bao trùm các thị trường, giới đầu tư thường hành động theo phương châm "khi bạn không thể bán thứ mà bạn muốn, hãy bán thứ mà bạn có thể". Đơn cử như trong đầu tư chứng khoán, không ít người chọn bán mã cổ phiếu đang có lời trong danh mục và vẫn tìm cách giữ lại cổ phiếu đang bị lỗ, do không muốn hiện thực hóa những khoản lỗ quá lớn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền mặt "lên ngôi" thời khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO