Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đầu năm 2022 thanh khoản của TTCK đạt giá trị giao dịch bình quân 31.000 tỷ đồng/phiên, nhưng đến tháng 5/2022 đã sụt giảm chỉ còn khoảng 17.700 tỷ đồng/phiên, điều này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Áp lực lạm phát trong nước gia tăng (có những dự báo năm 2022 khoảng 3,8-4,2%) khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng đã thu hút bớt dòng tiền quay lại ngân hàng thay vì đổ vào TTCK. Sản xuất, kinh doanh hồi phục, dòng tiền cũng sẽ rút bớt khỏi TTCK để chảy về kênh đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Những yếu tố nêu trên dự báo sẽ khiến TTCK nửa cuối năm 2022 khó có thể hồi phục tăng trưởng nhanh như thời gian trước. Bà Tạ Thanh Bình nhận định, VN-Index trong nửa cuối năm 2022 có thể quay về mốc 1.100 điểm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù TTCK đã giảm điểm mạnh, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng cổ phiếu, số tài khoản chứng khoán vẫn tăng mạnh và đã đạt mốc 5,7 triệu tài khoản. Những yếu tố này cho thấy, nhà đầu tư vẫn khá quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán. Trong trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng bởi nền kinh tế ổn định, công tác chống dịch hiệu quả, kinh tế đang trên đà hồi phục tốt.
Sau thời gian tăng mạnh, TTCK 6 tháng đầu năm 2022 đã giảm điểm tương đối mạnh, chỉ số VN-Index từ đầu năm 2022 đến nay đã giảm khoảng 20%, chỉ số HNX-Index giảm khoảng 40%. Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong một số ngành nghề quan trọng khó hồi phục, thậm chí bị giảm giá. Dù vậy, vẫn có ý kiến nhận định, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK năm 2022 vẫn khả quan và tăng trưởng tích cực từ 20-25%, chỉ số VN-Index trong nửa cuối năm 2022 có thể dao động từ 1.400-1.600 điểm.
Rủi ro trên TTCK hiện nay vẫn còn đáng kể bởi hiện tượng sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức (cho vay ký quỹ margin), đầu cơ, tâm lý đám đông... song theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cổ phiếu cơ bản vẫn là kênh đầu tư tích cực, tiếp đến bất động sản, trái phiếu, tiền gửi. Điều quan trọng là các nhà đầu tư cần xác định và thực hiện tốt quản lý rủi ro, có chiến lược đầu tư thích hợp, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong bối cảnh TTCK cơ hội sinh lời và rủi ro đan xen, nhà đầu tư nên lựa chọn nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ (mô hình và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ít chịu sự tác động của các yếu tố biến động kinh tế) để đầu tư (điện, nước, hàng tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm, bảo hiểm). Tuy nhiên, cần chọn cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh ổn định, tỷ lệ thâm dụng vốn, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính thấp.
Ngoài đầu tư cổ phiếu phòng thủ, theo bà Trần Khánh Hiền, nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược đầu tư phòng thủ mang tính linh hoạt. Nếu chỉ chọn cổ phiếu phòng thủ đầu tư, tuy có tính an toàn hơn, nhưng mức độ hấp dẫn về lợi nhuận không cao, khó bán, tính thanh khoản thấp. Nếu thực hiện chiến lược đầu tư phòng thủ, nhà đầu tư có thể chọn một số cổ phiếu đầu ngành trong nhóm cổ phiếu phòng thủ cùng với một số cổ phiếu khác để đầu tư, như vậy sẽ linh hoạt trong tìm kiếm lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro. Nguyên tắc thực hiện chiến lược đầu tư phòng thủ vẫn cần tuân thủ những kỷ luật đầu tư nhất định, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ông Lê Công Hội - một nhà đầu tư chứng khoán phái sinh có nhiều kinh nghiệm chia sẻ: "Khi đầu tư chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư cần dự liệu tình huống giao dịch có các mốc hỗ trợ để mở lệnh, đóng lệnh, phân bổ tỷ lệ lệnh hợp lý, chỉ tăng lệnh khi có lãi. Cần tuân thủ nguyên tắc đầu tư độc lập, quản lý cảm xúc tốt, tuyệt đối không vào lệnh theo cảm tính, không bị cuốn theo tâm lý thị trường do chứng khoán phái sinh biến động nhanh, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, nếu vào lệnh sai sẽ dẫn đến thua lỗ lớn.