Đạo diễn Phạm Thanh Hải |
Thế nhưng, Phạm Thanh Hải lại thường tự hào khi nhận mình là “con buôn”. Gần đây, anh hay định danh mình với cụm từ filmpreneur - kết hợp từ chữ film (điện ảnh) và viết tắt của chữ entrepreneur (nhà khởi nghiệp với những ý tưởng táo bạo, không ngại thử thách).
Xuất thân là dân quản trị điều hành, thiên về kinh doanh, chiến lược; lại gắn bó với mảng điện ảnh đủ lâu với nhiều dự án lớn từ hồi còn là thành viên chủ chốt của đội ngũ điều hành Studio68 (của diễn viên Ngô Thanh Vân), Phạm Thanh Hải luôn ấp ủ những ý tưởng và dự án đột phá trong nghề.
Năm 2020, trong khi ngành điện ảnh trong nước và thế giới gần như đóng băng vì đại dịch, Phạm Thanh Hải đã “thần tốc” ra mắt sản phẩm phim điện ảnh đầu tay được thực hiện ngay trong mùa lockdown. Đặc biệt, lần ấy không phải với tư cách quản trị danh mục đầu tư mà là vai trò đạo diễn kiêm sản xuất, kiêm biên kịch. Phạm Thanh Hải được chú ý với mô hình sản xuất tinh gọn, thực hiện được nhiệm vụ gần như bất khả trong điều kiện thời gian quay chỉ vỏn vẹn 22 ngày, thời gian dựng tầm 1 tháng, ngân sách hạn chế và ê-kíp tham gia hầu hết là những gương mặt mới trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Dù phim chỉ trụ rạp không lâu do giãn cách dịch Covid-19 nhưng đã để lại dấu ấn ít nhiều về phong cách tác giả cũng như dòng phim giải trí độc lập mà anh theo đuổi và muốn định danh. Đặc biệt, Phạm Thanh Hải chứng minh được tính khả thi của mô hình sản xuất vừa và nhỏ, ngay trong thời điểm cả thế giới lao đao.
Phạm Thanh Hải và ê kíp làm phim |
Ai cũng có quyền kể một câu chuyện
Phạm Thanh Hải cho biết: “Sau khi tách ra khỏi Studio68, tôi mất đến bốn năm loay hoay xây dựng đội ngũ để triển khai dự án. Định hướng của tôi là tập trung vào dòng phim giải trí độc lập, với sự kết hợp giữa tính giải trí và tính độc lập. Điện ảnh cần nhiều bộ phim giải trí với tiếng nói đa dạng, mang dấu ấn cá nhân hơn là những sản phẩm giải trí được làm theo công thức “đo ni đóng giày” cho thị trường. Trong quá trình đó, tôi cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm ê-kíp và đạo diễn trẻ có cùng tiếng nói. Từ đó, tôi mới phải vào cuộc làm... demo mẫu cho mọi người nhìn vào. Càng gắn bó với nghề ở nhiều vai trò, tôi càng thấy đúng là điện ảnh có sự thu hút và ma thuật của nó”.
Cụ thể, “với việc sản xuất phim thì sự mê hoặc nằm ở chỗ mình tạo ra được một thứ gì đó rất cụ thể, rõ ràng. Những ý tưởng hiện hình ra câu chuyện làm mình đắm chìm vào đó. Mặt khác, tinh thần chiến đấu của ê-kíp dễ làm mình liên tưởng đến lửa của tuổi trẻ. Nó khai sáng rằng ai cũng có quyền kể một câu chuyện. Cách kể hay hoặc chưa hay sẽ do nhiều thứ nhưng trong thế giới ngày nay, điện thoại và internet đã giúp mọi người kể câu chuyện của mình một cách dễ dàng. Đó là cái quyền cần được bảo vệ và trân trọng”, anh cho biết thêm.
Gặp Phạm Thanh Hải, khó mà hình dung một người thuộc mẫu làm việc với những con số chính xác lại luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo. Số kịch bản mà anh xây dựng và chào mời dự án cho đến nay không phải là ít. Trong số đó, anh được bạn bè trong nghề đánh giá cao ý tưởng và tính triển vọng của một số kịch bản hay. Tuy vậy, vẫn là một người rất thực tế, Hải cho rằng “Những kịch bản ấy mình sẽ đợi khi thật chín muồi, vì nó lớn hơn tầm của mình hiện tại, và cần một sự đầu tư xứng đáng hơn”. Câu trả lời cho thấy rõ một tố chất kiên định “rình mồi” kiểu sói, đúng như nick name facebook của anh: Sói Bự.
Dù kịch bản có trước hay sau khi xây dựng dự án, với cách tư duy của một người dễ dàng “nhảy số” trong đầu, Hải luôn coi trọng tính khả thi và sự sống còn của một dự án. Anh cho biết, lý do các nhà đầu tư tin tưởng bật đèn xanh cho dự án của anh là vì “Mình đưa ra được mô hình kinh doanh và những con số, dựa vào thông số hiện có trên thị trường để so sánh. Mình nhận định được những điều đã làm được và chưa làm được. Mình thành thật đủ với các nhà đầu tư để họ thấy điều mình làm là có cơ sở”.
Dám thử nghiệm cái mới
Nếu dự án đầu tay với tư cách đạo diễn – “Hoa Phong Nguyệt Vũ” - đạo diễn Phạm Thanh Hải thử nghiệm mô hình sản xuất thì lần này với dự án “Chó Săn”, anh thử nghiệm về mô hình đầu tư. Có thể nói Phạm Thanh Hải là một trong những đạo diễn đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm mô hình gọi vốn đầu tư phim, thông qua nền tảng blockchain. “Chó săn” đã kêu gọi vốn trên platform (nền tảng) NFT5 của Remitano và đang được hưởng ứng khá hào hứng, sôi nổi ngay từ giai đoạn khởi phát.
Theo lời đạo diễn, bản chất của nền tảng công nghệ này là sự giao kèo giữa nhà đầu tư và người sản xuất. Nó như một phần mềm công cụ để quản lý gọn gàng, thông minh hơn chứ không hề mang tính huyễn hoặc. Thế mạnh của nó là giúp người làm phim chủ động hơn nhiều để tiếp cận lượng fanvester của thị trường trong nước. Mô hình này cũng giúp phá vỡ vòng tròn hiện giờ khi phim ảnh chỉ có một vài nhà đầu tư và các dự án chỉ tập trung ở các hãng phim lớn.
Ngoài việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng của thế giới khi đầu tư vào “điện ảnh blockchain”, Phạm Thanh Hải cũng là đạo diễn có mối quan hệ khá tốt với các nhà làm phim quốc tế. Chẳng hạn, với dự án “Chó Săn” lần này, anh tạo ấn tượng khi lần đầu tiên ở Việt Nam, một bộ phim Việt có sự tham gia của võ sư - diễn viên - đạo diễn hành động nổi tiếng người Hà Lan Ron Smoorenburg, trong vai trò diễn xuất và vị trí đạo diễn hành động.
Tính đến nay, Ron Smoorenburg đã tham gia hỗ trợ đóng thế các pha nguy hiểm với 44 phim hành động lớn nhỏ, cùng 69 vai diễn ở khắp nền điện ảnh Đông & Tây. Trong suốt sự nghiệp của mình, Ron đã từng hợp tác với nhiều tên tuổi lớn của dòng phim hành động võ thuật tầm cỡ quốc tế, như: Thành Long, Tony Jaa, Jean-Claude Van Damme, Chân Tử Đan, Iko Uwais, Steven Seagal, Scott Adkins...
Phạm Thanh Hải chia sẻ: “Ron là một chiến binh không ngừng nghỉ trong mảng phim hành động. Rất đáng mừng là thị trường Việt Nam hiện nay đủ hứng thú để anh dấn thân. Làm việc với Ron là một điều may mắn, tôi cảm thấy mình như được “chúc phúc” ngay trong giai đoạn khởi động dự án. Từ anh Ron, chúng tôi được giới thiệu với nhiều mối quan hệ quốc tế về diễn viên, chuyên gia, producer nổi tiếng. Có thể họ chưa xuất hiện trong dự án lần này nhưng sẽ là tiền đề để các dự án sau được kết nối. Tôi nghĩ đó là điểm khá thu hút với các nhà đầu tư, vì nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng ở những dự án giải trí độc lập như thế này".
Ngoài việc chuẩn bị cho dự án điện ảnh thứ hai của mình, Phạm Thanh Hải vẫn dành thời gian đi dạy tại một số trường đại học cũng như tham gia tư vấn, hợp tác bảo trợ, làm giám khảo cho một số cuộc thi ở Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM (UEF). Anh nổi tiếng là giảng viên được săn đón trong khối kinh tế - tài chính với nền tảng thạc sĩ kinh tế ở Trường ĐH United Business Institute (UBI) danh giá, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều mảng khác nhau và cũng là đối tác sáng tạo của một agency có tiếng ở TP. HCM.