Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên: Sai đâu, sửa đó…
Nhà sử học Dương Trung Quốc xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong nhóm 5 “thằng khùng đáng yêu nhất Việt Nam” vì ông luôn nghĩ khác, làm khác. Người đời bảo ông hoang tưởng, vĩ cuồng, lộng ngôn… nhưng ông “Kệ. Ai nói, cứ nói. Mình làm, cứ làm”, thất bại thì làm lại. Và bí quyết thành công của ông là “không từ bỏ khát vọng”.
Sau vụ ly hôn ồn ào, ông Vũ ít xuất hiện trước báo giới. Khi ngỏ ý muốn gặp ông chuyện trò, một nhân viên truyền thông nói: “Muốn gặp Chủ tịch Vũ phải lên núi - nơi ông đang thiền định, tịnh khẩu”.
Sự “ẩn mình” quá lâu trong nhiều năm lên núi ở ẩn khiến nhiều lời đồn thổi, thêu dệt và hoài nghi về ông: Phải chăng Đặng Lê Nguyên Vũ đã buông bỏ những ý tưởng vĩ cuồng, chán nghiệp thương trường và bỏ cuộc chơi?
Nhưng nếu vậy sẽ không còn là Đặng Lê Nguyên Vũ.
Suốt 5 năm vắng bóng ngoài đời nhưng ông vẫn liên tục làm việc. Ông Vũ cùng một người bạn tâm đắc là giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm lặn lội khắp 5 châu, gặp gỡ tranh luận với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, những bác học tầm cỡ, rồi về lại M’Đrắk ngày đêm đọc, viết, biên soạn, chọn lọc 100 đầu sách quý, 100 bộ phim hay để lập “Thư viện ánh sáng”, kiên định mục tiêu đã chọn.
Nói về bí quyết thành công của Đặng Lê Nguyên Vũ, Tạp chí Forbes từng khắc họa ông là một nhân vật “zero to hero” (từ vô danh đến anh hùng) khi gầy dựng thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước mà ra thế giới.
Nhưng nếu chỉ là xây dựng một thương hiệu có sức trường tồn vài chục năm hay lan tỏa ra hơn 60 nước trên thế giới thì cũng chẳng có gì đặc biệt với nhiều doanh nhân thời nay. Cái khác của Đặng Lê Nguyên Vũ là ngay khi mới 25 tuổi, còn là một thanh niên non trẻ thương trường, không tiền, nhiều khó khăn bủa vây nhưng vẫn đặt cho mình 3 khát vọng lớn: đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu, định vị thương hiệu cà phê Việt Nam với thế giới và xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê của thế giới.
Ngày đầu khởi sự Trung Nguyên, tiền vay, quán mướn, hạt cà phê nguyên liệu phải xin ứng trước trả tiền sau, kinh nghiệm thương trường là số 0, nhóm khởi nghiệp của Vũ bỏ cuộc. Nhưng Vũ thì không. Ông tiếp tục ôm giấc mơ đi tiếp. Hành trình để Đặng Lê Nguyên Vũ trở thành ông “vua cà phê” Trung Nguyên, có trong tay cả trăm nghìn tỷ là hành trình nếm trải nhiều phen thất bại, bầm dập tả tơi nhưng vẫn không bỏ cuộc.
Sau thất bại đầu tiên, sự kiên trì đã giúp Vũ chạm tay đến thành công khi trở thành người Việt đầu tiên triển khai được cả một hệ thống quán cà phê nhượng quyền trong và ngoài nước.
Khi thị trường cà phê hòa tan Việt Nam đang bị thống lĩnh bởi hai ông lớn là Nescafe (Thụy Sĩ) và Vinacafe, ông Vũ đã dám thách thức người khổng lồ Thụy Sĩ. Năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử một thương hiệu Việt Nam chưa có tên tuổi đã tổ chức một cuộc thi thử mùi cùng với Nescafe. Kết quả G7 có tới 89% người uống lựa chọn và chiến thắng, trở thành một trong 3 thương hiệu hàng đầu thị trường cà phê hòa tan Việt (cùng với Vinacafe và Nestle).
Năm 2005, Trung Nguyên là hãng sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Năm 2010, xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên thế giới. Khi ông lớn cà phê thế giới Starbucks vào Việt Nam, ông Vũ lại mạnh dạn tạo thế ngang bằng với đối thủ bằng việc mua lại một số nhà máy rang xay cà phê tại Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seatle, New York, Boston…
Song khát vọng càng lớn, chông gai càng nhiều, thất bại càng trong gang tấc. Chỉ có điều là sau mỗi thất bại, ông chủ Trung Nguyên lại mạnh mẽ hơn để chọn cho mình con đường đi mới.
Chọn chiến lược chỉ đua với người đứng đầu, ông Vũ đã mở hơn 500 cửa hàng G7 Mart nhưng thất bại.
Song với ông Vũ, có lẽ bí quyết thành công “Không bỏ cuộc” là chưa đủ đúng. Bởi dù tiếp tục bị mất mát, nhiều ý tưởng chưa có quả ngọt nhưng ông vẫn không ngừng khát vọng và sáng tạo. Một không gian thiền cà phê dành cho việc thưởng lãm, trải nghiệm văn minh cà phê thiền đã được ông đưa vào mô hình “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” để mọi người được trải nghiệm thanh lọc về thân - tâm - trí; học cách tạo tác và thưởng lãm những ly cà phê với tinh thần hòa - kính - thanh - tịnh - trách nhiệm và tôn tạo trong thanh âm của sự tỉnh thức, bởi những bản nhạc thuộc dòng nhạc chữa lành.
Đem mô hình “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” khai phá thị trường Trung Quốc, Trung Nguyên đã mở được hai cửa hàng tại Thượng Hải và tiếp tục hành trình đưa cà phê Việt Nam ra thế giới gồm Hàn Quốc, Đông Nam Á, Mỹ, Dubai…
Theo Đặng Lê Nguyên Vũ, nếu không dũng cảm tiến ra biển lớn, đón đầu các con sóng dữ, thì doanh nghiệp Việt Nam mãi mãi chỉ loay hoay tự sướng trong “ao nhà”.
Hiện cửa hàng “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” đã vào top 1 quán cà phê toàn Thượng Hải hạng mục “Must Try” (nhất định phải thử); top 1 cửa hàng cà phê hot nhất tại đường Tây Nam Kinh trên ứng dụng Dazhongdianpin. Cuối năm 2022, “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” đạt hai giải thưởng của thị trường Trung Quốc là “Quán cà phê tốt nhất năm 2022” và “Quán cà phê nổi tiếng của năm”.
Hiện ông Vũ sở hữu 500 chiếc xe sang, ông nói: “Tới một lúc nào đó tiền không có ý nghĩa gì hết. Sau này sẽ đấu giá, giúp cho thanh niên khởi nghiệp”.
Nhận xét về ông Vũ với báo chí, PGS-TS. Trần Đình Thiên nói: “Đặng Lê Nguyên Vũ là một người khác thường, thậm chí phi thường và không hề vĩ cuồng một chút nào. Gần đây, tôi còn nảy sinh sự kính trọng với ông ấy, khi thấy rõ lòng yêu nước đau đáu đêm ngày của ông ấy được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng những hiến dâng rất đáng kể cho đất nước”.
Bí quyết: Phải có tinh thần chiến binh. Phải nghĩ lớn. Dù kinh doanh một sản phẩm nhỏ nhất cũng phải nghĩ sản phẩm đó sẽ bán trên toàn cầu. Sai đâu sửa đó, sai chiến lược thì sửa chiến lược, sai thực thi thì sửa thực thi. Cứ thế là tới đích.
Bài học thất bại: Lần thất bại ở miền Tây cho tôi bài học rất lớn về kinh doanh, về nguyên tắc hợp tác trên thương trường. G7 Mart không thành công là do các hạn chế về mặt hạ tầng kỹ thuật, nhân sự chuyên môn, công nghệ quản lý.Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên