Đầu tháng 7, chỉ vài ngày sau khi Didi Global Inc., phiên bản Uber của Trung Quốc, thành công trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng giá trị cổ phiếu là 4,4 tỷ USD ở New York, Văn phòng Đánh giá An ninh mạng thuộc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã chặn ứng dụng gọi xe Didi đăng ký người dùng mới. Một ngày sau, cơ quan này yêu cầu gỡ bỏ Didi khỏi các kho ứng dụng Google Play và App Store với lý do rủi ro về bảo mật và quản lý dữ liệu người dùng.
Tuy vậy, phán quyết không ngăn công ty hoạt động - khoảng hơn nửa tỷ người dùng hiện tại vẫn có thể tiếp tục đặt các chuyến đi. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty vào 6/7 đã giảm 23% xuống còn 12 USD vào lúc 9 giờ 35 phút sáng so với mức giá IPO là 14,14 USD/cổ phiếu hôm 30/6 .
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, cú tuột dốc của cổ phiếu Didi thổi bay 1,2 tỷ USD giá trị tài sản của Cheng Wei, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Didi, và thổi bay luôn 300 triệu USD tài sản của bà Jean Liu - nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Didi.
Didi là ai, và tại sao lại bị “chiếu tướng”?
Là công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc, Didi đã đánh văng Uber khỏi Trung Quốc 5 năm trước, mua lại hết các mảng hoạt động của công ty Mỹ này. Cú IPO “bom tấn” vào 10/6 là vụ IPO lớn thứ hai tại Mỹ của một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, sau Alibaba Group Holding Ltd, mang lại cho Didi giá trị thị trường khoảng 68 tỷ USD.
Tuy vậy, các tính toán bao gồm các quyền chọn cổ phiếu và các đơn vị cổ phiếu bị hạn chế bán ra khiến giá trị sơ bộ của công ty vượt quá 71 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với ước tính lên đến 100 tỷ USD như một vài tháng trước.
Giá cổ phiếu Didi thăng hoa trong khoản thời gian ngắn ngủi sau khi mới chào sàn Mỹ ngày 30/6/2021... |
Vậy nên màn chào sân ở Mỹ phản ánh sự thận trọng ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu tăng trưởng nhanh nhưng có giá đắt và cuộc chiến với các Big Tech do chính phủ khơi mào gần đây.
Didi là “quân cờ” quan trọng trong cuộc đấu “Chính phủ và Big Tech” vì công ty chiếm 88% tổng số chuyến đi trong quý IV năm 2020. Khi Didi mua lại hoạt động của Uber tại Trung Quốc vào năm 2016, công ty này đã nắm giữ 12% thị phần tại đất nước tỷ dân.
Vụ IPO của Didi tại Hoa Kỳ được dẫn dắt bởi các ngân hàng Phố Wall, và cổ đông lớn nhất của công ty là Tập đoàn SoftBank Group của Nhật Bản với hơn 20% và những người khác bao gồm ông lớn mạng xã hội Trung Quốc Tencent Holdings Ltd. Tuy nhiên, do cơ cấu sở hữu của Didi, Giám đốc điều hành Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu kiểm soát hơn 50% cổ phần quyền biểu quyết.
Trong khi Didi đã lỗ ròng 1,6 tỷ USD trên doanh thu 21,6 tỷ USD vào năm ngoái, theo hồ sơ của họ với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ. Sự đa dạng nguồn thu đã giúp công ty chống lại điều tồi tệ nhất của cuộc suy thoái do đại dịch. Công ty báo cáo thu nhập ròng 837 triệu USD trong quý I của năm 2021.
Với tốc độ tăng trưởng trong thị trường cốt lõi bắt đầu chậm lại, công ty đã nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực từ sửa chữa ô tô đến giao hàng tạp hóa và đã bơm hàng trăm triệu USD vào nghiên cứu công nghệ lái xe tự động. Công ty cũng được cho là đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ sang Tây Âu.
Cuộc điều tra nhắm đến việc gì?
Hai ngày sau khi IPO (2/7), Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết họ đang bắt đầu điều tra các vấn đề liên quan đến ninh mạng đối với Didi để ngăn chặn rủi ro bảo mật dữ liệu, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích công cộng. Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết các nhà quản lý đã yêu cầu Didi sớm nhất là ba tháng trước đó để trì hoãn vụ IPO vì lo ngại về an ninh, nhưng Didi vẫn tiếp tục tiến tới.
Không có thông tin chi tiết về việc điều tra tập trung chính xác vào vấn đề gì, khi nào hoặc ở đâu, các vi phạm bị cáo buộc đã xảy ra hoặc liệu sẽ có thêm hình phạt nào nữa hay không. Theo SCMP, quá trình điều tra thường mất 45 ngày, có thể lâu hơn và không bao gồm thời gian công ty bị điều tra giao nộp tài liệu. Quy chế nêu rõ bất cứ thành viên của văn phòng an ninh mạng có thể khởi động điều tra nếu nhận thấy rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia trong sản phẩm hoặc dịch vụ mạng.
... để rồi mất luôn mốc giá IPO tính đến thời điểm hiện tại |
Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Didi là mục tiêu đầu tiên trong cuộc điều tra như vậy khi Văn phòng đánh giá an ninh mạng còn phối hợp với 12 cơ quan của Trung Quốc, bao gồm Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, họ đang tăng cường giám sát và sửa đổi các quy tắc đối với danh sách ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc - chỉ là ví dụ mới nhất về việc các cơ quan quản lý của nước này khẳng định quyền kiểm soát đối với Big Tech.
Thời báo Hoàn cầu đã viết trong một bài xã luận rằng Didi chắc chắn có thông tin di chuyển cũng như lịch trình chi tiết nhất về các cá nhân trong số các công ty internet lớn và dường như có khả năng tiến hành “phân tích dữ liệu lớn” về hành vi và thói quen của từng cá nhân.
Để bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như an ninh quốc gia, Trung Quốc thậm chí phải nghiêm ngặt hơn trong việc giám sát bảo mật dữ liệu của Didi, vì công ty được niêm yết tại Hoa Kỳ và hai cổ đông lớn nhất của họ là các công ty nước ngoài. Trong tuyên bố hôm thứ 6/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết họ sẽ cải thiện các quy định và luật pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin bí mật.
Đích nhắm tiếp theo là ai?
Cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã mở rộng cuộc điều tra sang hai công ty khác được niêm yết tại Hoa Kỳ, nhắm mục tiêu Full Truck Alliance Co. và Kanzhun Ltd. ngay sau khi đưa ra đánh giá đối với Didi.
Đây là nước cờ đã được dự đoán trước khi vào tháng 5, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đã ra lệnh cho Didi và 9 nhà lãnh đạo khác trong lĩnh vực vận tải theo yêu cầu phải đại tu các hoạt động từ việc tăng giá tùy tiện đến đối xử không công bằng với các tài xế. Nói rộng hơn, Bắc Kinh đang khởi động một cuộc chiến sâu rộng các Big Tech của quốc gia được thiết kế để hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.
Theo CNBC, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đang chuyển hướng điều tra sang dữ liệu cá nhân vì tầm quan trọng của nó đối với ngành - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vài tháng trở lại đây, Bắc Kinh đã thẳng tay với các gã khổng lồ công nghệ trong nước, từ việc hủy niêm yết 34,5 tỷ USD của Ant Group vào 11/2020 cho đến khoản phạt chống độc quyền 2,8 tỷ USD đối với Alibaba sau khi cuộc điều tra chống độc quyền phát hiện ra công ty đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Trọng tâm chính được cho là các quy định về chống độc quyền cũng như hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).
Kể từ 2/2021, nhiều công ty Big Tech Trung Quốc đã tuột hơn 800 tỷ USD vốn hóa thị trường vì ít nhiều dính vào "cuộc chiến" chống độc quyền của chính phủ |
Chính phủ Trung Quốc đang thông qua một dự luật mới có tên “Luật bảo vệ thông tin cá nhân”, sau khi Luật Bảo mật dữ liệu vừa được thông qua trong tháng 6. Nếu dự luật mới này được phê chuẩn, nó sẽ cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu cá nhân của họ.
"Bạn không thể có một nền kinh tế kỹ thuật số nếu không có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu thật mạnh mẽ. Và nền kinh tế kỹ thuật số đang thúc đẩy kinh tế Trung Quốc, vốn đang tăng trưởng chậm lại", Kendra Schaefer, đối tác tại công ty tư vấn Trivium China cho CNBC viết.
“Chúng tôi mong đợi sẽ được chứng kiến nhiều vụ điều tra hơn nhằm vào dữ liệu người dùng ngay sau khi hai luật đó được thông qua. Đây chắc chắn là một yếu tố mà các quy định hướng đến”, Kendra Schaefer nói thêm.
Trong tháng 4, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) đã triệu tập 34 công ty bao gồm Tencent và ByteDance nhằm yêu cầu họ tự kiểm tra để tuân thủ các quy tắc chống độc quyền.
“Việc này bắt đầu từ tháng 4 và chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hơn 100 mục, yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định trong nhiều khía cạnh như chống độc quyền, dữ liệu cá nhân, quảng cáo và rất nhiều thứ khác nữa”, một luật sư làm việc cho các công ty công nghệ Trung Quốc nói với CNBC.
Trong một thập kỷ trở lại đây, những Big Tech của Trung Quốc đã phát triển thành những tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới và hầu như không bị kiểm soát bởi các quy định của chính phủ. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm bị thay đổi khi chính quyền mạnh tay trừng trị các công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tencent, Alibaba và Baidu nằm trong số các ông lớn công nghệ đầu tiên của Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán. Những công ty này được giao dịch với mức trung bình gấp 22 lần doanh thu dự báo trong 12 tháng tới. Theo dữ liệu của Bloomberg, con số này gấp 26 lần mức trung bình 10 năm.