Tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN có thể cung cấp thêm tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ. |
Tỷ giá đi xuống
Tuần qua, tỷ giá USD/VND tiếp tục rớt về 23.643đ/USD, tức giảm 22đ so với cuối tháng 11. Tính chung gần 2 tháng qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 52đ, cho thấy xu hướng đảo chiều sau khi liên tục đi lên trong 5 tháng trước, đặc biệt là mức tăng đến 181đ trong tháng 9 và 295đ trong tháng 10. Giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN hôm 16/12 cũng bất ngờ giảm 60đ, đánh dấu lần giảm thứ 5 liên tiếp trong hai tháng qua.
Đáng lưu ý, giá giao dịch USD tại các ngân hàng (NH) dù tuần qua có dấu hiệu tăng trở lại, tiến về mốc gần 24.000đ/USD, tuy nhiên so với đầu tháng vẫn ở mức giảm khá cao. Đơn cử, giá mua bán USD tại Vietcombank ngày 20/12 tăng 140đ so với ngày trước đó, nhưng nếu so với đầu tháng vẫn giảm 860đ, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên thị trường phi chính thức, với giá mua bán USD giảm tương ứng 860đ so với đầu tháng 12, hiện quanh mốc 24.000đ/USD, thu hẹp đáng kể với thị trường chính thức nếu so sánh mức chênh lệch rất lớn giữa hai thị trường ở giai đoạn trước. Điều này phản ánh cung cầu ngoại tệ đã cân bằng.
Việc tỷ giá "hạ nhiệt" trở lại diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây tăng lãi suất thêm 0,5% vào cuộc họp giữa tháng 12, cho thấy định hướng làm chậm lại quá trình nâng lãi suất của cơ quan này là có cơ sở.
Đồng USD trên thị trường thế giới cũng liên tục đi xuống thời gian gần đây, khi giới đầu tư quốc tế tin rằng dư địa nâng lãi suất của FED trong năm sau sẽ không còn nhiều, trong khi rủi ro suy thoái với kinh tế Mỹ đang đến gần hơn bao giờ hết, vì vậy triển vọng USD giảm sức hấp dẫn.
Nguồn cung ngoại tệ tiếp tục có sự cải thiện trong thời gian gần đây, đến từ thặng dư thương mại hàng hóa hay dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như lượng kiều hối cao điểm đổ về cuối năm đã hỗ trợ đáng kể cho tỷ giá. Gần đây NHNN đã niêm yết giá mua USD trở lại, cho thấy cơ quan này sau giai đoạn liên tục bán ra ngoại tệ để hỗ trợ thị trường, thời gian tới có thể gia tăng dự trữ ngoại hối khi nguồn cung ngoại tệ trong nước đang ngày càng dồi dào.
Lãi suất ổn định trở lại
Việc NHNN có thể mua ngoại tệ trở lại được xem là giải pháp hỗ trợ thanh khoản tiền đồng cho hệ thống, từ đó tạo điều kiện giúp lãi suất ổn định hơn. Cần nhớ rằng, chính sách mua ngoại tệ những năm trước đây là một trong những công cụ quan trọng để giúp ổn định lãi suất.
Gần đây, Hiệp hội Ngân hàng cho biết các NH là hội viên đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi về tối đa 9,5%/năm, cũng như có giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng. Trước đó, lãi suất huy động vốn của các NH vượt mốc 10%, thậm chí lên tới 11%/năm, gây ra những lo ngại về sự xáo trộn trong thanh khoản.
Việc NHNN nới room tín dụng, trong đó giảm lãi suất cho vay là một trong các tiêu chí để cân nhắc khi phân bổ thêm room tín dụng cho các NH trong đợt cuối năm, cũng góp phần thúc đẩy các NH giảm lãi suất. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, đến nay, đã có 16 NH cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức giảm từ 0,5-3%/năm.
Vào những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, hiện khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn tín dụng NH, vì vậy chính sách giảm lãi suất cho vay cuối năm được đánh giá rất cao từ phía khách hàng.
NHNN mới đây yêu cầu các NH phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. NH nào khó khăn không làm được thì báo cáo để có biện pháp hỗ trợ, thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, swap ngoại tệ. Cũng theo đại diện NHNN, giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ.