Cửa sổ vàng để bước ra thế giới

Nguyễn Phi Vân (*)| 21/01/2023 06:00

Chưa bao giờ ngành nhượng quyền lại rộn ràng đến thế. Sau đại dịch, tất cả sự kiện về nhượng quyền quốc tế tại các nước diễn ra cực kỳ sôi động. Người mua kẻ bán đều tấp nập như trẩy hội để tái kết nối, tìm kiếm cơ hội mới, chia sẻ những câu chuyện sáng tạo hậu Covid-19 về mô hình và kênh tiếp cận nhằm giữ cho thương hiệu tồn tại, linh hoạt hội nhập với mọi thay đổi của thị trường và hành vi tiêu dùng, chuẩn bị cho sự phát triển bùng nổ sau thời gian ngủ đông.

Giảm rủi ro bằng cộng tác 

Một trong những hậu quả lớn nhất của đại dịch là số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa ngưng hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Lý do cũng dễ hiểu là bởi vì các công ty này đa số chạy theo cơ hội kinh doanh trước mắt, tập trung bán hàng và tạo ra vòng quay doanh thu, tiền mặt để xoay sở hằng tháng. Do đó, hầu hết doanh nghiệp không quan tâm đủ đến việc xây dựng nền tảng phát triển bền vững, không chuẩn bị đủ nội lực để có thể chống chọi nhanh và kịp thời với sự biến động và rủi ro quá bất ngờ như Covid-19. 

Do đó, khi rủi ro xảy ra, họ không còn cách nào khác ngoài việc phải tạm thời rời bỏ cuộc chơi. Cũng vì vậy, có rất nhiều doanh nhân, nhà đầu tư đi tìm kiếm cơ hội mới, với hiểu biết rằng mình cần phải tham gia, gắn kết vào một hệ thống hay hệ sinh thái vững mạnh hơn, bài bản hơn, bền vững hơn. Đó là lý do vì sao ngành nhượng quyền bỗng dưng trở nên cực kỳ sôi động sau đại dịch, vì đây chính là mô hình kinh doanh cộng đồng, cho phép nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ được tham gia vào hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững, giúp giảm rủi ro cho bất kỳ ai muốn khởi sự kinh doanh với nguồn lực có phần giới hạn. Nhượng quyền cũng là hình thức phát triển kinh doanh đã được chứng minh thành công trong vòng 100 năm qua, bắt đầu tư Bắc Mỹ và lan tỏa đến mọi nơi trên thế giới. 

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhượng quyền là cách tốt nhất để có thể tăng tốc phát triển quốc tế mà không cần vốn đầu tư quá lớn. Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhận quyền, nhượng quyền giải quyết bài toán cộng tác để cộng hưởng sức mạnh và sự thành công. Vì thế, sau Covid-19, nhượng quyền đang trở thành một trong những lựa chọn đầu tư và kinh doanh được quan tâm nhất tại Việt Nam và trên thế giới. 

-5976-1673430688.jpg

Mô hình mới, cơ hội mới

Tuy vậy, mô hình nhượng quyền sau đại dịch thay đổi rất nhiều so với mô hình truyền thống, chủ yếu là cửa hàng vật lý và kinh doanh offline. Đại dịch đã dạy cho tất cả doanh nghiệp một bài học đắt giá là đầu tư nghiêm túc vào chuyển đổi số. Trước đây, do sức ép chưa quá mạnh, doanh nghiệp không ưu tiên việc xây dựng mô hình mang tính O2O - chuyển dịch mượt mà từ offline sang online hay ngược lại theo thói quen và hành trình tìm kiếm và mua hàng của khách hàng. Khi đại dịch xảy đến, doanh nghiệp rơi vào thế vỡ trận vì chưa chuẩn bị kịp các kênh bán hàng, quản trị và tương tác online. Mọi quy trình truyền thống bị đứt gãy. Và rất nhiều doanh nghiệp vì vậy mà rơi vào cảnh tạm đóng cửa. 

Nhưng cũng nhờ đó, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị nền tảng bài bản hơn, số hóa hơn bỗng được trao vị thế cạnh tranh cực gắt, giúp họ nhanh chóng hội nhập, vươn lên và thay đổi cuộc chơi. Sự sàng lọc tự nhiên này khiến cho thị trường nhượng quyền thay đổi sắc màu, chào đón những thương hiệu trẻ trung hơn nhưng hợp thời hơn, ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn và vì vậy tạo ra hiệu quả kinh doanh cao, bền vững hơn. Tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ giờ đây muốn nhượng quyền đều phải bắt đầu từ câu hỏi: Doanh nghiệp mình đã hay có đang được xây dựng để trở thành doanh nghiệp số hay không? Đây trở thành điều kiện tiên quyết nhất, cần thiết nhất đối với nhà đầu tư khi lựa chọn thương hiệu nhượng quyền. 

Bên cạnh đó, vượt qua khoảng thời gian khó khăn của đại dịch, với sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới trước các rủi ro mới về chính trị và kinh tế vĩ mô, mô hình nhượng quyền thời đại mới cũng được tái cấu trúc lại theo hướng mô hình linh hoạt có thể vận hành trong mọi điều kiện, đầu tư thấp hoặc vừa phải, hoàn vốn nhanh, với chuỗi cung ứng an toàn và bền vững. Khi đạt được những điều kiện phù hợp này, bất kỳ thương hiệu nào, bất kỳ doanh nghiệp vừa và nhỏ nào, dù tuổi đời còn rất trẻ, đều có thể tham gia ngay vào thị trường nhượng quyền quốc tế. Có thể nói, bối cảnh khó khăn của đại dịch và kinh tế lại là chất xúc tác cực kỳ hiệu quả cho ngành nhượng quyền phát triển, từ đó mở ra vô số cơ hội mới cho doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và thời điểm 2-3 năm tới là thời điểm "cửa sổ vàng" cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và tăng tốc phát triển cho mô hình và thương hiệu của mình. 

Một điều thú vị nữa mà doanh nghiệp nên biết, nhượng quyền là hình thức phát triển kinh doanh. Do đó, hình thức này có thể ứng dụng cho bất kỳ ngành nghề nào. Ngoài các ngành nghề truyền thống như ẩm thực, bán lẻ, dịch vụ cá nhân và doanh nghiệp, địa ốc, du lịch... nhượng quyền đang được ứng dụng mạnh mẽ để tăng tốc cho các doanh nghiệp startup công nghệ. 

Những mô hình công nghệ nhượng quyền thành công có thể kể đến các app cung cấp dịch vụ, sàn mua bán giao dịch, cung cấp giải pháp công nghệ như drone - thiết bị bay không người lái, robot, thiết bị và dịch vụ giao hàng điểm cuối, hay các mô hình giải trí, thể thao từ công nghệ VR - thực tế ảo, AR - thực tế ảo tăng cường, MR - thực tế ảo kết hợp... Với khả năng scale up - tăng tốc doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực và ngành nghề như thế, đây cũng là cơ hội và con đường cho nhiều startup vươn ra biển lớn.

Cơ hội bắt đầu từ nội lực 

Nhượng quyền hay được nhắc đến như mô hình cực khó nhưng cực dễ. Khó vì nó bắt buộc doanh nghiệp nhượng quyền phải xây dựng nền tảng bài bản, chuyên nghiệp, từ vận hành, chuỗi cung ứng, marketing, huấn luyện và phát triển con người, đến tài chính, công nghệ, pháp lý. Một doanh nghiệp vận hành theo hệ thống nhượng quyền cần phải chuẩn bị rất nhiều nền tảng hỗ trợ đối tác và vì vậy cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư. Với cách tư duy ngắn hạn và thiếu chuyên nghiệp, nhượng quyền chỉ có thể mang lại rủi ro cao nhất cho tất cả mọi đối tác liên quan. Ngược lại, nếu được đầu tư đúng và chuyên nghiệp, nhượng quyền trở thành hình thức scale up - phát triển vượt bậc nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Chìa khóa ở đây là xây dựng nội lực, mà chìa khóa này cũng chính là nỗi đau lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết nỗi đau này là cộng tác. Khi nguồn lực hạn chế về nhiều mặt, doanh nghiệp nên đi tìm những chiếc mẫu hạm mạnh mẽ hơn để gắn vào, trở thành một phần trong một hệ sinh thái nhượng quyền có khả năng giúp doanh nghiệp tăng tốc nhanh hơn, bài bản hơn và thành công hơn. Tầm nhìn nên bắt đầu từ go global - bước ra thế giới để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, nâng tầm thương hiệu và sản phẩm Việt Nam, đồng thời tăng tốc giá trị doanh nghiệp lên 10 lần, 100 lần, 1.000 lần trong thời gian 3-5 năm. Cộng tác và cộng hưởng sức mạnh để tăng tốc giá trị là như thế. Muốn đi xa, tất cả chúng ta đều cần phải đi cùng nhau. Muốn đi xa, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc gia cố và gia tăng nội lực của chính mình. 

Hy vọng và khát vọng

Chưa bao giờ mà thị trường thế giới lại đưa vào tay doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam một cơ hội hiếm hoi như lúc này. Thế giới đã sẵn sàng chào đón những thương hiệu và mô hình mới, hợp thời và mang tính bản địa cao. Hơn bao giờ hết và hơn ai hết, tôi rất hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được thời cơ này để tăng tốc nhanh, mạnh, đưa ngọn cờ Việt Nam ra khắp năm châu bốn bể. Nhượng quyền có thể giúp cho doanh nghiệp làm được điều này và chúng ta cũng không còn quá nhiều thời gian vì "cửa sổ vàng" trong 2-3 năm tới cũng sẽ dần khép lại. 

Mùa nào rồi cũng qua. Lock down rồi lại mở. Nhưng sự hồi sinh mạnh mẽ này chỉ dành cho những ai biết trân quý cơ hội và không ngừng khát vọng tương lai. Khi ngừng lại nơi đây, lúc này để ngắm trọn sức sống từ mỗi cành mai cánh đào, mong cho từng giấc mơ thế giới của doanh nghiệp Việt Nam cũng bừng lên sắc thắm.

(*) Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Việt Nam, Chủ tịch Go Global Holdings

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa sổ vàng để bước ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO