Trước các tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu?
- Theo tôi, 2020 là một năm rất đặc biệt đối với nền kinh tế của thế giới và Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ rất nhanh, kéo theo cơ hội và rủi ro cũng rất lớn chứ chưa hẳn vì dịch Covid-19.
Mặt khác, muốn đánh giá đúng tác hại của dịch bệnh phải nhìn vào thực trạng nền kinh tế Trung Quốc. Trở thành đại công xưởng sản xuất hàng vạn mặt hàng, chiếm 30% tăng trưởng của thế giới, cho nên dịch Covid-19 tác động đến Trung Quốc là đã tác động đến 30% tăng trưởng của kinh tế thế giới.
PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Đối với Việt Nam, tác động đó còn nặng nề hơn nhiều. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã làm cho kinh tế Tung Quốc suy yếu, Covid-19 lại thêm đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
* Việt Nam phải làm gì để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế, thưa ông?
- Vì nền kinh tế của Việt Nam gắn bó quá chặt với thị trường Trung Quốc nên phải đánh giá đúng mức để có đối sách chính xác. Cần phải nhận thức rõ, kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào dịch bệnh kết thúc sớm hay muộn.
Cho nên, Việt Nam cần phải có cách ứng phó để tránh rơi vào chu kỳ lệ thuộc mới về thị trường. Biến số quan trọng nhất trong kinh tế đối ngoại của Việt Nam là thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bên cạnh sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc thì khả năng làm bùng nổ kinh tế khu vực rất có thể là Ấn Độ. Trong bối cảnh Việt Nam muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì không thể đi lại vết xe cũ nếu lại phụ thuộc vào thị trường Ấn Độ.
* Theo ông thì cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
- Việt Nam có lợi thế là nền kinh tế phát triển ổn định. Đầu tư nước ngoài tăng, XNK với ba thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã giúp Việt Nam đạt kim ngạch hơn 500 tỷ USD trong năm 2019.
Thế nhưng, mức độ lệ thuộc vào chuỗi thị trường ấy là rất lớn. Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhiều nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi Mỹ là quốc gia có quy định nghiêm ngặt về hàng hóa nhập khẩu thì lại là thị trường xuất khẩu giá trị nhất của Việt Nam.
Du lịch cũng vậy, năm qua lượng khách các nước đến Việt Nam tăng hơn 16%, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc tăng 19%. Nếu cứ mãi chạy theo số lượng thì tính lệ thuộc vào thị trường du lịch cũng tăng lên. Cần có tư duy phát triển thị trường theo hướng nâng cao đẳng cấp điểm đến và dịch vụ để thu hút khách thị trường cao cấp. Đối với sản xuất, kinh doanh cũng vậy, cần gạt bỏ ngay tâm lý dễ làm, khó bỏ mà phải tập trung đầu tư cho phát triển bền vững.
* Khả năng phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế sau dịch bệnh phụ thuộc nhiều vào những yếu tố nào, thưa ông?
- Tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao, lạm phát thấp trong điều kiện kinh tế thế giới bất ổn là điều rất đáng tự hào. Mặt khác, trong lúc kinh tế thế giới bất ổn, Việt Nam vẫn ký được hai hiệp định thương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Tham gia các FTA này có thể là thách thức lớn nhưng là cơ hội hiếm có.
Cùng với các FTA đã ký kết trước đó, Việt Nam trở thành điểm hội tụ đầu tư, thương mại của nhiều nước có nền kinh tế phát triển. Việt Nam có đủ tư thế mời gọi, hấp dẫn các nhà đầu tư. Để nắm bắt cơ hội này, cần tập trung vào ba đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng giao thông, nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Cần nhìn nhận doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế để tập trung phát triển. Phải có tiêu chí cụ thể đẩy mạnh đầu tư công, giải quyết dứt điểm hạ tầng giao thông, tập trung cho đầu tư phát triển.
* Cảm ơn ông!