Đổi mới sáng tạo

Công nghệ biến đổi trong thực tế: Cơ hội và thách thức

Hưng Khánh - Ảnh: Quỳnh Lâm 16/11/2024 16:11

Đây là một trong những vấn đề được các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận "Công nghệ biến đổi trong thực tế" trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, sáng 16/11.

5j0a3320.jpg
Công nghệ biến đổi trong thực tế: Cơ hội và thách thức là một trong những vấn đề được các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024

Cơ hội từ những xu hướng công nghệ biến đổi

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, với những tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống và kinh tế. Tại Đông Nam Á, nơi có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và dân số trẻ, các xu hướng công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường nội địa mà còn góp phần định hình chiến lược phát triển quốc gia.

5j0a3330.jpg
Ông Paolo Rentero, cho biết, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã gây ra nhiều lo ngại tại Philippines

Ông Paolo Rentero - Đồng sáng lập của TechShake cho biết, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã gây ra nhiều lo ngại tại Philippines, đặc biệt trong ngành dịch vụ khách hàng, một lĩnh vực đóng góp khoảng 10% GDP. “Vấn đề hiện nay là làm thế nào sử dụng AI như một công cụ để phát triển, thay vì để nó thay thế công việc của các lao động truyền thống”.

Theo ông, đây là một thách thức lớn nhưng cũng mở ra cơ hội khi công nghệ được tích hợp để cải thiện hiệu suất làm việc.

Tại Việt Nam, ông Anirban Roy - Đối tác Cao cấp của InnoLab Asia chỉ ra ba xu hướng công nghệ đang định hình đất nước đang phát triển này, gồm: fintech, thị giác máy tính và hệ sinh thái xe điện.

Trong đó, việc áp dụng fintech vào các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang gặp rào cản lớn về thủ tục và dữ liệu. “Nhiều công ty công nghệ tài chính đang nghiên cứu sử dụng dữ liệu thay thế để cho vay, bởi chứng khoán hóa truyền thống không còn phù hợp trong môi trường kỹ thuật số”, ông Anirban Roy chia sẻ.

Lĩnh vực xe điện hai bánh của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về độ tin cậy của pin và bảo hành cần phải giải quyết.

"Tuy còn những thách thức, nhưng những xu hướng này tại Việt Nam mở ra cơ hội đầu tư và phát triển cho các DN từ các quốc gia khác", ông Anirban Roy khẳng định.

5j0a3350.jpg
Ông Khairil Effendy chia sẻ về những xu hướng công nghệ tại Malaysia

Chia sẻ về xu hướng công nghệ tại Malaysia, với lịch sử phát triển mạnh trong lĩnh vực phần cứng và chất bán dẫn, đang sử dụng thế mạnh này để thúc đẩy AI, ông Khairil Effendy - Sáng lập, Giám đốc Điều hành của Nexagate, cho biết: “Chúng tôi đưa AI vào chiến lược quốc gia về chất bán dẫn để đào tạo kỹ sư và cung cấp phần cứng tiên tiến. Malaysia cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu AI của khu vực và giữ vững vị trí dẫn đầu về an ninh mạng, một lĩnh vực đã được phát triển bài bản từ hơn một thập kỷ qua".

Các start up trong lĩnh vực công nghệ có thể khai thác các cơ hội từ sự phát triển của ngành bán dẫn và trung tâm dữ liệu để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số. Mặc dù mỗi quốc gia có thế mạnh riêng, nhưng sự hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm là yếu tố quyết định để tận dụng triệt để những lợi ích mà công nghệ mang lại. Từ xu hướng công nghệ biến đổi mạnh mẽ, các startup đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để phát triển và mở rộng.

Còn nhiều thách thức từ thị trường

Gia nhập một thị trường mới là cơ hội mở ra những triển vọng tăng trưởng, nhưng cũng đi kèm vô số thách thức. Trong đó, sự thiếu minh bạch về pháp lý, khác biệt về văn hóa kinh doanh và sự cạnh tranh khốc liệt là những rào cản phổ biến mà các DN phải đối mặt.

Theo ông Khairil Effendy, thách thức lớn nhất khi mở rộng ra quốc tế là hiểu được sự khác biệt về luật pháp và quy định. Không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, DN rất dễ gặp rắc rối với các yêu cầu pháp lý phức tạp tại thị trường mới.

Điều này càng đúng tại các quốc gia đang phát triển, nơi các quy định thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc thiết lập một nền tảng kinh doanh ổn định.

5j0a3344.jpg
Ông Anirban Roy cho hay, ở mỗi quốc gia, cách mọi người đưa ra quyết định, xử lý rủi ro, hay thậm chí cách họ giao tiếp đều rất khác nhau.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề pháp lý, sự khác biệt về văn hóa kinh doanh cũng là yếu tố khiến nhiều DN phải dè chừng. Ông Anirban Roy cho hay, ở mỗi quốc gia, cách mọi người đưa ra quyết định, xử lý rủi ro, hay thậm chí cách họ giao tiếp đều rất khác nhau. Nếu không tìm hiểu kỹ, DN có thể vô tình làm mất lòng đối tác hoặc khách hàng của mình.

Sự cạnh tranh từ các đối thủ nội địa cũng là bài toán không dễ giải. Các DN địa phương thường có lợi thế hiểu rõ thị trường và khách hàng bản địa, khiến các DN quốc tế gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng niềm tin.

Cùng quan điểm này, bà Quỳnh Võ - CEO Zones Startup Vietnam nói thêm rằng, để cạnh tranh với các công ty nội địa, các nhà đầu tư và DN nước ngoài không thể chỉ dựa vào lợi thế công nghệ hay nguồn lực, mà còn phải chứng minh đã thực sự hiểu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng địa phương.

Thêm vào đó, bài toán chi phí cũng là một áp lực đáng kể. Đầu tư vào một thị trường mới đòi hỏi nguồn vốn lớn, từ việc nghiên cứu thị trường, thiết lập mạng lưới phân phối, đến quảng bá thương hiệu. Từ kinh nghiệm của mình, ông Khairil Effendy khẳng định, rất nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn lực, đặc biệt khi họ phải đối mặt với rủi ro không đạt được doanh thu kỳ vọng khi đến với một thị trường mới...

Một số thách thức điển hình khi tiếp cận thị trường mới:

Khác biệt về khung pháp lý

Khác biệt về văn hóa kinh doanh

Cạnh tranh từ các DN nội địa

Áp lực chi phí đầu tư tại một thị trường mới

Bài học kinh nghiệm

Để vượt qua những thách thức khi gia nhập thị trường mới, theo các diễn giả, DN cần cách tiếp cận linh hoạt, tận dụng thế mạnh nội tại, chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề điển hình bao gồm: "bản địa hoá" sản phẩm và dịch vụ, tìm kiếm đối tác phù hợp, áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động.

Ông Khairil Effendy nhấn mạnh: "Mỗi quốc gia có đặc điểm văn hóa khác nhau. Khi mở rộng ra ngoài Malaysia, chúng tôi luôn dành thời gian để hiểu cách khách hàng địa phương, từ đó điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ của mình. Điều này giúp DN tránh những hiểu lầm không đáng có và tạo ra sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu địa phương...".

Điều này cũng tương tự với quan điểm của ông Ethan Choi khi cho rằng, việc "bản địa hoá" được sản phẩm và dịch vụ là việc làm ưu tiên của các DN khi ra nhập thị trường mới.

5j0a3272.jpg
Để vượt qua những thách thức khi gia nhập thị trường mới, theo các diễn giả, doanh nghiệp cần cách tiếp cận linh hoạt, tận dụng thế mạnh nội tại

Ngoài ra, theo các diễn giả, việc tìm kiếm người đồng hành tại thị trường mới cũng là yếu tố không thể thiếu. Những đối tác địa phương hiểu rõ luật pháp, thói quen kinh doanh và văn hóa tiêu dùng có thể giúp DN vượt qua các rào cản nhanh chóng.

"Khi làm việc tại một thị trường mới, hãy tìm kiếm những đối tác có cùng tầm nhìn và giá trị. Đối tác địa phương không chỉ giúp bạn kết nối với thị trường mà còn là cầu nối để xây dựng niềm tin với khách hàng", bà Quỳnh Võ nhận định.

Một ví dụ điển hình đến từ Ấn Độ, nơi một mô hình hợp tác thành công đã giải quyết các vấn đề về bảo hành pin xe điện. Ông Anirban Roy, chia sẻ câu chuyện thực tế trong hoạt động kinh doanh: "Tại Ấn Độ, chúng tôi đã giải quyết vấn đề này thông qua quan hệ đối tác giữa ba công ty, gồm nhà sản xuất xe Ola, nhà sản xuất pin Ather và công ty bảo hiểm Echo. Nhờ đó, chế độ bảo hành pin được kéo dài từ một năm lên tám năm, thúc đẩy doanh số bán xe tăng gấp bốn lần".

Theo ông Roy, đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sức mạnh của sự hợp tác trong việc xây dựng niềm tin cho khách hàng, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng mới, bao gồm cả Việt Nam.

Đồng quan điểm đó, ông Ethan Choi cho rằng, để một DN có thể rút ngắn thời gian thích ứng khi thâm nhập một thị trường mới, không có gì tốt hơn là tìm kiếm cho mình những đối tác bản địa phù hợp.

"Tôi là người Hàn Quốc và tôi không biết về thị trường Nhật Bản và tôi cũng không có bạn bè ở Nhật Bản. Rất khó để "bản địa hóa" sản phẩm, dịch vụ bởi vì tôi không hiểu văn hóa và tâm lý của người địa phương. Nhưng khi chúng tôi "kết bạn" và có những đối tác, việc đó dần trở nên dễ dàng và nhanh chóng", ông Ethan Choi chia sẻ.

Kết hợp hiểu biết văn hóa, công nghệ và các quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp DN không chỉ vượt qua thách thức mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững trong các thị trường mới.

Cũng trong sáng ngày 16/11, Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 đã tiếp nối với nhiều phiên thảo luận, đối thoại với các chủ đề "nóng" như: "Điều hướng thị trường quốc tế: Định hướng tương lai", "Cùng kiến tạo tương lai Việt Nam", "Tầm nhìn giáo dục trong thời đại số"... từ các diễn giả uy tín trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và quốc tế.

Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất từ Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệ biến đổi trong thực tế: Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO