Theo thống kê của Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ thì đến 2/3 các công ty đang hoạt động có giá trị vốn hóa hơn 50 triệu USD trên thị trường Ấn Độ là các công ty gia đình, do các thành viên gia đình giữ vị trí nòng cốt.
Việc những “hậu duệ” tài năng chấp nhận làm thuê cho các tập đoàn khác được xem là cách để họ tích lũy bề dày kinh nghiệm thực tế trước khi quay về điều hành công ty gia đình.
Isha Ambani (bìa phải) và bố mẹ cô |
Sinh ra trong gia đình có bố và mẹ đều là những doanh nhân tên tuổi, Isha Ambani (22 tuổi), cô con gái cưng của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani và nữ doanh nhân Nita Ambani đã thừa hưởng được sự quyết đoán của bố mẹ mình. Isha tốt nghiệp Đại Yale ở Mỹ với chuyên ngành tâm lý học.
Lần đầu tiên tên tuổi cô xuất hiện trước công chúng ở một vị trí độc lập trong bảng xếp hạng của Forbes là năm cô 16 tuổi. Lúc ấy, cô được Forbes xếp ở vị trí thứ hai trong số những nữ tỷ phú thừa kế của Ấn Độ. Hiện nay, với những thành quả của gia đình, Isha Ambani đã hiển nhiên là người trẻ tuổi nhất trong số 10 nữ tỷ phú từ thừa kế của Ấn Độ.
Isha không ỉ lại và khối tài sản gần 19 tỷ USD của bố cũng như những thương hiệu nổi tiếng mà mẹ mình đã gầy dựng nên. Chính thức từ tháng 4 vừa qua, cô tự khởi nghiệp với vị trí khá khiêm nhường là tư vấn viên của công ty quản lý rủi ro tài chính McKinsey của Mỹ. Nhiều người đoán rằng đây là bước đệm chuẩn bị để một ngày nào đó, Isha sẽ quay về quản lý tập đoàn gia đình Reliance Industries mà bố cô đã kế thừa từ ông nội cô, Dhirubhai Ambani.
Những năm còn ở ghế nhà trường, Isha luôn thể hiện mình là nhân tố sáng giá, chinh phục rất nhiều giải thưởng. Cô không chỉ có đầu óc nhanh nhạy của một người đam mê kinh doanh mà còn rất yêu thích thể thao, nghệ thuật với khả năng chơi đàn dương cầm điêu luyện và ham tìm hiểu, nắm bắt những vấn đề thời sự quốc tế.
Từ bé, Isha đã được bố mẹ dẫn đi cùng trong những sự kiện lớn, gặp những nhân vật quan trọng. Nó mang lại cho Isha góc nhìn thực tế, khiến cô không bỡ ngỡ khi đối diện với bất kỳ nhân vật “nặng ký” nào trong giới đầu tư tài chính.
Rishad Premji (phải) và bố |
Nandini Piramal, con gái của tỷ phú Ajay Piramal, Chủ tịch hàng dược Piramal Healthcare cũng tìm đến McKinsey trong vai trò chuyên viên phân tích kinh doanh sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford. Với kinh nghiệm cọ xát ấy, cô tự tin điều hành Piramal Healthcare và đóng góp nhiều cho Quỹ Piramal với các hoạt động về y tế, giáo dục hướng đến cộng đồng.
Ít ai biết được Rishad Premji, Chủ tịch Wipro – hãng sản xuất phần cứng máy tính, chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Ấn Độ cũng từng trải qua nhiều năm làm thuê. Tốt nghiệp Đại học Harvard, Rishad Premji làm việc cho GE Capital Mỹ 4 năm, sau đó làm 2 năm cho công ty tư vấn quản lý Bain & Co.
Smiti Ruia, con gái của Chủ tịch tập đoàn Essar, ông Ravi Ruia là một trường hợp thú vị khác. Essar là một tập đoàn đa quốc gia chuyên đầu tư về thép, năng lượng, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật với số lao động lên đến 73.000 người. Lợi nhuận mỗi năm tính cho hoạt động trên 25 quốc gia của Essar lên đến 39 tỷ USD.
Cô Smiti sau khi tốt nghiệp ngành kinh doanh tài chính của Đại học New York đã không về làm cho Essar ngay mà cô còn học thêm thêm về xuất bản, ấn loát của Đại học London. Sau đó, cô làm việc cho một số nhà xuất bản trước khi sáng lập công ty truyền thông Paprika của riêng mình. Năm 2004, Essar mở rộng ra thêm lĩnh vực kinh doanh truyền thông xuất bản.
Con của các doanh nhân thành đạt sẽ học được nhiều điều hơn nếu trải qua những năm đầu của sự nghiệp ở một môi trường khác, tách biệt hẳn với môi trường kinh doanh của gia đình. Thực tế đã chứng minh lời khuyên trên của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính thế giới là đúng.
>Từ “giấc mơ Mỹ” đến “giấc mơ Ấn Độ”
>Từ 200 đô la thành người giàu nhất Ấn Độ
>Con tỷ phú làm thuê để trở thành... tỷ phú