Cơ quan quản lý thông tin sai, ai chịu trách nhiệm?

MỘC LAN/DNSGCT| 14/06/2016 06:31

Cần siết chặt các quy định và xử lý nghiêm các sai phạm để tránh hiện tượng nhũng nhiễu và "oan, sai".

Cơ quan quản lý thông tin sai, ai chịu trách nhiệm?

Sản xuất kinh doanh thực phẩm được xem là lĩnh vực nhạy cảm với thông tin tiêu cực, nhất là trong bối cảnh thực phẩm chứa các chất độc hại đang gây hoang mang dư luận.

Đọc E-paper

Gần đây, thông tin về an toàn thực phẩm thiếu chính xác do một số cơ quan quản lý công bố đến báo chí đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp. Dù việc giữ bí mật thông tin trong quá trình điều tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh thực phẩm đã được pháp luật quy định, thế nhưng sai phạm của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy cần siết chặt các quy định cũng như xử lý nghiêm các sai phạm để tránh hiện tượng nhũng nhiễu và “oan, sai”.

Chưa xác định vi phạm đã gửi thông tin cho báo chí

Tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất xúc xích lao đao khi Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT TP. Hà Nội công bố thông tin xúc xích của Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Viet foods) có chứa chất cấm, gây ung thư. Tuyên bố này khiến người tiêu dùng quay lưng với mặt hàng xúc xích. Hàng chục tấn hàng của cơ sở này bị các đối tác trả về, nhà máy phải ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng khi doanh số sụt giảm hơn 30%.

Sau hơn 1 tháng, vụ việc đã được làm sáng tỏ, xúc xích Viet foods được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác nhận đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn đã được cấp phép và hàm lượng chất được cho là chất cấm nói trên nằm trong ngưỡng theo quy chuẩn quốc tế. Lúc này, người ta mới vỡ lẽ doanh nghiệp đã bị oan. Tuy nhiên, uy tín thương hiệu và những thiệt hại to lớn của Viet foods sẽ chẳng dễ dàng gì để phục hồi.

Không thiệt hại nặng nề như Viet foods, thế nhưng thông tin không chính xác do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cung cấp cho báo chí cũng khiến một doanh nghiệp khác mất uy tín trên thị trường. Theo đại diện Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food), đầu tháng 6 vừa qua, Công ty nhận thông tin từ Nafiqad rằng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc thông báo lô hàng cá điêu hồng đông lạnh do doanh nghiệp xuất khẩu vào Úc bị nhiễm kháng sinh.

Saigon Food ngay sau đó đã gửi công văn cho Nafiqad nêu rõ đây là sự nhầm lẫn của đơn vị nhập khẩu, vì doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu các sản phẩm tôm sú đông lạnh, cua tuyết đông lạnh chứ không có mặt hàng cá điêu hồng. Thế nhưng, chả hiểu vì sao thông tin thiếu chính xác kia lại đến được với các cơ quan truyền thông và được đăng tải tràn lan, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp.

Cần làm rõ sai phạm và quy trách nhiệm

Vì tính nhạy cảm của những thông tin tiêu cực đối với các mặt hàng thực phẩm, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 68, Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, Điều 68 Luật An toàn thực phẩm có quy định rõ về việc bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra cho đến khi có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong cả hai vụ việc nói trên, cơ quan quản lý đã làm sai quy định khi cung cấp thông tin cho báo chí dù thông tin chưa xác thực, làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Riêng trường hợp của Viet foods, theo các chuyên gia ngành Luật, còn có nhiều dấu hiệu sai phạm khác.

Theo khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý đối với mặt hàng thực phẩm chế biến, QLTT không có chức năng này. Như vậy, việc Đội QLTT số 14 kiểm tra, lập biên bản thu giữ hàng hóa của Viet foods cũng có nhiều điểm chưa thỏa đáng, trong đó có việc không công bố hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra, việc tạm giữ tang vật quá 7 ngày nhưng không ra quyết định kéo dài thời hạn, không gửi quyết định cho doanh nghiệp cũng vi phạm Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều đáng quan tâm ở đây là thái độ và cách hành xử của Đội QLTT số 14 trước cái sai của chính mình. Thay vì tuyên bố trước công luận về việc doanh nghiệp không sai phạm, xin lỗi và nhận trách nhiệm, họ “lặng lẽ” trả hàng. Trong các phát biểu gần đây trên báo chí, đại diện Đội QLTT số 14 và Cục QLTT, Bộ Công thương vẫn cho rằng họ đã làm đúng thủ tục và đổ lỗi cho những bất cập trong quy định về danh mục các chất được sử dụng trong chế biến thực phẩm khiến họ khó xác định được doanh nghiệp có vi phạm pháp luật hay không.

Dư luận đang rất bức xúc vì sao cơ quan công quyền khi làm sai và gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp vẫn co thể nhởn nhơ đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho chính sách? Có lẽ vì cách hành xử này mà Viet foods đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng chính phủ giải quyết vụ việc, đồng thời tuyên bố sẽ khởi kiện.

Theo khoản 2, Điều 6, Luật An toàn thực phẩm, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hiện nay, nhiều người ủng hộ Viet foods khởi kiện vì cho rằng phần thắng chắc chắn thuộc về doanh nghiệp.

Thế nhưng, nếu Viet foods thắng kiện, diễn tiến tiếp theo sẽ là gì? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp này khi việc quy trách nhiệm cho các cán bộ, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu tổ chức trước những sai phạm hiện nay còn rất mơ hồ? Chưa hết, sự chồng chéo trong các chính sách càng khiến các cơ quan công quyền dễ đổ lỗi cho nhau.

Trong tình hình kinh doanh phải cạnh tranh gay gắt để tồn tại như hiện nay, một môi trường làm ăn minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu là yếu tố tiên quyết cho sự sống còn của doanh nghiệp. Đã đến lúc các chính sách nhà nước thôi kiểu hô hào mà cần rõ ràng, minh bạch trong việc quy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức công quyền trước những sai phạm mới mong có một môi trường lành mạnh để phát triển bền vững.

>Gặp khó, DN thực phẩm đến gần người tiêu dùng hơn

>Thông tin sai về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ quan quản lý thông tin sai, ai chịu trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO