Cơ hội tăng trưởng từ ngành hàng tiêu dùng nhanh

LỮ Ý NHI - PHƯỚC DUY| 28/05/2018 03:34

Sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất trong chiến lược phát triển kinh doanh.

Cơ hội tăng trưởng từ ngành hàng tiêu dùng nhanh

Đột phá thức ăn nhẹ

Theo Nielsen, ngành hàng thức ăn nhẹ đạt 3,4 tỷ USD doanh thu toàn cầu trong năm 2017. Tại Việt Nam, thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm qua. Dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsen tại 2 kênh truyền thống và hiện đại trên toàn quốc cho thấy, năm 2017, doanh số của ngành hàng thực phẩm tăng 7% so với năm 2016, đóng góp 16,3% vào tổng doanh số của ngành hàng FMCG.

Trong đó, các sản phẩm thuộc nhóm được mua "ngẫu hứng" như bánh qui, bánh xốp mềm, snack tăng trưởng mạnh hơn các loại mì gói, nước tương, dầu hào, nước mắm, bột ngọt, bột nêm. Tăng mạnh nhất trong nhóm ngành hàng này thuộc về mặt hàng snack với mức tăng 21% trong năm 2017. Báo cáo mới đây của Công ty TNHH Decision Lab cũng cho thấy, mỗi tháng, người Việt trẻ dành 13.000 tỷ đồng để ăn vặt, trong đó có 8.000 tỷ đồng được dành cho các thức ăn nhẹ.

Link bài viết

Ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam cho rằng, nhóm các mặt hàng này tăng trưởng nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Trong đó có việc đảm bảo cung cấp đầy đủ sản phẩm cho thị trường đi kèm với sự hỗ trợ hiệu quả từ các hoạt động marketing cùng với chiến lược tung sản phẩm mới phù hợp của các doanh nghiệp. Những điều này giúp các nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng. 

Và sự tăng trưởng của ngành hàng FMCG là dấu hiệu tốt cho thấy người tiêu dùng các nước đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm "ăn chơi", vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày. Điều này đã và đang tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất FMCG.

Cơ hội ấy đã được các doanh nghiệp nắm bắt và nhanh chóng giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng. Cụ thể, trong năm 2017 đã có hơn 2.000 sản phẩm mới được các nhà sản xuất thực phẩm tung ra thị trường. Những sản phẩm thỏa mãn các nhu cầu mới của người tiêu dùng, mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng (thông qua các giá trị mới hoặc những đặc tính mới sản phẩm cung cấp) và tiếp cận người tiêu dùng ở đúng kênh phân phối đã rất thành công.

Theo dự báo của Savory Market in Vietnam Databook to 2020, đến năm 2020, quy mô thị trường snack Việt Nam sẽ đạt hơn 1 tỷ USD. Thị trường ăn vặt ngày càng hấp dẫn hơn nhờ vào cách thay đổi chi tiêu ở nhóm khách hàng trẻ, nhờ thu nhập bình quân của người Việt tăng lên và cuộc sống thay đổi theo lối sống công nghiệp.

Sức khỏe là yếu tố hàng đầu

Mặc dù chỉ là những sản phẩm "ăn chơi" nhưng người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến yếu tố "an toàn cho sức khỏe". Cụ thể, có đến 37% người tiêu dùng Việt Nam khẳng định sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất của họ. Bên cạnh đó, 4 trong 5 người tiêu dùng cho biết họ quan tâm sâu sắc đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ra (80%) và mong muốn biết rõ về những chất cấu tạo nên thức ăn họ sử dụng hằng ngày (76%). Vì quan tâm đến sức khỏe nên người tiêu dùng cũng sẵn sàng, chủ động điều chỉnh những thói quen để đảm bảo sức khỏe của bản thân.

Không chỉ vậy, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cũng tạo ra nhu cầu cao hơn của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm tốt hơn, cao cấp hơn đi kèm với chất lượng nổi bật và đem đến những trải nghiệm đặc biệt. Khi nói đến cao cấp, giá cả không phải là yếu tố quan trọng nhất để định nghĩa như thế nào là hàng cao cấp. Người tiêu dùng hiện nay đang tìm kiếm những loại thực phẩm cung cấp các giá trị mới, có chất lượng tốt và mẫu mã bao bì đặc trưng, tạo sự đột phá.

Ngoài ra, sự tiện lợi tiếp tục là nhu cầu cao của người tiêu dùng tại thị trường thay đổi nhanh chóng và liên tục như Việt Nam. Các cửa hàng định dạng nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã được mở rộng trong 2 - 3 năm qua để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về lối sống của người Việt.

Xu hướng này đòi hỏi các nhà sản xuất thực phẩm cần phải tập trung hơn trong việc phát triển các chiến lược kinh doanh để giải quyết nhu cầu của người tiêu dùng về gói sản phẩm nhỏ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của một người và tiện lợi để mang theo cũng như sử dụng trên đường đi.

Theo ông Nguyễn Anh Dzũng, những nhà sản xuất nào có thể cho thấy những nỗ lực để xây dựng hình ảnh "tốt cho sức khỏe", đáp ứng được nhu cầu chất lượng cao cũng như mang đến những trải nghiệm mới cùng sự tiện dụng cho người tiêu dùng sẽ là những doanh nghiệp chiến thắng trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội tăng trưởng từ ngành hàng tiêu dùng nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO