Lợi thế phân phối trong ngành hàng tiêu dùng nhanh

LỮ Ý NHI - PHƯỚC DUY| 26/05/2018 03:33

Ngoài cuộc đua về sản phẩm, kênh phân phối đang là "cuộc chiến" quyết định lợi thế đến đích sớm của các doanh nghiệp trong ngành hàng FMCG.

Lợi thế phân phối trong ngành hàng tiêu dùng nhanh

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, trong năm 2017, doanh số FMCG tại khu vực thành thị tăng 5%. Dù vậy, tại thị trường mới nổi như Việt Nam, ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn để phát triển nếu không đầu tư quảng bá thương hiệu và phát triển mạng lưới phân phối. Đó cũng chính là chiến lược của Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld - DGW) khi mua cổ phần của Công ty Lion Corporation.

Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DGW cho biết: "Ngoài các sản phẩm cao cấp, lợi thế lớn nhất của DGW sau thương vụ này còn là kênh bán hàng tại hơn 800 siêu thị và trên 20.000 kênh bán hàng độc lập, nhỏ lẻ của Lion Corporation. Với lợi thế này, DGW đang phát triển mạng lưới 6.000 nhà thuốc tây, tiếp tục mở 20.000 nhà thuốc đến năm 2019, tức chiếm khoảng 50% số lượng nhà thuốc cả nước".

Theo tính toán của DGW, hiện nay, tầng lớp thu nhập trung bình khá đang tăng mạnh, nhu cầu về bảo vệ sức khỏe ngày càng cao, trong khi Lion Corporation có lợi thế là nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng lớn, như ở Thái Lan, doanh số của Lion Corporation đạt 500 triệu USD/năm, nhưng tại Việt Nam còn rất khiêm tốn nên cơ hội để DGW đóng góp vào doanh số của mảng này trong năm nay là 200 tỷ đồng là rất khả thi.

Link bài viết

Để tiến vào mảng FMCG, ông Việt cho rằng: "Việc thiết lập kênh phân phối là đương nhiên, nhưng việc nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng để biết cách marketing, quảng bá sản phẩm hiệu quả cũng rất quan trọng. Vì vậy, lợi thế của DGW chính là mô hình dịch vụ Market Expansion Service (MES) gồm các dịch vụ từ phân tích thị trường, marketing, hậu cần (hạ tầng kho bãi, quản lý hàng tồn kho, vận chuyển, nhập khẩu) đến phân phối (cả kênh truyền thống và online) và hậu mãi.

Xác định cạnh tranh trên thị trường FMCG hiện nay là cạnh tranh theo chuỗi chứ không còn là cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, trong đó điểm lợi lớn nhất là hệ thống phân phối, Tập đoàn Kido đã chọn hợp tác với các đối tác để tạo ra chuỗi giá trị cả về sản phẩm, cung ứng lẫn kênh bán lẻ.

Đơn cử, với hơn 200.000 điểm bán trên 63 tỉnh - thành của Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công (TTC), việc bắt tay với TTC đã nhanh chóng mang đến lợi thế cho Kido khi có hệ thống phân phối đến hơn 450.000 điểm bán hàng khô và 70.000 điểm bán hàng lạnh, giúp Kido nhanh chóng tiến đến mục tiêu cung ứng rất nhiều loại sản phẩm thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.

Cũng từ lợi thế kênh bán lẻ, cộng với nhận định tần suất mua sắm của người Việt trên kênh bán lẻ đang giảm dần, điều đó có nghĩa xu hướng dự trữ nhiều sản phẩm hơn, Kido tập trung phân phối đa dạng sản phẩm, từ đông lạnh đến đóng gói có dòng đời từ ngắn đến dài.

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn Kido khẳng định: "Với hệ thống phân phối lớn mạnh, lợi thế của Kido là có thể mở rộng danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dùng mỗi tháng, mỗi tuần, mỗi vài ba ngày và mỗi ngày. Từ đó, Kido vươn đến mục tiêu chiếm lĩnh phần lớn chi tiêu của người dùng trong phân khúc thực phẩm và đồ uống".

Cùng xác định kênh phân phối không chỉ cung cấp hàng hóa đến người dùng mà còn giảm được chi phí vận chuyển, tạo lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong điều kiện gần 70% dân số vẫn sống ở vùng nông thôn và ngành bán lẻ vẫn phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống, Công ty Masan Consumer Corp cũng có lợi thế không kém Kido sau khi mua lại Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo và Công ty CP Vinacafe Biên Hòa và tích hợp hệ thống phân phối của 2 thương hiệu này với 190.000 điểm bán lẻ sản phẩm thực phẩm và 130.000 điểm bán đồ uống và gần 3.000 nhân viên bán hàng vào hệ thống phân phối.

Đại diện Masan khẳng định: "Mạng lưới phân phối này không chỉ tạo cho Masan lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp khác ở khu vực nông thôn mà còn giúp chúng tôi tiếp cận thị trường nhanh hơn khi tung ra sản phẩm mới và khuyến mãi, đặc biệt là phân phối ở vùng nông thôn, đồng thời giải quyết được các vấn đề phân phối đặc thù của mảng đồ uống".

Cũng nhờ tập trung vào kênh phân phối, năm 2017, doanh thu ngành đồ uống của Masan đã tăng 24,5% so với năm 2016, chủ yếu nhờ doanh thu từ nước tăng lực tăng 54,9% với độ phủ của Wake-Up 247 từ 50.000 điểm lên 75.000 điểm bán hàng. Với xu hướng công nghệ, Masan cũng nhanh chóng tìm lợi thế cạnh tranh thông qua việc triển khai hệ thống quản lý phân phối DMS cho các nhà phân phối, nhờ đó Công ty truy cập được dữ liệu thị trường theo thời gian thực, bao gồm doanh số và điểm bán hàng trên mạng lưới phân phối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi thế phân phối trong ngành hàng tiêu dùng nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO