Các DN thảo luận sôi nổi về cơ hội hợp tác |
Tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Vân Nga - Phó tổng cục trưởng, Cục công tác phía Nam, Bộ Công Thương đã cho biết: Ấn Độ nằm trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2018 đạt 10,69 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 6,54 tỷ USD, tăng 74,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 4,15 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ấn Độ có 217 dự án đầu tư tại Việt Nam cho đến nay với tổng số vốn đăng ký hơn 862 triệu USD, đứng thứ 26 trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Gần 100 DN hai nước tham dự buổi gặp gỡ |
Tổng lãnh sự Ấn Độ - ông K. Srikar Reddy đã đề cập rằng, Việt Nam là nhà sản xuất, chế biến thực phẩm và nông sản quan trọng, và là một trong những nhà xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu và hạt điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu và tiêu dùng thực phẩm lớn. Các sản phẩm nông nghiệp chiếm một phần đáng kể trong tổng thương mại song phương giữa hai nước. Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp chính cho Việt Nam đối với các sản phẩm thực phẩm như hải sản, cá, thịt, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến. Theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2018, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam, các sản phẩm thủy sản trị giá 344 triệu USD, rau quả tươi và chế biến trị giá 39 triệu USD, dầu thực vật & chất béo trị giá 6,53 triệu USD, ngô có trị giá 24,86 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ, hạt tiêu trị giá 62,6 triệu USD, hạt điều trị giá 34,8 triệu USD và cà phê trị giá 95,6 triệu USD.
Ông K. Srikar Reddy cho rằng, thu nhập tăng, nhân khẩu học thuận lợi và ngành du lịch đang phát triển sẽ tăng cường chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Tiềm năng thương mại chưa được khai thác trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống giữa hai nước là rất lớn.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh những thành tựu của ngành thực phẩm và đồ uống, chiếm 15% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Ngành này là một trong 4 ngành công nghiệp chính được ưu tiên phát triển tại TP.HCM với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 8,22% mỗi năm đối với thực phẩm và 5% đối với đồ uống trong năm 2018. TP.HCM có hệ thống phân phối lớn nhất trong cả nước: 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 1.100 cửa hàng tiện lợi với độ tăng trưởng ngày càng cao.
Các doanh nghiệp tại sự kiện đã trao đổi về các cơ hội kinh doanh, chuyển giao công nghệ và chiến lược quảng bá trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống…
Ông Mohan Ramesh Anand - Chủ tịch INCHAM đánh giá cao nỗ lực từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM vì đã thúc đẩy thương mại song phương và bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng trong tương lai.