Làm nông nghiệp không nghèo

19/02/2018 06:57

Không dừng lại ở việc chế biến rau - củ - quả tươi, đông lạnh xuất khẩu, Lavifood đang hướng đến một tập đoàn hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị khép kín từ cung cấp cây giống, phân bón, trồng trọt đến chế biến những sản phẩm nông sản công nghệ cao.

Làm nông nghiệp không nghèo

Lavifood là cái tên mới trong ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây nhưng lại là thương hiệu đình đám trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Giữa năm 2017, Công ty đã khởi công xây dựng một trong những nhà máy sản xuất lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng.

Chia sẻ cùng người nông dân

Xuất thân trong gia đình làm nông lại là dân công nghệ và vì muốn mang những ứng dụng công nghệ phục vụ ngành nông nghiệp nên ban lãnh đạo Công ty CP Lavifood đặt ra yêu cầu công nghệ thông tin sẽ là mảng đi đầu để đảm bảo mọi quá trình từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến đều được quản lý và kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Năm 2014 nhà máy sản xuất chế biến, đóng hộp sản phẩm trái cây tại Long An với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm ra đời. Hiện tại, sản phẩm của nhà máy đang xuất khẩu ổn định sang Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Úc, Mỹ..., với doanh thu năm 2017 đạt 150 tỷ đồng.

Giữa năm 2017, Công ty CP Lavifood lại tiếp tục khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thứ 2 với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (nhà máy Tanifood). Khi đi vào hoạt động vào tháng 8/2018, Tanifood sẽ là một trong những nhà máy chế biến rau - củ - quả lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, cung cấp các loại rau, củ, quả từ tươi, đông lạnh, sấy khô, cô đặc đến đóng hộp.

Nhà máy sử dụng các công nghệ hiện đại nhất, trong đó có công nghệ xử lý tươi VHT (Vapor Heat Treatment), cấp đông nhanh từng cá thể (IQF) cho dây chuyền sản xuất trái cây tưoi và rau củ đông lạnh, giúp rau củ, trái cây giữ được tối đa sự tươi ngon cũng như dinh dưỡng sau quá trình xử lý.

Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Cửa lớn khó qua

Sản phẩm sau chế biến sẽ đạt chuẩn quốc tế, được xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đây là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và nâng cáo giá trị nông sản Việt Nam.

Chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất, Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh khoảng 27.000 héc ta để tái cơ cấu cây trồng, và hiện tại đã trồng 120 héc ta chanh dây, 20 héc ta khóm tại Tân Biên và Trảng Bàng.

"Mục tiêu của chúng tôi là trong 5 năm triển khai xong mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị hội nhập sâu rộng thị trường thế giới. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm 4 nhà máy nữa tại Tây Ninh, góp phần nâng thu nhập của nhà nông tại đây từ 1.500 USD/năm tăng lên gấp 3 - 4 lần", ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood cho biết.

Cũng theo ông Thắng, hiện khoảng 60% dân số Việt Nam làm nông nghiệp sống ở vùng nông thôn nên tiềm năng rất lớn. Với ưu thế về công nghệ, Lavifood đưa công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để có sản phẩm sạch và nông dân cũng tăng thu nhập.

Bằng việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây chanh dây (được Lavifood bao tiêu đầu ra) lợi nhuận của người nông dân đã tăng hơn 3 - 5 lần so với trước. "Làm nông nghiệp sẽ không nghèo như lâu nay mọi người vẫn nghĩ mà còn rất giàu. Nước nông nghiệp cũng không phải là nước nghèo", ông Phạm Ngọc Ấn - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lavifood nói.

Vươn tầm thế giới

Ước tính đến năm 2021, mức tiêu thụ rau, củ, quả của thế giới là 317 tỷ USD (theo Ibisworld), trong đó năm 2017, Việt Nam cung cấp được gần 3,4 tỷ USD. Vì sao đất nông nghiệp Việt Nam trù phú như vậy nhưng cố gắng mãi đến nay mới chỉ chiếm được 1% so với nhu cầu thế giới?

Theo các doanh nhân của Lavifood, muốn tăng tỷ lệ sản phẩm Việt trên thị trường rau, củ, quả thế giới không còn cách nào khác là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Và nhà máy chế biến cùng với vùng nguyên liệu tại Tây Ninh chỉ là một khâu trong chuỗi quy trình khép kín đang được Lavifood triển khai.

Công ty đang xây dựng thành một doanh nghiệp hoạt động khép kín từ sản xuất cây giống, nông cơ, phân bón, trồng và chế biến. Để thực hiện kế hoạch này, hồi giữa tháng 12/2017, Lavifood đã ký với tỉnh Đồng Tháp xây dựng cụm nông nghiệp công nghệ cao. Tại cụm công nghiệp này, Lavifood sẽ có nhà máy chế biến, khu sản xuất phân bón, cây giống... Như vậy, sản phẩm của Lavifood sẽ "sạch" từ khâu giống cho đến trồng trọt, thu hoạch, chế biến.

Hiện tại, Lavifood đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình trồng trọt cho nông dân. Với ứng dụng này, người nông dân có thể biết được độ ẩm đất là bao nhiêu và tưới bao nhiêu nước là phù hợp. Ứng dụng này cũng "nhắc" người nông dân ngày nào cần bón phân với liều lượng ra sao, rồi cảnh báo sâu bệnh...

Trong khi đó, công ty biết được vùng đất này phù hợp với cây gì, cần phải bổ sung gì cho đất, từ đó hợp tác với công ty sản xuất phân bón để sản xuất một số loại phân bón đặc thù vừa cải tạo đất vừa tốt cho cây. Nhờ vậy mà Lavifood chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất.

Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Cửa lớn khó qua

Với kinh nghiệm hơn ba năm xuất khẩu sản phẩm sang các nước Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Mỹ..., ông Quốc Thắng cho rằng, muốn sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận phải đầu tư bài bản từ đầu. Đó là công nghệ chuẩn, mô hình tốt và làm thật nghiêm túc. Phải quản lý được vùng trồng để biết cây trái đó đã sử dụng phân bón gì, thuốc trừ sâu gì, đảm bảo không còn dư lượng.

Với xuất khẩu trái cây tươi, lâu nay, nông dân chỉ bán được trái cây loại 1. Điển hình là chỉ có 80% trái thanh long tươi Bình Thuận được xuất khẩu, phần còn lại bà con nông dân phải đổ ra đường để bán cho khách địa phương, khách du lịch, thậm chí đổ bỏ. Với việc đầu tư nhà máy Tanifood có đầy đủ các dây chuyền sản xuất từ tươi đến cô đặc, đóng chai, Lavifood sẽ thu mua tất cả các loại trái cây. Trái cây loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi, loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai...

Ông Phạm Ngọc Ấn tin rằng, trong thời gian tới số lượng rau, củ, quả Việt Nam tiêu thụ tại các nước sẽ tăng vọt. Và khi nhiều doanh nghiệp cùng làm với quy mô lớn và bằng trái tim như Lavifood thì ngành rau, củ, quả Việt Nam sẽ có vị thế cao trên thế giới.

"Chỉ 15 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ có nền nông nghiệp thông minh khi hàng trăm doanh nghiệp làm nông nghiệp và mở rộng các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Nông sản Việt Nam sẽ có mặt ở hầu hết các bàn ăn trên thế giới và nông sản Việt Nam sẽ có chỗ đứng, được mua với giá cao", ông Phạm Ngọc Ấn nói.

Người tiêu dùng nhiều nước rất thích các loại rau, củ, quả nhiệt đới của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng với thực trạng nhỏ lẻ, manh mún, lâu nay người nông dân sử dụng phân, thuốc hóa học không kiểm soát khiến đất đã bị chai, cần phải cải tạo.

"Đó là lý do chúng tôi đưa công nghệ vào để cải tạo đất, giúp người nông dân tăng năng suất, tăng chất lượng trái cây, rau, củ và như vậy cũng đồng nghĩa với việc tăng được giá trị gia tăng. Khi đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá liên kết thì quy mô, năng suất sẽ tăng, nông sản nước ta có thể có chỗ đứng trên thế giới. Và Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành nông nghiệp nếu doanh nghiệp, người nông dân cùng đồng lòng cộng với sự hỗ trợ từ Chính phủ”, ông Phạm Ngọc Ấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm nông nghiệp không nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO