Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung ở Bắc Ninh. Ảnh: Tuyết Ân |
Năm 2008, Samsung khởi công nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh với vốn đầu tư 670 triệu USD. Hiện nay họ đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn 17,3 tỷ USD.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam hơn 54 tỷ USD, đóng góp hơn 25% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Dẫn đầu đầu tư và thương mại
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn, tuy nhiên dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc còn có nhiều tập đoàn lớn khác đang rót hàng tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam, có thể kể như LG, Lotte, CJ, Hyosung, Doosan, Posco, Hyundai, Hanwha... Khởi đầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu là gia công công nghiệp nhẹ, thương mại dịch vụ thì đến nay chiếm thế mạnh trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, bất động sản, xây dựng, năng lượng, phân phối.
Các tập đoàn khác như LG có mặt từ năm 1995 đến nay nguồn vốn đầu tư đã tăng hơn 2,5 tỷ USD tại Việt Nam. Tập đoàn Hyosung có mặt từ 2007 đến nay cũng đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 tỷ USD trong kế hoạch đầu tư đến 6 tỷ USD vào các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thông tin, hóa chất.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến tháng 4/2018, cả nước có 25.524 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 321 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện lũy kế 177,5 tỷ USD, bằng 55,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với hơn 6.760 dự án còn hiệu lực có tổng vốn 59,2 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn FDI). Trong 4 tháng đầu 2018, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu FDI với 2,32 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo ông JunDong Kim - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược gia tăng đầu tư và giao thương giữa Hàn Quốc với ASEAN. Cùng với nguồn vốn đầu tư, Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc với kim ngạch song phương đạt 64 tỷ USD năm 2017, tăng đến 128 lần so với thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Đầu tư thương mại cũng kéo theo giao thương du lịch dịch vụ. Việt Nam đã trở thành điểm đến lớn nhất của du khách Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2017, Hàn Quốc thành đối tác du lịch lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 2,4 triệu lượt khách, tăng hơn 56% so với năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng khách Hàn Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng với 67% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,2 triệu lượt.
Gia tăng đầu tư tài chính
Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vài năm gần đây gia tăng mạnh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với hàng loạt giấy phép đầu tư, mua bán sáp nhập, nắm cổ phần chi phối tại các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm.
Bên cạnh các ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc tại Việt Nam như Shinhan Bank và Woori Bank, hầu hết các ngân hàng lớn khác của nước này đã hiện diện tại Việt Nam như Nonghyup, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, KEB Hana... cùng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ. Riêng lĩnh vực chứng khoán, có đến 5 công ty do Hàn Quốc sở hữu 100% vốn.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện có khoảng 5.000 tài khoản của Hàn Quốc hoạt động trên sàn chứng khoán Việt Nam và xu thế sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Nhiều vụ M&A với các công ty Hàn Quốc gần đây như Công ty Chứng khoán ngân hàng Việt Nam do Ngân hàng Investment & Securities nắm giữ 100% vốn thông qua thương vụ mua lại từ Công ty Chứng khoán Woori.
Ngân hàng KEB Hana đang kỳ vọng nắm giữ 15% cổ phần tại BIDV - một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Hàng loạt thương vụ hợp tác toàn diện đã được ký kết như Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) với BIDV, Agribank với Nonghyup, Daegu Bank với OCB...
Thương vụ đáng kể để gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam có thể thấy ở Tập đoàn Tài chính Shinhan. Ngay sau khi hoàn tất thâu tóm mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, Shinhan tiếp tục chi 151 triệu USD mua đứt Công ty Tài chính tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) có hơn 300.000 khách hàng Việt Nam.
Tập đoàn Lotte hồi tháng 3 đã hoàn tất mua Công ty Tài chính Techcombank trong tham vọng thúc đẩy mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Trước đó Công ty Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset đã mua 50% cổ phần của Prévoir Việt Nam, Samsung Fire & Marine nắm giữ 20% bảo hiểm PJICO.
Với năng lực công nghệ và làn sóng đầu tư rầm rộ của các doanh nghiệp lớn đang kéo theo đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nhà cung ứng, các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc là đối thủ đáng gờm trên thị trường tài chính Việt Nam.
Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Việt Nam dự báo doanh số M&A năm 2018 có thể đạt 10 tỷ USD. Việc cấp phép thành lập các ngân hàng, công ty tài chính sẽ chặt chẽ hơn, nên các doanh nghiệp sẽ thông qua phương thức M&A để mở thị trường, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tận dụng cơ hội từ xu thế này.