Chuyển đổi số, "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp

Thanh Ngân| 29/10/2021 09:08

Trong thời kỳ dịch bệnh và cả "hậu Covid", chuyển đổi số chính là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trước hàng loạt khó khăn, biến thử thách trở thành cơ hội.

Chuyển đổi số,

Lối thoát của doanh nghiệp trong thời giãn cách

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số là chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) để đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19. Các DN trong Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) khi đầu tư vào chuyển đổi số đều mong đợi tăng trưởng doanh thu; quản lý, phân tích dữ liệu và theo dõi các báo cáo kịp thời, nhanh chóng và chính xác; tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; nâng cao năng suất lao động và tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số là cách để các DN giải quyết được sự đình trệ sản xuất, quản lý nhân viên cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ các DN bán hàng trực tuyến, tăng khả năng tiếp cận và quản lý khách hàng thông qua hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), mua hàng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng; vận chuyển an toàn, ít tiếp xúc.

Mặt khác, nhờ có chuyển đổi số, lãnh đạo các DN có thể nắm được tình hình, kiểm soát tiến độ và chất lượng công việc của toàn bộ công ty, tối ưu hóa nguồn lực dù làm việc tại nhà thông qua phần mềm quản lý nguồn lực DN (ERP), theo dõi dòng tiền kịp thời và nhanh chóng, họp trực tuyến để trao đổi công việc….Tất cả các dữ liệu đã được chuyển đổi từ dạng văn bản giấy tờ sang dữ liệu điện tử, giảm thiểu chi phí giao dịch (điển hình đối với ngân hàng), tối ưu chi phí vận hành… 

Tiêu biểu như Ngân hàng Vietbank, trong thời giãn cách, Vietbank vận dụng chuyển đổi số trong giao dịch với khách hàng như rút tiền mặt không dùng thẻ, định danh điện tử (eKYC) các sản phẩm trên nền tảng xã hội, ứng dụng ngân hàng số phục vụ tất cả các nhu cầu của khách hàng, thay thế được 70-80% dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nhiều sản phẩm số mới như mở thẻ, mở tài khoản trực tuyến, công nghệ thẻ không tiếp xúc, phát triển bảo mật thẻ phiên bản cao nhất… 

“Chúng tôi cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử và các công ty bán hàng để khách hàng mua sắm và thanh toán trực tuyến”, ông Đỗ Thanh Nam - Giám đốc Vận hành thẻ và ngân hàng số, Ngân hàng Vietbank cho biết.

Ông Phạm Duy Phú - Tổng giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế FPT (FTI) cho biết, nhờ chuyển đổi số và thay đổi cơ cấu hoạt động nên tình hình kinh doanh năm 2020 - 2021 của công ty vẫn tốt, các hoạt động của FTI như quy trình sử dụng hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số…vẫn diễn ra trơn tru. 

cds-9539-1635321580.jpg

Khẳng định chỗ đứng của DN thời "hậu Covid"

Khảo sát hơn 400 DN do FPT và Base thực hiện hồi tháng 6/2021 cho thấy, dịch bệnh buộc các DN phải đầu tư, ứng dụng các công cụ, hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số…Có đến 90% DN cho biết đang triển khai các giải pháp công nghệ thông tin cho DN của mình. Một số đang tìm kiếm đối tác tin cậy để đưa giải pháp công nghệ thông tin hiệu quả vào hoạt động. Có 39% DN đã triển khai giải pháp để có thể hoạt động từ xa bình thường. 

Nhìn về dài hạn, chuyển đổi số không chỉ giúp các DN vượt qua khó khăn trong đại dịch mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thương trường. Trong xu hướng chuyển đổi số, DN đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”, DN chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần và bị đào thải khỏi thị trường.

BEST Inc - một thương hiệu chuyển phát nhanh đã liên tục đầu tư công nghệ tự động hoá, mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo giải pháp chuyển phát nhanh thông minh với chi phí hợp lý cho khách hàng. Với công nghệ hiện đại, trung tâm phân loại hàng của DN này tại Củ Chi cho công suất xử lý tối đa 1,3 triệu bưu kiện mỗi ngày.

"Chúng tôi tận dụng công nghệ và đổi mới để trao quyền cho đối tác kinh doanh với các dịch vụ giao hàng hiệu quả", ông Johnny Chou - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BEST Inc cho biết.

Ông Trần Văn Viễn - Đồng sáng lập cũng là Giám đốc khu vực phía Nam của Base cho rằng, DN nhỏ có khả năng xoay chuyển linh hoạt nhưng tính hệ thống, cấu trúc chưa ổn định. Vì vậy, khi chuyển đổi số, đầu tiên các DN nhỏ phải cấu trúc hệ thống, sau đó mới số hoá, tự động và thông minh hoá.

Trong thời “hậu Covid-19”, để giúp các DN tiếp cận chuyển đổi số, cộng đồng DN PROFIT500 đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đồng thời giản lược tối đa thủ tục để DN tiếp cận được các gói hỗ trợ; cắt giảm và gia hạn nộp thuế; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên không gian số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi số, "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO