Muốn chặn thao túng, phải minh bạch

LAM ANH| 10/12/2014 09:32

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng các ngân hàng (NH) nên công bố chính xác nợ xấu để nhà đầu tư có thể cân đối chính xác được những khoản đầu tư.

Muốn chặn thao túng, phải minh bạch

Cùng với việc xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, NHTM cũng phải đẩy nhanh tình trạng xác định khoản nợ xấu xuất phát từ các cổ đông đang nắm tỷ lệ cổ phần NH vượt trần cho phép. Bởi việc làm này dễ xử lý nhất trong các trường hợp sở hữu chéo hiện nay.

Đọc E-paper

Cụ thể, đang tồn tại 6 nhóm:

Nhóm 1 là sở hữu của các NH trong nước và nước ngoài tại các NH liên doanh; nhóm 2 là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM trong nước; nhóm 3 là cổ đông tại các NH là các công ty quản lý quỹ; nhóm 4 là sở hữu của các NHTM Nhà nước tại các NHTMCP; nhóm 5 là sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP; nhóm 6 là sở hữu NH cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.

Nói như TS. Trần Du Lịch, tái cấu trúc ngành NH cũng với mục đích xóa được tình trạng sở hữu chéo đã thao túng lĩnh vực này trong những năm qua. Vì thế, việc xóa sổ tình trạng cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần để thao túng là cần thiết, ngoài việc lành mạnh hóa hệ thống còn có thể đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp của cá nhân ông Trầm Bê và người thân trong gia đình được xem là điển hình. Ông Bê từng là Phó chủ tịch HĐQT Southern Bank và mặc dù hiện đã thôi giữ chức nhưng vẫn là cổ đông lớn, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ chiếm tới 8,36% vốn điều lệ.

Nếu chiểu theo quy định tại Luật các TCTD năm 2010 thì rõ ràng ông Bê đã vi phạm luật, vượt trần sở hữu cho phép đối với một cá nhân là 5% tại một TCTD. Đồng thời, nếu cộng lại tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bê tại Southern Bank vượt 20% cho phép.

Cụ thể, con trai ông Bê là ông Trầm Trọng Ngân nắm tỷ lệ cổ phần 4,42% tại Southern Bank; con gái Trầm Thuyết Kiều nắm 7,36%; và con rể Lê Trọng Trí (chồng bà Kiều) nắm 0,67%. Trong khi đó, tại với vị trí điều hành Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, bản thân ông Bê và người thân trong gia đình cũng sở hữu một khối lượng cổ phần khá lớn với tỷ lệ trên 6% và đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại NH này.

Hiện tại, các cá nhân trên vẫn mong muốn được sáp nhập vào Sacombank để xóa được dấu tích về việc sở hữu chéo giữa hai NH là Southern Bank và Sacombank. Tuy nhiên, với Thông tư 36, việc làm này cũng sẽ không thể thực hiện được nữa. Theo các chuyên gia, giải quyết vấn đề cá nhân trước, sau đó sẽ giải quyết vấn đề DN sở hữu lẫn nhau.

"Chỉ có như vậy, mới chấm dứt được việc sở hữu dẫn đến thao túng, chi phối, phục vụ cho lợi ích, đẩy NH đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định. Thậm chí, chấm dứt được tình trạng thâu tóm NH", vị chuyên gia nói.

Thừa nhận điều này, chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi cũng cho rằng, chỉ khi nào công khai, minh bạch về các số liệu liên quan của các NHTM mới có thể tháo gỡ được tình trạng sở hữu chéo và xóa bỏ được tình trạng lách luật để sở hữu cổ phần vượt quá quy định. Đối với cổ đông ngành NH, hiện nay họ đang bị thiệt thòi về cổ tức, tài sản cũng có thể mất luôn khi các NH bị phá sản hoặc sáp nhập.

Như vậy, Chính phủ cần có những chính sách thúc đẩy NH minh bạch hơn để bảo vệ nhà đầu tư. Muốn kiểm soát sở hữu chéo hiện nay, bên cạnh Thông tư 36, cần phải có giải pháp kiểm soát quá trình thực hiện và có thể hình sự hóa các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo bổ sung vào luật dân sự để ngăn ngừa hành vi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn chặn thao túng, phải minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO