![]() |
Trong tuần giao dịch từ ngày 16-20/9/2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 545 tỷ đồng trên sàn HOSE, 13,4 tỷ đồng trên sàn HNX. Ngoại trừ phiên ngày 18/9/2019 mua ròng, 4 phiên giao dịch còn lại đều chứng kiến khối ngoại bán ròng, trong đó phiên cuối tuần qua ngày 20/9/2019, thời hạn cuối các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục kỳ quý III/2019, ghi nhận giá trị bán ròng lên đến 367 tỷ đồng.
Cụ thể trong tuần qua, nhóm quỹ mở đã rút ròng đến 113 tỷ đồng, tương đương 4,8 triệu USD trong tuần qua, trong đó riêng nhóm quỹ Hàn Quốc rút ròng 1,6 triệu USD. Nhóm quỹ ETF như VFM VN 30 rút 1,5 triệu USD, trong khi Van Eck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) rút 1,6 triệu USD, với NT2 là mã bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng trên 200.000 cổ phiếu. Tiếp sau đó, POW bị bán ròng với khối lượng lớn hơn 100.000 cổ phiếu.
Ngày 20/09/2019, tổng giá trị tài sản ròng của VNM ETF ở mức 459,7 triệu USD. Sau hai tuần đứng yên, tính từ tuần 24-30/08/2019, tổng giá trị tài sản ròng của VNM ETF tăng khoảng 10,6 triệu USD. Giá trị tài sản ròng (NAV) và giá chứng chỉ quỹ cũng thấp hơn so với tuần trước, ghi nhận 16,19 USD/ccq và 16,04 USD/ccq.
Trước hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF và động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại, chứng khoán Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trên đường đi lên và VN Index vẫn chưa thể quay lại mốc 1.000 điểm như kỳ vọng, dù thời gian qua liên tiếp đón nhận các thông tin tích cực về lãi suất.
Việc khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng suốt thời gian qua, dù gần đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất cơ bản USD thêm 0,25% là một diễn biến không mấy tích cực. Về cơ bản, khi các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ, dòng tiền có xu hướng chảy vào những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Tuy nhiên, có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại về câu chuyện tỷ giá nhiều hơn. Trước xu hướng nhân dân tệ bị mất giá mạnh, áp lực giảm giá lên tiền đồng là khá lớn tuy nhiên thực tế thời gian qua VND vẫn tăng giá so với USD và nhiều đồng tiền khác trong khu vực. Vì vậy, không ít người cho rằng nhà điều hành sẽ có các biện pháp để làm giảm giá trị tiền đồng vốn đang gây bất lợi cho hoạt động thương mại.
Thực tế là mới đây Ngân hàng Nhà nước đã giảm một loạt lãi suất điều hành để giúp ổn định mặt bằng lãi suất đồng thời tác động gián tiếp lên tỷ giá, kéo tỷ giá USD/VND trên thị trường lên cao hơn. Tuy nhiên, sau đợt giảm lãi suất vừa qua của FED khiến đồng USD suy yếu, tỷ giá USD/VND lại quay trở lại mức như trước khi giảm lãi suất điều hành.
Hệ quả là các nhà đầu tư quốc tế có thể lo ngại sẽ có thêm các biện pháp đưa ra để phá giá tiền đồng, mà từ đó sẽ ảnh hưởng lên giá trị các khoản đầu tư của mình. Do đó lựa chọn tạm thời thoát ra dường như vẫn đang được ưu tiên như từ đầu tháng 8/2019 đến nay. Thống kê trước đó cho thấy khối ngoại đã bán ròng lên đến gần 1,8 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường trong tháng 8 vừa qua, trong đó riêng sàn HOSE bị bán ròng đến 1,75 nghìn tỷ đồng, đánh dấu tháng bán ròng lớn nhất kể từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng các nhà đầu tư nước ngoài tạm thoái vốn khỏi danh mục hiện tại để chuẩn bị tham gia vào các thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn hàng loạt “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, nhất là khi lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn sẽ được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian còn lại của năm nay.