Đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết: Nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư

Gia Lê| 01/03/2023 06:00

Việc cổ phiếu doanh nghiệp (DN) bị đình chỉ hay hủy niêm yết luôn là nỗi ám ảnh với không ít nhà đầu tư, khi nhiều người dù muốn cắt lỗ, thoát ra nhưng cũng không thể, khiến dòng vốn đầu tư gần như chết dí trong nhiều năm...

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là nỗi ám ảnh của nhiều nhà đầu tư

Cổ phiếu bị hủy niêm yết là nỗi ám ảnh của nhiều nhà đầu tư

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2/2023 vì "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin". Trước đó, từ đầu tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu FLC đã bị HoSE chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin. HoSE cho biết, lý do là DN này chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay. Từ đó đến nay, FLC vẫn chưa thể thực hiện các công việc này.

Không chỉ vậy, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của các công ty khác thuộc "họ FLC" cũng đang đứng ngồi không yên, bởi các cổ phiếu này đang bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết bởi nhiều vi phạm, khiến nhà đầu tư dù muốn cũng khó lòng thoát ra được.

Những lo ngại về nhóm cổ phiếu FLC đã sớm phát xuất từ đầu năm 2022, khi chủ tịch tập đoàn này là ông Trịnh Văn Quyết bị phát hiện bán chui hàng chục triệu cổ phiếu FLC trên sàn, bị bắt vào cuối tháng 3/2022 với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Vì vậy, dù cổ phiếu FLC sau đó liên tục giảm sàn, không ít hội nhóm nhà đầu tư kêu gọi bắt đáy.

Việc cổ phiếu DN bị đình chỉ hay hủy niêm yết luôn là nỗi ám ảnh với không ít nhà đầu tư, khi nhiều người dù muốn cắt lỗ, thoát ra nhưng cũng không thể, khiến dòng vốn đầu tư gần như chết dí trong nhiều năm cho đến khi cổ phiếu được niêm yết, giao dịch trở lại. Thậm chí nhiều trường hợp nhà đầu tư mất trắng nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết và công ty không thể khắc phục được các nguyên nhân dẫn tới tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc để có thể đăng ký cổ phiếu giao dịch trở lại trên UPCoM.

Tuy việc hủy niêm yết chứng khoán là điều mà các nhà đầu tư không mong muốn, nhưng không thể phủ nhận được quy định này sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, thanh lọc, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, gây lũng đoạn thị trường.

Đáng lưu ý là ngoài những vi phạm về công bố thông tin, các DN kinh doanh kém hiệu quả, lỗ liên tiếp cũng có thể rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định, mà trường hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) với lỗ ròng 10.4532 tỷ đồng trong năm 2022, nâng lỗ lũy kế lên mức kỷ lục 34.200 tỷ đồng và đẩy vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết: Nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO