Cổ phiếu nào sẽ được lợi từ RCEP?

Khánh Phương| 26/11/2020 07:47

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên. Với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa mới được ký kết, liệu những cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi trong thời gian tới?

Chất xúc tác mới

Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn thăng hoa từ đầu tháng 11 đến nay, với VN-Index đã quay trở lại đỉnh cũ đạt được vào cuối tháng 10, quanh 970 điểm. Điểm số bứt phá cũng đi kèm với khối lượng giao dịch gia tăng, đặc biệt đợt tăng vừa qua chứng kiến dòng tiền lan tỏa rộng hơn, thay vì chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như tháng 10 trước đó.

RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 vừa qua, gồm 15 quốc gia là 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, được xem là chất xúc tác quan trọng cho thị trường bứt phá gần đây. 

bai-1-co-phieu-1-3354-1606276686.jpg

Không riêng gì Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á trong khu vực cũng tăng mạnh sau khi RCEP được ký kết. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chỉ trong một phiên ngày 16/11/2011 đã tăng hơn 600 điểm, tương đương tăng 2,5%, trong khi chỉ số Topix tăng 1,7%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng hơn 2%, chỉ số ASX 200 của Úc tăng hơn 1,2%. 

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thương mại quốc tế trì trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, RCEP được kỳ vọng sẽ làm cho thương mại trong khu vực phục hồi, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng trở lại khi có đến 92% dòng thuế được gỡ bỏ.

Đáng lưu ý là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài gần đây có dấu hiệu mua ròng trở lại. Sau phiên mua ròng hơn 207 tỷ đồng trên sàn HoSE vào ngày 13/11/2020, phiên 18/11/2020, nhóm này lại mua ròng gần 460 tỷ đồng. Thời gian qua, việc khối ngoại bán ròng với giá trị lớn đã gây áp lực đáng kể lên thị trường, kìm hãm đà tăng của nhiều cổ phiếu.

Những lĩnh vực được lợi

Ngành logistics có lẽ luôn là một trong những ngành đầu tiên được lợi từ bất kỳ FTA mới nào được ký kết. Sau Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua, chỉ hơn ba tháng sau Việt Nam đã chào đón thêm một hiệp định mới được ký kết là RCEP, sau quá trình đàm phán suốt 8 năm.

Có thể kể đến cổ phiếu Công ty CP Gemadept chỉ trong vòng 8 phiên, từ ngày 9-18/11/2020 đã tăng gần 20%, cổ phiếu Công ty CP Cảng Đoạn Xá tăng gần 14%, cổ phiếu Công ty CP  Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng hơn 13%, cổ phiếu Công ty CP ICD Tân Cảng - Long Bình tăng gần 35%...

Nhóm thứ hai là bất động sản khu công nghiệp, khi càng nhiều FTA sẽ càng giúp Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia có khuynh hướng đề cao chủ nghĩa bảo hộ và thiết lập hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng hóa đến từ các nước chưa ký kết FTA song phương hay đa phương.

Cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG chỉ trong 4 phiên từ ngày 13-18/11/2020 đã tăng hơn 22%, Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên tăng 16%, Công ty CP Sonadezi Long Thành tăng hơn 8%, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp tăng gần 7%.

123545-4693-1606276686.jpg

Với những ngành được gỡ bỏ thuế quan, các ngành nông sản, thực phẩm chế biến hay giày dép sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi đây là thế mạnh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Đặc biệt đối với hàng nông sản, thời quan qua, Trung Quốc đã siết nhập khẩu nông sản từ Việt Nam bằng cách hạn chế nhập hàng qua tiểu ngạch, tăng cường hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, với RCEP mới được ký kết có sự tham gia của Trung Quốc, chính sách hàng rào bảo hộ phải được bãi bỏ giúp “cuộc chơi” công bằng hơn.

Đối với ngành dệt may, nếu như ở Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo quy tắc xuất xứ nội khối khiến Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng với RCEP sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng như những ưu đãi về thuế cho thị trường đầu ra.

Nhóm cổ phiếu dệt may gần đây cũng đã có dấu hiệu hút dòng tiền khá tốt. Cổ phiếu Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công chỉ trong ba phiên đầu tuần này đã tăng hơn 7%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tăng xấp xỉ 12%, Công ty CP May Sông Hồng tăng hơn 13%. 

Cần biết rằng, dù Việt Nam đã có nhiều hiệp định FTA song phương, đa phương với từng quốc gia hoặc nhiều quốc gia trong nhóm tham gia RCEP, tuy nhiên, mức độ cam kết ưu đãi thuế quan của RCEP mạnh hơn tất cả hiệp định đã ký kết trước đó. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn mức ưu đãi thuế quan có lợi nhất cho từng mặt hàng xuất khẩu đến các quốc gia trong khối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu nào sẽ được lợi từ RCEP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO