Chứng khoán Hàn Quốc đổ bộ Việt Nam

Khánh Phương| 30/09/2020 06:00

Với nội lực mạnh sau khi tăng vốn, tỷ lệ an toàn ở mức cao, trong khi có thể nhận được tài trợ vốn rẻ từ công ty mẹ, các công ty chứng khoán (CTCK) Hàn Quốc không chỉ mạnh tay giảm những loại phí giao dịch mà còn đưa ra các chính sách cho vay margin đủ để thu hút nhiều khách hàng.

Thâu tóm và tăng vốn

Vào những ngày cuối tháng 8, Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép hoạt động với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, The Kwangju Bank Ltd. - ngân hàng thương mại thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group sở hữu 100%. 

Được biết, nhà đầu tư Hàn Quốc này lập chứng khoán JB thông qua việc mua đứt CTCK Morgan Stanley Gateway (MSGS) - tiền thân là Chứng khoán Hướng Việt được thành lập tháng 12/2006, sau đó đã đổi tên thành Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt khi nhận 49% vốn góp của Morgan Stanley. Thương vụ này đã được Kwangju Bank ký thỏa thuận vào cuối năm 2019, nội dung mua lại MSGS với giá 382,4 tỷ đồng (16,5 triệu USD). 

bai-2-phi-giao-dich-Pinetree-4321-160129

Ngày 17/9/2020, thị trường lại xôn xao trước thông tin 11 cá nhân trong nước là cổ đông của SJCS đã chuyển nhượng toàn bộ 3,45 triệu cổ phiếu Công ty CP Chứng khoán SJC (SJCS), tương đương tỷ lệ 65,01% cổ phần cho đối tác đến từ Hàn Quốc là Asam Asset Management. Đây là thương vụ thâu tóm thứ hai của các tập đoàn Hàn Quốc với CTCK Việt Nam chỉ trong vòng một tháng qua. Chỉ mới cách đây 9 tháng, Tập đoàn Hanwha đã mua lại CTCK HFT và đổi tên thành CTCK Pinetree. Năm 2018, Tập đoàn Tài chính KB (KBFG) của Hàn Quốc, thông qua việc mua lại CTCK Maritime (MSI), đổi tên công ty thành CTCK KB Việt Nam (KBSV). 

Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của 8 CTCK có vốn Hàn Quốc, bao gồm Chứng khoán KIS (tiền thân là CTCK Gia Quyền), Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree (tiền thân là CTCK HFT), Chứng khoán KB Việt Nam (tiền thân CTCK Maritime), Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là CTCK Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân CTCK Woori CBV) và hai thương vụ mới đây gồm Chứng khoán JB Việt Nam và Chứng khoán SJCS như đã kể trên.

Sau khi thâu tóm, các đối tác Hàn Quốc còn mạnh tay tăng vốn cho các CTCK để tăng lợi thế cạnh tranh, do có sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ. Đơn cử như Mirae Asset đang là CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, sau khi nâng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ đồng lên mức gần 5.460 tỷ đồng trong năm 2019.  Được biết tập đoàn mẹ của Mirae Asset đang quản lý tổng tài sản 398 tỷ USD, xếp thứ 18 toàn cầu về quỹ hoán đổi danh mục với mạng lưới 35 văn phòng và hoạt động tại 15 quốc gia. 

Hay như Kwangju Bank cho biết sẽ tăng vốn MSGS gấp đôi, lên 600 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ. Các CTCK Hàn Quốc khác cũng tích cực tăng vốn, với 10 nhà môi giới có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay có sự góp mặt của ba đại diện Hàn Quốc là Mirae Asset, KBSV và KIS.

Thị phần không ngừng gia tăng

Cũng cần biết, khi mới vào thị trường Việt Nam, các CTCK có vốn Hàn Quốc chưa tạo được nhiều dấu ấn, khi quá trình hậu thâu tóm các CTCK Việt quy mô nhỏ và yếu kém, trong khi bộ máy mới của các ông chủ Hàn Quốc chưa thể hiện được khả năng tạo ra hiệu quả, thậm chí có công ty phải "chào thua" thị trường. Nhưng mọi thứ giờ đây đã khác, khi các công ty này đã trở thành đối thủ đáng gờm trong hơn hai năm trở lại đây.

Với nội lực tài chính mạnh mẽ sau khi tăng vốn, các tỷ lệ an toàn ở mức cao, trong khi có thể nhận được tài trợ vốn rẻ từ công ty mẹ bất cứ lúc nào, các CTCK Hàn Quốc không chỉ mạnh tay giảm các loại phí giao dịch, mà còn đưa ra các chính sách cho vay margin "tuyệt vời" đủ để thu hút khách hàng chuyển sang giao dịch tại đây.

4224343-4002-1601298509.jpg

Đơn cử như Pinetree được Hanwha "chống lưng" - tập đoàn đứng thứ 7 về quy mô trong số các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, dù chỉ mới ra mắt thương hiệu mới vào đầu tháng 12/2019, nhưng đã khiến thị trường phải chú ý khi chào hàng chính sách miễn phí giao dịch trọn đời. Gói lãi suất margin chỉ 6,8%/năm cũng được Pinetree tung ra, dù chỉ áp dụng trong khoảng hai tháng nhưng cho thấy tiềm lực của "tay chơi" mới. 

So với phí giao dịch, việc thay đổi lãi suất margin sẽ tác động mạnh vào tâm lý cũng như quá trình ra quyết định của nhà đầu tư, khi tiết giảm được chi phí vốn chính là nâng cao lợi suất thực. Theo đó, các CTCK duy trì mức lãi suất cho vay cao chắc chắn sẽ ngày càng thấy rõ áp lực khi khách hàng nếu tuân theo nguyên tắc tối ưu hóa chi phí, sẽ dịch chuyển dần về các CTCK có mức lãi margin thấp hơn. 

Thống kê cho thấy dư nợ cho vay của khối CTCK có vốn Hàn Quốc trong quý II có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, dư nợ của Mirae Asset tăng tới hơn 71%, lên mức 8.575 tỷ đồng, trở thành CTCK dẫn đầu về dư nợ margin trên thị trường. KIS và KBSV có dự nợ lần lượt tăng 22% và 12,5%, đạt 3.083 tỷ đồng và 2.339 tỷ đồng.

Với Pinetree và NH, tuy quy mô dư nợ chưa lớn nhưng cũng ghi nhận kết quả tăng mạnh dư nợ trong năm qua, với mức tăng trưởng tương ứng 314% và 128% so cùng kỳ 2019. Theo đó, tổng dư nợ của riêng 5 công ty trên là 14.448 tỷ đồng, chiếm đến 26% tổng dư nợ của các CTCK.

Trước đó, năm 2019 Mirae Asset cũng đã vượt qua nhà môi giới cổ phiếu số một Việt Nam là SSI, để vươn lên dẫn đầu cho vay giao dịch chứng khoán. Hãng này cùng với KBSV là hai đơn vị có mức tăng trưởng số dư cho vay cao nhất, với các tỷ lệ lần lượt 93% và 84%.

Hai công ty trên cũng góp mặt trong danh sách 10 nhà môi giới có thị phần lớn nhất vào năm 2019, với Mirae Asset có thị phần 4,47% xếp hạng 6 và KIS là 3,08% xếp hạng 10, trong khi chỉ một năm trước đó không đại diện nào góp mặt. Còn nếu chỉ tính riêng quý IV, một đại diện Hàn Quốc nữa là KBSV cũng lọt top 10 với 3,9% thị phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán Hàn Quốc đổ bộ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO