Chờ đợi trở lại mốc 1.200 điểm

Khánh Phương| 13/01/2021 06:00

Kết thúc năm 2020 ở mức trên 1.100 điểm, cao nhất trong 2 năm rưỡi qua, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm chinh phục lại 1.200 điểm trong năm 2021. Liệu những yếu tố nào có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục đà đi lên bền vững.

Chờ đợi trở lại mốc 1.200 điểm

Màn trình diễn của F0

TTCK Việt Nam đã khép lại một năm 2020 không thể nào “ngọt ngào” hơn, với chỉ số VN-Index tăng gần 15% và kết thúc năm trên mốc 1.100 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2018. Chỉ số HNX Index thậm chí còn tăng gần gấp đôi, lên 203 điểm, mức cách xa đỉnh cao 138 điểm đạt được vào tháng 4/2018. Chỉ số UPCoM Index dù khiêm tốn nhưng cũng đạt mức tăng trưởng 32%, đóng cửa tại 74,5 điểm, cao nhất trong 6 năm qua.

Nếu so với mức đáy vào cuối tháng 3/2020, chỉ số VN-Index đã đạt mức tăng trưởng đến 70%, HNX Index tăng 122% và UPCoM Index tăng 57%. Đi kèm với điểm số là thanh khoản thị trường cũng ngày càng tăng vọt kể từ đầu tháng 10, đặc biệt là tháng cuối năm khi khối lượng giao dịch thường xuyên trên mức 700 triệu cổ phiếu tính riêng trên sàn HoSE, giá trị giao dịch duy trì từ 13.000-14.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền luân chuyển ồ ạt đến nỗi hệ thống bị quá tải khiến HoSE phải đề xuất nâng lô giao dịch kể từ đầu năm 2021.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh bị trì trệ, số người có việc làm bị ảnh hưởng đến nguồn thu nhập không nhỏ, một lực lượng đáng kể trong số này đã tham gia đầu tư vào TTCK. Không ít doanh nghiệp với nguồn vốn nhàn rỗi do sản xuất, kinh doanh, giao thương chậm lại nên cũng tìm cơ hội “đánh quả” trên TTCK.

Đặc biệt, thị trường cũng được hỗ trợ bởi lãi suất thấp, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục đi xuống và đã rớt về mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, càng kích thích những người có thói quen gửi tiết kiệm tìm đến các kênh đầu tư khác. Trong đó, chứng khoán với “màn trình diễn chói sáng” trong năm qua là một lựa chọn ưa thích của nhiều người. 

Thống kê cho thấy đã có đến hơn 820 cổ phiếu đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên trong năm 2020, trong đó có hơn 360 mã cổ phiếu tăng từ 50% trở lên, cá biệt có hơn 150 cổ phiếu đạt mức tăng trưởng tính bằng lần. Nếu so với mức lãi suất tiết kiệm chỉ từ 6-7%/năm, sự hấp dẫn của TTCK khó có thể cưỡng lại được.

Bên cạnh đó, những khóa học, sách vở về làm giàu, đầu tư, quản trị tài chính cá nhân ngày càng trở nên phổ biến và truyền thông rầm rộ cũng thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm cơ hội ở các kênh đầu tư. Những số liệu khảo sát cũng cho thấy từ khóa “đầu tư chứng khoán” được tìm kiếm trên Google trong năm 2020 tăng mạnh, phản ánh sự quan tâm tới TTCK tăng cao trở lại.

Chờ đợi mốc 1.200 điểm

Với những gì đã thể hiện, TTCK tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021 và thu hút thêm nhiều “tay chơi” tham gia, thậm chí một quỹ đầu tư nước ngoài gần đây còn dự báo chỉ số VN-Index lên mục tiêu 1.800 điểm trong tương lai gần là có cơ sở.

Các công ty chứng khoán (CTCK) trong nước cũng đưa ra những mục tiêu tuy khiêm tốn hơn nhưng mẫu số chung là kỳ vọng TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, CTCK KBSV dự báo chỉ số VN-Index có thể vượt vùng đỉnh 1.200 điểm trong năm 2021 trước khi chịu áp lực điều chỉnh và quay trở lại giao dịch ổn định quanh mốc này. CTCK MBS cho rằng VN-Index có thể chinh phục mốc 1.200 điểm, trong khi CTCK Rồng Việt còn lạc quan hơn khi tin rằng mức cao nhất mà chỉ số này có thể đạt được là 1.271 điểm, ngược lại VN-Direct thận trọng hơn khi dự báo VN-Index sẽ dừng lại ở mốc 1.180 điểm. CTCK VCBS không đưa ra con số cụ thể mà chỉ dự báo mức cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chính có thể tăng khoảng 8-15% so với cuối năm 2020. Nếu xét mức đóng cửa của VN-Index tại ngày cuối năm 2020 gần 1.104 điểm, thì mục tiêu của năm 2021 tính theo dự báo VCBS có thể nằm từ 1.192 - 1.270 điểm. 

Tương tự, CTCK SSI đưa ra kịch bản cơ sở, với việc sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021, tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%. Mới đây, Giám đốc SSI Research đã phát biểu rằng VN-Index vượt 1.200 điểm không phải quá khó, nhưng quan trọng doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng.

Đã có đến hơn 820 cổ phiếu đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên trong năm 2020, trong đó có hơn 360 mã cổ phiếu tăng từ 50% trở lên, cá biệt có hơn 150 cổ phiếu đạt mức tăng trưởng tính bằng lần. Nếu so với mức lãi suất tiết kiệm chỉ từ 6-7%/năm, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán khó có thể cưỡng lại được.

Cũng theo phân tích của SSI, năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 23% sau khi giảm 17% trong năm 2020. Tương tự, VNDirect dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1,8% trong năm 2021.

Ngoài triển vọng phục hồi kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn, tiềm năng tăng giá của thị trường còn được hỗ trợ bởi các yếu tố như khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE cũng như được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong năm sau. Việc vắc xin chống  Covid-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến cũng giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư, hay kỳ vọng thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2021 cũng có thể thu hút thêm dòng tiền rót vào TTCK.

Trong khi đó, nhiều dự báo cũng cho thấy dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài sau khi bán ròng trong năm 2020 sẽ sớm quay trở lại trong năm 2021. Với triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn và giá trị đồng nội tệ được giữ ổn định trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 2021, tiền đồng có thể chịu áp lực tăng giá so với USD, khối ngoại sẽ loại bớt được rủi ro tỷ giá trong chiến lược đầu tư. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chờ đợi trở lại mốc 1.200 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO