Chứng khoán giảm sốc và chuyện bắt đáy, đỡ giá

Khánh Phương| 27/05/2022 02:07

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam kéo dài đà giảm điểm từ đầu tháng 4 đến nay, với không ít phiên hàng loạt cổ phiếu giảm sàn "trắng bên mua", nhiều cổ đông lớn đã bắt đầu đăng ký mua vào nhằm đỡ giá và bắt đáy.

Liên tiếp đăng ký mua

Mới đây, ông Phạm Bá Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP MHC đã mua 1 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 2,4%) theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 27/4 - 18/5/2022, giai đoạn thị giá MHC lao dốc mạnh và đã giảm đến 50% tính từ đầu năm. Chiếu theo giá bình quân trên sàn, thương vụ có giá trị khoảng 8 tỷ đồng. Tại Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt Nam, bà Đinh Thị Kim Huế vừa mua 700.000 cổ phiếu VNI vào ngày 6/5/2022, chính thức trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,76%. 

Tại Công ty CP Thiết bị Bưu điện, ông Nguyễn Tuấn Hà, em bà Nguyễn Thị Bích Hồng - thành viên HĐQT đã mua 574.280 cổ phiếu ngày 11/5/2022, tương đương 2,96% vốn của POT. Hay như ở Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, bà Nguyễn Thị Minh Thư - vợ Phó chủ tịch HĐQT Tạ Nam Bình đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ ngày 19/5 - 18/6/2022. Cả bà Thư và ông Bình đều chưa sở hữu cổ phiếu trước giao dịch. Nếu mua thành công 1 triệu cổ phiếu, bà Thư sẽ nắm giữ tỷ lệ 1,7% vốn DBD. Tại Công ty CP Thép Nam Kim, ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch HĐQT cũng ra tay "đỡ giá” khi đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu từ ngày 23/5 - 21/6/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính rung chuông kết thúc phiên giao dịch tại sàn NYSE

Thủ tướng Phạm Minh Chính rung chuông kết thúc phiên giao dịch tại sàn NYSE

Tại Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt, sau khi thoái vốn bớt vào cuối năm 2021 tại vùng giá đỉnh cao, tận dụng đợt giảm mạnh gần đây của cổ phiếu TVC khi đã rớt 64% từ đỉnh, ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT đã mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu từ ngày 4-12/5/2022 trong tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Mới đây, Công ty TNHH MTV Tùng Trí Việt, cũng liên quan đến ông Tùng, đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt trong thời gian từ ngày 18/5 - 10/6/2022 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. 

Ngoài mục tiêu củng cố và tăng tỷ lệ sở hữu, cũng như đỡ giá cho cổ phiếu, việc thị trường giảm mạnh cũng trở thành cơ hội cho các thương vụ thâu tóm được tiến hành nhanh hơn. Như tại Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty CP DRH Holdings - cổ đông lớn và cũng là công ty có liên quan đến Chủ tịch HĐQT, vừa đăng ký mua thêm cổ phiếu để gia tăng sở hữu. Cụ thể, DRH đăng ký mua 3,7 triệu cổ phiếu KSB trong thời gian từ ngày 23/5 - 21/6/2022 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại KSB từ 25,03% lên mức 29,88%. Hay như Công ty TNHH Năng lượng REE đăng ký mua thêm 500.000 cổ phiếu của Công ty CP Thủy điện Miền Trung từ ngày 25/5 - 22/6/2022, để nâng tỷ lệ sở hữu từ 23,81% lên 24,15%.

Nhiều biện pháp ổn định thị trường

Việc các cổ đông lớn bắt đáy ngay tại thời điểm này dường như là phù hợp, khi giá cổ phiếu đã giảm quá nhanh và quá sâu chỉ trong thời gian ngắn, do đó khả năng hồi phục trong ngắn hạn là rất lớn, nhất là khi các cơ quan quản lý đang triển khai hàng loạt biện pháp ổn định thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư trong những ngày gần đây.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã yêu cầu các Sở Giao dịch Chứng khoán công bố thông tin về giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán. Và từ ngày 17/5/2022 vừa qua, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã bắt đầu cung cấp thông tin này trở lại sau hơn hai tháng tạm ngưng.

Thống kê cho thấy trong phiên ngày 17/5/2022, nhóm tự doanh đã mua ròng 156 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đồng thời, UBCKNN còn yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên, phải công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

Việc các cổ đông lớn bắt đáy ngay tại thời điểm này dường như là phù hợp, khi giá cổ phiếu đã giảm quá nhanh và quá sâu chỉ trong thời gian ngắn, do đó khả năng hồi phục trong ngắn hạn là rất lớn, nhất là khi các cơ quan quản lý đang triển khai hàng loạt biện pháp ổn định thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư trong những ngày gần đây.

UBCKNN cũng chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn, thay vì giá đóng cửa phiên ATC để tránh những tác động bất lợi đến thị trường cơ sở.

Đối với phiên giao dịch phái sinh hằng ngày sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm giải pháp phù hợp. UBCKNN cũng chỉ đạo đưa ra các biện pháp để sớm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sớm nhất.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc tại sàn NYSE, đã chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Mỹ, trong đó có văn bản hợp tác giữa UBCKNN Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Đáng lưu ý, thanh khoản hồi phục trong cả những phiên thị trường đỏ lửa cũng cho thấy dấu hiệu của dòng tiền bắt đáy để tận dụng nhịp giảm sâu và mạnh vừa qua, dù dòng tiền này vẫn còn khá dè dặt nhưng đó vẫn là một tín hiệu tốt. Xét về nhóm ngành, dòng tiền bắt đáy có xu hướng tập trung ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, xây dựng và bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán giảm sốc và chuyện bắt đáy, đỡ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO