Chưa nhiều doanh nghiệp "mặn" với thương mại điện tử

Dương Nguyễn - Tấn An| 01/02/2021 06:00

Thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá giúp doanh nghiệp (DN) tăng trưởng trong bối cảnh công nghệ số được ứng dụng rộng rãi và thị trường ngăn cách do dịch Covid-19. Thế nhưng, chưa có nhiều DN Việt Nam tận dụng hoặc thành công từ công cụ này.

bai-1-IMG-9743-1760-1611732858.jpg

Sàn trong nước: Chưa phải “mỏ vàng”

Là DN kinh doanh nước giải khát gần 30 năm qua, Công ty Đại Quang Minh (Bidrico) đã sớm mở rộng kênh bán hàng qua TMĐT. Thế nhưng, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Bidrico thừa nhận, chưa thu được kết quả như mong muốn. Bidrico bán hàng qua hầu hết các kênh trong nước (B2B có kênh Telio, B2C “phủ sóng” các trang như Shopee, Tiki, Lazada...). Cho đến nay, Bidrico thấy rằng TMĐT dù trong nước hay nước ngoài cũng chỉ giúp DN làm marketing là chính. “Doanh thu các kênh TMĐT chỉ đóng góp khoảng 8% doanh thu của Bidrico, còn lại phần lớn vẫn ở kênh truyền thống và xuất khẩu trực tiếp”, ông Hiến chia sẻ.

Theo ông Hiến, bán hàng qua kênh TMĐT có nhiều cái khó như việc không gặp và trao đổi trực tiếp sẽ làm chậm tiến độ bán hàng. Mức phí xây dựng kênh bán hàng TMĐT trong nước thường không đáng kể, nhưng bán ra nước ngoài thì không nhỏ.

Tại Công ty CP Bibica, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Hoàng cho biết: “Đã tham gia các kênh TMĐT nhưng đóng góp rất nhỏ vào cơ cấu doanh thu của công ty. Bánh kẹo là mặt hàng có giá trị nhỏ, người tiêu dùng Việt có thói quen mua ở các tiệm gần nhà, trong siêu thị hoặc tiện đường đi. Do giá bánh kẹo tương đối thấp nên sẽ khó đảm bảo chi phí giao hàng. Các mặt hàng có giá trị cao như đồ gia dụng, đồ điện tử thì dễ bán trên các sàn TMĐT hơn. Dù vậy, Bibica vẫn tiếp tục phát triển kênh này để gia tăng cơ hội bán sản phẩm, khi thói quen người dùng thay đổi thì công ty đã có sẵn nền tảng trực tuyến”.

Khó cân đối chi phí giao hàng cũng là vấn đề của Công ty CP Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn (APT). Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc APT chia sẻ, khi giao hàng, công ty phải giới hạn khoảng cách tối thiểu, nếu xa hơn thì buộc phải thu phí. Dù đã đẩy mạnh bán hàng trên các trang TMĐT từ lâu, nhưng APT hướng đến mục tiêu tăng giá trị thương hiệu là chính, bởi doanh thu đến nay vẫn chưa đáng kể.

Sàn quốc tế: E dè chi phí

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, đến nay Bibica đã đưa sản phẩm lên sàn Alibaba và Amazon nhưng không phải để bán lẻ mà chủ yếu là tiếp cận DN nhập khẩu ở thị trường nước ngoài.

Với APT, ông Trương Tiến Dũng cho biết công ty này đang cân nhắc xây dựng kế hoạch bán hàng qua Alibaba hay Amazon. Nguyên nhân là APT có hơn 100 mặt hàng thủy sản, phần nhiều phải đông lạnh, nhưng nền tảng Alibaba hay Amazon chưa có kho lạnh trữ hàng. Mức chiết khấu và các chi phí phát sinh từ các sàn TMĐT nước ngoài cũng chưa tối ưu đối với kế hoạch kinh doanh của APT.

Về chi phí khi bán trên nền tảng TMĐT quốc tế, ông Hiến thừa nhận là vấn đề không nhỏ: “Tôi làm nhiều năm trên các sàn quốc tế nhưng chưa có thành quả. Hai năm nay, tôi ngưng hẳn việc bán hàng qua các trang Amazon và Alibaba, dù đã tốn chi phí không ít”.

Với kênh Alibaba, phí duy trì tài khoản mỗi năm khoảng 1.400-5.000 USD, chưa tính chi phí marketing trên trang thường xuyên. Còn với Amazon, phí duy trì tài khoản chỉ 40 USD/tháng, nhưng bị chiết khấu khoảng 15% doanh thu, chưa kể rủi ro khi gửi hàng tại kho của họ và chi phí vận chuyển mà DN phải trả. Tính chung, DN mất khoảng 25-30% doanh thu khi bán hàng qua Amazon, chưa kể chi phí marketing để tiếp cận nguồn khách hàng mới. Tổng giám đốc Bidrico nhận xét: “Chi phí này là không hề nhỏ, nếu không có kế hoạch tốt thì rất dễ mất cả chì lẫn chài. Tuy nhiên, nếu xem đó là khoản marketing thì vẫn nên làm”.

Cách nào đưa hàng lên thương mại điện tử?

Trong bối cảnh kinh doanh còn khó khăn do dịch Covid-19, ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, DN cần bán hàng đa kênh, tuy nhiên ở mỗi thị trường cần điều chỉnh danh mục sản phẩm cho phù hợp.

Chẳng hạn tại Mỹ, để bán hàng qua Amazon, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chung như chứng nhận FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), hay chú ý đến những mặt hàng bị cấm bán từ lâu như yến sào. Nhưng đưa hàng lên trang không đồng nghĩa sẽ bán được ngay. Với kênh Alibaba cũng vậy, nếu DN xác định cần thâm nhập thị trường Trung Quốc thì hãy bán hàng qua trang này. Cách làm cũng giống như với Amazon.

Nếu có kế hoạch lâu dài, ông Danh khuyên nên thuê một DN tại Mỹ tư vấn để có chiến lược bán hàng bài bản. Việc này khá tốn tiền, có thể là gánh nặng với DN nhỏ. Vì vậy, DN nhỏ nên làm theo nhóm hoặc tạo một gian hàng của nhiều DN trong cùng hiệp hội. Theo ông Danh, khái niệm hiệp hội và hàng đặc sản Việt Nam đang được chú ý tại thị trường Mỹ nên cách làm này khả thi.

Với thị trường trong nước, ông Danh cho rằng DN chỉ nên xem TMĐT là kênh để giới thiệu sản phẩm mới, cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm và để chăm sóc khách hàng. “TMĐT là kênh dẫn khách hàng về các kênh bán hàng truyền thống và hiện đại. Không phải cứ đưa hàng lên TMĐT là giải quyết được hết mọi vấn đề bán hàng”, ông Danh nhìn nhận.

Theo số liệu của Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng TMĐT năm 2020 có thể đạt mức 30%, với tổng giá trị hơn 15 tỷ USD, đến năm 2025, giá trị thị trường có thể đạt 43 tỷ USD và đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á.

Theo VECOM, thị trường TMĐT hiện nay chỉ phát triển mạnh ở TP.HCM và Hà Nội, chiếm đến 70%. Khảo sát năm 2019 cũng cho thấy, có 23% DN ở Hà Nội và 23% DN ở TP.HCM tham gia các sàn TMĐT. 

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025, các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM phải chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa nhiều doanh nghiệp "mặn" với thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO