Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Tích cực nửa vời khi vẫn nhiều lằn ranh đỏ

Tuỳ Phong| 17/06/2021 01:33

Kết thúc sau hơn 3 tiếng đối thoại, thượng đỉnh Mỹ - Nga được nhận xét là "mang tính xây dựng" cũng như "tích cực", song Nga hiểu rõ vị trí của Mỹ về các "lằn ranh đỏ" và ngược lại.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga nhuốm màu u ám bởi một loạt vấn đề nhiều năm qua, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva kết thúc mà không có nhiều đột phá. Phần lớn thời gian, hai nhà lãnh đạo đều giữ sắc mặt lạnh lùng, ít nhìn thẳng vào nhau.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Tổng thống Nga Putin họp tại thư viện của biệt thự Villa La Grange ngày 16/6. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp tại thư viện của biệt thự Villa La Grange ngày 16/6/2021. Ảnh: AFP.

Ông Putin nhiều lần cúi nhìn xuống đất và dựa lưng vào ghế, trong khi ông Biden có lúc cầm giấy đọc chứ không trao đổi với người đồng cấp. Thậm chí, với dấu hiệu cho thấy mối quan hệ căng thẳng, hai bên cũng không dùng tiệc chung. 

Sau khi hội đàm kết thúc đêm 16/6/2021 (giờ Hà Nội), Tổng thống Putin họp báo riêng trước, tiếp đó là phần họp báo của Tổng thống Biden. Nhà Trắng không chấp nhận họp báo chung. Mô tả ông Biden là "chính khách giàu kinh nghiệm", Tổng thống Nga nói: "Ông ấy rất khác cựu Tổng thống Trump", đồng thời chia sẻ cuộc gặp không mang không khí "thù địch" mà "giàu tính xây dựng".

Khi được hỏi ai đã "chiến thắng" tại cuộc gặp, ông Putin nói, bản thân và ông Biden đã có "cuộc trò chuyện thẳng thắn". "Đây không phải là một cuộc thi. Đây là một cuộc họp hiệu quả. Nó có kết quả, nó đi đúng vào vấn đề", vị Tổng thống nhấn mạnh. Dù nhà lãnh đạo tin rằng mình và ông Biden nói "cùng ngôn ngữ", song khẳng định họ không hình thành bất kỳ loại tình bạn lâu dài nào.

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Joe Biden sau hội nghị cho biết đã có cuộc đối thoại "tích cực" với người đồng cấp. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, dù hội nghị thượng đỉnh không thể ngay lập tức cải thiện mối quan hệ hai nước, nhưng tinh thần chung của cuộc gặp là thẳng thắn, xây dựng, không khiêu khích và rất thực tế. Song, cần biết rằng, cả Mỹ lẫn Nga đều hiểu vị trí của nhau về các "lằn ranh đỏ", khi các cuộc họp báo đều liên tục làm rõ rằng, vẫn còn nhiều mâu thuẫn xung quanh các vấn đề như nhân quyền, tấn công mạng và Ukraine.

Ông Biden tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Putin

Ông Biden tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Putin

Điểm nóng an ninh mạng

Dẫn lời Tổng thống Mỹ, tờ Washington Post cho biết, ông Biden đã cảnh báo ông Putin rằng, Moscow đã không hành động chống lại tin tặc tống tiền các chính phủ, công ty và tổ chức phương Tây hàng trăm triệu USD từ trong lãnh thổ Nga. Tổng thống Mỹ cho biết, đã chuyển tới Tổng thống Nga danh sách 16 lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng "không được trở thành mục tiêu tấn công mạng, qua đó vạch ra lằn ranh đỏ cho Moscow.

"Có rất nhiều hoạt động tấn công bằng mã độc đến từ trong lãnh thổ Nga, dù không do quan chức chính phủ tiến hành, nhưng đang được chính phủ Nga cho phép", trợ lý bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers phát biểu trong hội nghị do nhóm truyền thông Cyberscoop tổ chức hôm 16/6/2021. "Họ không chỉ dung túng, mà còn tích cực ngáng đường cơ quan thực thi pháp luật Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công kiểu này", Demers nói.

Link bài viết

Bác cáo buộc từ Mỹ, Tổng thống Nga nói chính Mỹ đứng sau số lượng lớn các cuộc tấn công mạng. Theo ông Putin, Nga đã cung cấp hết khả năng thông tin cho Mỹ về các cuộc tấn công mạng nhưng không hề được hồi âm. "Còn các cuộc tấn công mạng nhằm vào Nga à, chúng tôi thấy chúng đến từ đâu? Chúng đến từ nước Mỹ", ông Putin khẳng định.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga thừa nhận vấn đề này "cực kỳ quan trọng" và cho biết hai bên đã thống nhất sẽ tổ chức các cuộc tham vấn về vấn đề này. "Chúng ta cần bỏ qua mọi lời bóng gió, ngồi xuống ở cấp độ chuyên gia và bắt đầu làm việc vì lợi ích của Nga và Mỹ", ông Putin bày tỏ.

Theo giới chuyên gia, Nga và các quốc gia lân cận đang trở thành trung tâm của cái gọi là "dịch vụ tấn công bằng mã độc", khi các nhóm khác nhau cùng liên kết tấn công mục tiêu, rồi hứa sẽ mở lại hệ thống máy tính bị khóa sau khi nạn nhân trả tiền chuộc. Trong khi đó, nạn nhân của tin tặc tại Mỹ gồm bệnh viện, trường học, sở cảnh sát và hàng loạt doanh nghiệp.

Nhân quyền và Alexei Navalny

Trong vấn đề nhân quyền, Tổng thống Mỹ lần nữa đề cập đến Alexei Navalny. "Điểm mấu chốt là tôi đã nói với Tổng thống Putin rằng, chúng ta cần phải có một số quy tắc cơ bản để tất cả có thể tuân thủ. Do đó, nhân quyền sẽ luôn là chủ đề được bàn luận. Làm sao tôi có thể là tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà lại không lên tiếng chống lại vi phạm nhân quyền? Tôi đã nói với ông ấy rằng không giống như các quốc gia khác, gồm cả Nga, chúng tôi là sản phẩm của một lý tưởng duy nhất", ông Biden nói.

Nga cho rằng cáo buộc nhân quyền từ Mỹ là không thoả đáng, khi bản thân nước này để cho tình trạng bạo lực súng đạn cùng các vụ không kích bằng drone khiến người dân thiệt mạng diễn ra liên tiếp.

Nga cho rằng, cáo buộc nhân quyền từ Mỹ là không thoả đáng, khi bản thân nước này để tình trạng bạo lực súng đạn cùng các vụ không kích bằng drone khiến người dân thiệt mạng diễn ra


Về việc này, ông Putin khẳng định chính trị gia đối lập Alexei Navalny tự biết bản thân vi phạm luật pháp Nga và biết rõ mình sẽ bị bắt khi trở về. Ngược lại, phía Nga cho rằng cáo buộc nhân quyền từ Mỹ là không thoả đáng, khi bản thân nước này để cho tình trạng bạo lực súng đạn cùng các vụ không kích bằng drone khiến người dân thiệt mạng tiếp tục diễn ra. Đồng thời, Mỹ cũng đáng bị chỉ trích về nhân quyền với chính sách gây tranh cãi về nhà tù Guantanamo.

"Lằn ranh đỏ" Ukraine

Về vấn đề Ukraine, hai bên không có gì để thảo luận về khả năng Kiev gia nhập NATO. Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Mỹ rất quan tâm đầu tư vào quan hệ với Ukraine nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Nga. Việc Moscow gia tăng hiện diện quân sự ở Crimea và sát biên giới Ukraine vào đầu năm 2021 khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây đặc biệt quan ngại.

Tại họp báo sau hội nghị, ông Biden cho biết đã nhắc đến Ukraine và nói với ông Putin rằng, Mỹ sẽ duy trì "cam kết kiên định đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine". Theo tổng thống Mỹ, khi ông đề cập đến "các khu vực có nhiều thách thức hơn" như Ukraine và Belarus, tổng thống Nga "không đồng ý với những gì đã xảy ra".

Trong cuộc họp báo của riêng mình, Tổng thống Nga bảo vệ các hành động của đất nước ông tại Ukraine, và cho biết cam kết duy nhất của Nga là thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận Minsk. Được biết, ông Putin luôn xem Ukraine là "lằn ranh đỏ" trong quan hệ giữa Nga với phương Tây và không chấp nhận việc NATO kết nạp Kiev làm thành viên. Ông luôn phủ nhận Nga trực tiếp can thiệp vào chiến sự ở miền đông Ukraine, cho rằng Kiev cần đối thoại trực tiếp với lực lượng ly khai nếu muốn đòi lại quyền kiểm soát lãnh thổ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Nga khẳng định việc Mỹ lo ngại Moscow quân sự hóa Bắc Cực là "vô căn cứ". Ông nhấn mạnh Nga chỉ đang khôi phục cơ sở hạ tầng thời Liên Xô trong khu vực và Moscow muốn tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan đến Đường Biển phương Bắc (NSR), đồng thời đề nghị Nga - Mỹ thúc đẩy hợp tác tại Bắc Cực.

Dù nhận được nhiều sự chú ý từ thế giới, nhiều danh, ít thực, sẽ chưa đủ để hai bên khai thông bế tắc và gây dựng được bước chuyển mang tính đột phá.

Dù nhận được nhiều sự chú ý từ thế giới, song cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Putin trên thực tế là nhiều danh, ít thực, và chưa đủ để hai bên khai thông bế tắc

Nhìn chung, cuộc gặp vừa diễn ra tại Geneva là dịp để mối quan hệ Mỹ - Nga trở nên dễ đoán hơn, giúp dọn đường cho hai bên làm việc với nhau trong các khía cạnh tán thành lẫn bất đồng.

Ngoài ra, đây là sự kiện để "hạ nhiệt" căng thẳng, giúp quan hệ song phương không tiếp tục rơi tự do, chứ không nhằm mục tiêu cải thiện đáng kể hay tạo đột phá, khi bất đồng quan điểm cũng như xung đột lợi ích chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Nga quá cơ bản và sâu sắc để có thể khai thông bế tắc chỉ sau một cuộc gặp. 

Thế nên, như diễn biến của cuộc gặp, hai bên đã tiếp tục gạn đục khơi trong, tìm kiếm sự thống nhất cho bất kỳ quan điểm nào có thể và không quá sa đà vào tranh cãi các bất đồng cũng như xung đột lợi ích vốn xưa nay đã khác biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Tích cực nửa vời khi vẫn nhiều lằn ranh đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO