Từ luật dẫn độ đến luật an ninh
Bất chấp những chỉ trích của các nước phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, vào ngày cuối tháng 6, Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Hồng Kông, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, cũng là ngày kỷ niệm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Động thái này được đưa ra sau các cuộc biểu tình bạo động vào năm ngoái của người dân Hồng Kông, bắt nguồn từ việc phản ứng Dự luật Dẫn độ, theo đó cho phép chính quyền địa phương giam giữ và dẫn độ những người bị truy nã ở những vùng lãnh thổ mà Hồng Kông không có thỏa thuận dẫn độ, kể cả Trung Quốc và Đài Loan.
Hồng Kông đã được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997, nhưng với một thỏa thuận về đảm bảo các quyền tự do nhất định, theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", theo đó cho phép hệ thống tư bản và lối sống trước đó của Hồng Kông không thay đổi trong khoảng thời gian 50 năm, cho đến năm 2047.
Tuy nhiên, với Luật An ninh Hồng Kông, phương Tây chỉ trích Bắc Kinh đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận ấy. Các chuyên gia luật pháp quốc tế cảnh báo Luật An ninh Hồng Kông sẽ làm suy yếu nền tư pháp độc lập của Hồng Kông và phá hủy các quyền tự do của người dân.
![]() |
Cụ thể, Luật An ninh Hồng Kông xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chính quyền của Hồng Kông về việc bảo vệ an ninh quốc gia; bốn hành vi phạm tội gồm ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, hoạt động khủng bố và cấu kết với các thế lực bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Một văn phòng an ninh quốc gia ở Hồng Kông sẽ giải quyết các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, và cũng sẽ có các quyền hạn khác như giám sát giáo dục về an ninh quốc gia trong các trường học. Ngoài ra, chính quyền Hồng Kông sẽ được yêu cầu thực hiện hầu hết biện pháp cưỡng chế theo luật này và Bắc Kinh sẽ có thể bác bỏ một số chủ trương, chính sách của chính quyền Hồng Kông.
Hệ quả được báo trước
Phản ứng trước Luật An ninh Hồng Kông mà Trung Quốc áp lên đặc khu, Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức lên án khi cho rằng luật này không phù hợp với Luật Cơ bản của Hồng Kông cũng như các cam kết quốc tế của Trung Quốc, trong đó bảo đảm Hồng Kôngđược mức độ tự trị cao và sở hữu quyền tư pháp, hành chính và lập pháp độc lập.
Vương quốc Anh cũng tỏ ra quan ngại sâu sắc về Luật An ninh Hồng Kông và cho biết có thể đón nhận 3 triệu cư dân Hồng Kông đến Anh. Cả Úc và Đài Loan cũng tuyên bố có thể đón nhận cư dân Hồng Kông.
Vài giờ trước khi Luật An ninh Hồng Kông được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ sẽ ngừng xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng sang Hồng Kông, áp đặt hạn chế về quân sự và công nghệ lưỡng dụng đối với Hồng Kông tương tự như với Trung Quốc đại lục. Và không loại trừ khả năng 27 nước EU sẽ có hành động tương tự. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo sẽ không cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc làm suy yếu Hồng Kông, cả những người đương nhiệm lẫn về hưu và người thân của họ.
Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua Dự luật Quyền tự trị Hồng Kông nhằm trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các quan chức đại lục có dính líu tới Luật An ninh Hồng Kông, cũng như cho phép Chính phủ Mỹ trừng phạt những cá nhân "đóng góp vật chất" giúp Chính phủ Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ theo Tuyên bố chung Trung - Anh khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Dự luật Quyền tự trị Hồng Kông sẽ sớm được Tổng thống Trump ký ban hành chính thức.
![]() |
Trước đó, từ cuối tháng 5, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ bắt đầu tiến trình hủy bỏ các ưu đãi đặc biệt về thương mại dành cho Hồng Kông nếu Luật An ninh Hồng Kông được thông qua. Được biết Hồng Kông đã hưởng lợi lớn từ quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ trong nhiều năm qua, khi hàng hóa xuất đi từ đặc khu này vào Mỹ không bị đánh thuế, bất chấp cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.
Ngay cả cựu Phó tổng thống Biden dưới thời Obama, hiện là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cũng tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc nếu thắng cử. Việc ông Biden đưa ra cam kết này xuất phát từ một số điều khoản trong Luật An ninh Hồng Kông, khi có thể áp dụng với cả những người không phải là thường trú nhân của Hồng Kông và cũng không ở Hồng Kông vào thời điểm phạm luật. Điều này đã khiến các quan chức Mỹ lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng luật này để chống lại công dân Mỹ.
Luật An ninh Hồng Kông càng làm xấu đi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai cường quốc này còn căng thẳng về nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề Đài Loan, đại dịch Covid-19 và thương mại. Trước tình hình này, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có lẽ còn lâu mới có thể đạt được một cách toàn diện.
Trong khi đó, vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông bị đe dọa nghiêm trọng, khi các tổ chức quốc tế, công ty đa quốc gia, nhân sự cấp cao đang dần rời bỏ thành phố này. Các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore đang ra sức thu hút nguồn vốn và nhân tài tháo chạy khỏi Hồng Kông.