Chính sách tiền tệ linh hoạt tác động mạnh tới doanh nghiệp

Song Anh| 11/05/2021 01:30

Trong điều kiện hiện nay, không cần Ngân hàng Nhà nước can thiệp, các ngân hàng cũng sẽ tự điều chỉnh lãi vay theo nguyên tắc thị trường". Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng

* Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, chính sách tiền tệ, tài khóa phải linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Ông nghĩ sao về sự chỉ đạo ấy?

- Một thực tế là Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách tiền tệ điều tiết lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều dễ nhận thấy là kỷ luật, kỷ cương ngành ngân hàng đã được củng cố vững chắc, thanh khoản của toàn hệ thống từng bước ổn định và đảm bảo an toàn, thị trường tiền tệ ổn định và thông suốt, lạm phát từ mức 18,13% năm 2011 xuống 3,2% năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề là ổn định thị trường tiền tệ lâu dài, nếu điều hành với những cung bậc quá cao hay quá trầm đều gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

* Theo ông thì có nên nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh khả năng tiếp cận vốn có điều kiện của đa số doanh nghiệp đều rất yếu như hiện nay?

- Nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian qua chỉ mới mang tính kích thích. Việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều lần sẽ có rủi ro về lạm phát, vì lượng tiền lớn đi vào lưu thông sẽ đẩy lạm phát tăng. Nhưng tại thời điểm này, việc nới lỏng chính sách tiền tệ không tác động đến lạm phát vì sức cầu của nền kinh tế yếu, không đủ sức tạo thành áp lực đẩy giá cả lên. Đó là điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, tiến tới giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Một điều cần lưu ý, ở nước ta, thị trường 1 (thị trường dân cư và doanh nghiệp) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) chưa có sự liên thông chặt chẽ, các đợt giảm lãi suất điều hành vừa qua cũng chưa đẩy được lãi suất cho vay xuống thấp. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành khoảng 0,5% diễn ra trên thị trường 2 và để có tác động lên thị trường 1 cần có độ trễ, hơn nữa mức độ biến động lãi suất trên thị trường 1 cũng sẽ không mạnh như thị trường 2. 

Trong điều kiện hiện nay, theo tôi, không cần Ngân hàng Nhà nước can thiệp, các ngân hàng cũng sẽ tự điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường để giảm lãi vay, vì tăng trưởng tín dụng quý đầu năm nay chỉ bằng nửa quý I năm ngoái. Cầu tín dụng vẫn lớn nhưng hoạt động tín dụng giảm, vì các ngân hàng lo lắng vấn đề nợ xấu nên phải cân nhắc khi cho vay. Khi hoạt động tín dụng giảm, một số ngân hàng lớn cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với một vài kỳ hạn để giảm chi phí vốn và chủ động giảm lãi suất cho vay để đẩy vốn ra.

* Dường như vẫn thiếu một cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, phải không thưa ông?

- Ngân hàng Nhà nước nên học hỏi cách điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Mô hình hoạt động của FED,  người đứng đầu là chủ tịch, công việc của chủ tịch là tập trung hoàn toàn vào việc điều hành nền kinh tế, và FED có các chuyên gia ở mọi lĩnh vực kinh tế trong nước và quốc tế. Tổ chức hoạt động của FED gồm Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường, các ngân hàng của FED, các ngân hàng thành viên. Trong đó, hai cơ quan quan trọng nhất là Ban Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang (FRS) và Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Chủ tịch FED sẽ được bầu làm Chủ tịch FRS nhưng không mặc nhiên là Chủ tịch FOMC - cơ quan quyền lực nhất kiểm soát lãi suất cơ bản, công cụ chính trong chính sách tiền tệ của Mỹ.

Với mô hình hoạt động như vậy, FED điều chỉnh lãi suất mục tiêu qua những quyết định của FOMC họp 8 lần/năm. Ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh lãi suất thương mại xoay quanh lãi suất mục tiêu đó. Để điều hành lãi suất cơ bản, mỗi ngân hàng thương mại phải báo cáo cho FED nguồn dự trữ bắt buộc. Hiện mức dự trữ bắt buộc ở Mỹ là 10% (Việt Nam là 3%), nếu ngân hàng thương mại Mỹ qua đêm mà không duy trì được mức dự trữ này sẽ bị phạt và phải vay mượn trên liên ngân hàng hoặc vay từ FED.

Tại Việt Nam hiện nay, có hai loại lãi suất: lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp (lãi suất thị trường 1) và lãi suất liên ngân hàng (lãi suất thị trường 2), hai loại lãi suất này không kết nối với nhau. Việt Nam không có lãi suất trung tâm để điều hành lãi suất thị trường. 

Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản tương tự FED. Ngân hàng Nhà nước thiết lập lãi suất trung tâm cho thị trường ngân hàng, từ đó làm cơ sở cho lãi suất huy động, cho vay hình thành từ cung cầu thị trường. Cơ chế này đòi hỏi sự liên thông giữa các thị trường tài chính.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách tiền tệ linh hoạt tác động mạnh tới doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO